Pháp luật

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng từ gốc

Tiến Đông 31/12/2024 11:31

Trên địa bàn tỉnh, nhiều giải pháp phòng ngừa đã được triển khai, mang lại kết quả tích cực, góp phần kiềm chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, kể từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/7/2019), đến nay, qua công tác thanh tra, toàn tỉnh đã phát hiện 10 vụ việc vi phạm, tham nhũng. Bên cạnh đó, có 12 vụ việc vi phạm, tham nhũng bị phát hiện qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh cũng đã thụ lý điều tra 92 vụ/316 bị can; có 82 vụ/