Nâng cao hiệu quả phát hiện, điều trị dự phòng bệnh lao trẻ em tại Nghệ An

20/11/2017 09:43

(Baonghean) - Với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do lao ở trẻ em tại Nghệ An, từ tháng 3/2016 Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An phối hợp với tổ chức PATH, Johnson & Johnson Việt Nam triển khai dự án “Hơi thở cuộc sống”. Đến nay, số trẻ được phát hiện lao, dự phòng INH tại 4 huyện của dự án tăng từ 2-5 lần; góp phần tăng tỷ lệ phát hiện lao trẻ em và điều trị dự phòng INH trên toàn tỉnh.

Thách thức trong quản lý lao trẻ em

Hiện nay, bệnh lao vẫn là một gánh nặng và là một vấn đề y tế khẩn cấp trên toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao nhiều nhất trên toàn cầu; số liệu thống kê cho thấy, có tới 90% trẻ em mắc lao chưa được phát hiện.

Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh có gánh nặng bệnh lao cao nhất cả nước. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh phát hiện từ 2.700 - 2.900 người mắc lao mới. Trong đó, ước tính số ca lao trẻ em chiếm khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân lao.

Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An. Ảnh: Đinh Nguyệt
Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An. Ảnh: Đinh Nguyệt

Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai các hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề lao trẻ em. Tuy nhiên, công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị còn gặp nhiều khó khăn do người dân còn hạn chế tiếp cận tới các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế về lao ở trẻ em. Tại Nghệ An, công tác quản lý bệnh lao trẻ em đã được tăng cường, tuy nhiên việc chẩn đoán, điều trị và dự phòng vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo bác sỹ Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, hiện nay “Kết nối giữa chương trình chống lao và cơ sở y tế công và tư trong quản lý bệnh lao ở trẻ em vẫn còn hạn chế. Chẩn đoán lao trẻ em chủ yếu được thực hiện tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Các ca lao trẻ em thường bị bỏ sót hoặc không phát hiện được tại các cơ sở y tế ngoài chương trình chống lao và ở y tế cơ sở do khó chẩn đoán. Số trẻ tiếp xúc nguồn lây được dự phòng INH thấp do thiếu sàng lọc trẻ tiếp xúc nguồn lây một cách hệ thống tại cộng đồng. Bởi vậy, việc triển khai thực hiện dự án “Hơi thở cuộc sống” đã giải quyết được khó khăn, hạn chế trong quản lý lao trẻ em, đồng thời nâng cao hiêu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao trẻ em ở Nghệ An”.

Tăng số trẻ em được phát hiện và dự phòng lao từ 2-5 lần

Dự án “Hơi thở cuộc sống” được triển khai thí điểm tại 4 huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn và Yên Thành. Một trong những huyện có số bệnh nhân mắc lao cao nhất tỉnh là Diễn Châu.

Bác sỹ Thái Văn Ất - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu cho biết: Từ khi có dự án, sự gắn kết giữa bệnh viện, Trung tâm y tế và Trạm xá xã đã tốt hơn. Công tác tập huấn về chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý lao trẻ em tại cộng đồng được triển khai từ huyện đến các xã theo quy trình chuẩn. Nhờ đó, cán bộ y tế cơ sở thực hiện tốt quy trình khám sàng lọc lao cho trẻ ngay tại địa phương.

Cán bộ dự án giám sát hỗ trợ sàng lọc trẻ tiếp xúc với nguồn lây, đưa vào điều trị dự phòng INH tại xã Diễn Cát, Diễn Châu. Ảnh: PV
Cán bộ dự án giám sát hỗ trợ sàng lọc trẻ tiếp xúc với nguồn lây, đưa vào điều trị dự phòng INH tại xã Diễn Cát, Diễn Châu. Ảnh: PV

Nhờ vậy, tại Diễn Châu trong 18 tháng qua, tỷ lệ phát hiện bệnh lao ở trẻ tăng lên đáng kể (năm 2015: 26 em; 2016: 67 em và 9 tháng đầu năm: 36 em). Số trẻ được điều trị dự phòng trên toàn huyện cũng tăng lên, từ 35 trẻ năm 2016, năm 2017 tăng lên 75 trẻ”.

Từ tháng 3/2016 đến nay, số trẻ được phát hiện lao tại 4 huyện của dự án tại Nghệ An tăng gấp đôi; 9 tháng đầu năm 2017, có thêm 89 trẻ mới mắc lao được phát hiện; góp phần tăng số ca lao trên được phát hiện trong toàn tỉnh. Sau gần 2 năm, số trẻ tham gia điều trị dự phòng INH tại 4 huyện dự án tăng gấp 5 lần (từ 49 trẻ năm 2015 lên 344 trẻ tại thời điểm tháng 9 năm 2017); góp phần tăng số trẻ điều trị dự phòng INH trong toàn tỉnh. Tỷ lệ trẻ được điều trị dự phòng INH so với trẻ chưa được điều trị dự phòng tại 4 huyện tăng hơn 20%.

Lao là bệnh truyền nhiễm, đối với trẻ nhỏ 0-5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi tham gia điều trị dự phòng INH có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao. “Hơi thở cuộc sống” góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao trẻ em và cách phòng chống căn bệnh truyền nhiễm này.

Gia đình bà Nguyễn Thị C (xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn) có người thân mắc bệnh lao, cháu bà C đã được điều trị dự phòng INH theo nội dung dự án “Hơi thở cuộc sống”. Bà C cho biết: Từ năm 2016, các cán bộ y tế xã đã đến khám, sàng lọc, tư vấn cho gia đình điều trị dự phòng lao cho cháu nhỏ mới 2 tuổi, hướng dẫn uống thuốc, cách vệ sinh phòng bệnh. Từ đó đến nay cháu tôi sức khỏe tốt, lên cân bình thường nên gia đình rất yên tâm về sức khỏe của cháu”.

Bác sĩ Đậu Quang Minh. Ảnh: Đinh Nguyệt
Bác sĩ Đậu Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An khẳng định: Dự án "Hơi thở cuộc sống" góp phần phá hiện bệnh lao trẻ em tại 4 huyện của dự án tăng. Ảnh: Đinh Nguyệt

Sau 2 năm triển khai, dự án “Hơi thở cuộc sống” đã đạt được các mục tiêu đề ra và có nhiều tác động rất tích cực tới công tác quản lý lao trẻ em tại Nghệ An.

Chia sẻ về kết quả dự án, bác sĩ Đậu Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Dự án đã giúp nâng cao hiệu quả phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm lao trẻ em tại bệnh viện và cộng đồng. Việc phát hiện sớm, dự phòng tốt sẽ giúp công tác quản lý lao trẻ em hiệu quả hơn và sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng bệnh lao ở người lớn. Nhờ sự giúp đỡ của Dự án Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã thành lập khoa nhi từ tháng 3/2017, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh lao và bệnh phổi ở trẻ em; tạo góc vui chơi thân thiện cho trẻ, đặc biệt bộ tài liệu tập huấn do dự án phát triển được áp dụng cho chương trình đào tạo y khoa liên tục của đơn vị”.

Biểu dương các đơn vị triển khai Dự án Hơi thở cuộc sống tại Nghệ An có hiệu quả. Ảnh: Đinh Nguyệt
Biểu dương các đơn vị triển khai Dự án Hơi thở cuộc sống tại Nghệ An có hiệu quả. Ảnh: Đinh Nguyệt

“Hơi thở Cuộc sống” là mô hình khả thi và hiệu quả trong quản lý lao trẻ em tại địa bàn nông thôn như Nghệ An.

Theo TS Kimberly Green - Giám đốc Chương trình Lao/ HIV, Tổ chức PATH, thành công của dự án ở Nghệ An cho thấy, hiệu quả của việc phân cấp chẩn đoán lao trẻ em xuống tuyến huyện, huy động sự tham gia của các cơ sở y tế ngoài mạng lưới chống lao phối hợp với cơ sở chống lao; triển khai một cách hệ thống công tác sàng lọc và quản lý trẻ tiếp xúc nguồn lây; trong việc phát hiện sớm và dự phòng lao ở trẻ. Những kinh nghiệm triển khai dự án ở Nghệ An sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả dự án ở Việt Nam”.

Trao đổi về kế hoạch duy trì mở rộng mô hình dự án trên địa bàn tỉnh thời gian tới, bác sỹ Đậu Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết thêm: “Nghệ An tiếp tục phát huy kết quả dự án, đồng thời tiếp tục mở rộng triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh; để công tác phòng chống lao trẻ em và phòng chống lao nói chung đi vào chiều sâu và lan tỏa”.

Đinh Nguyệt

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nâng cao hiệu quả phát hiện, điều trị dự phòng bệnh lao trẻ em tại Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO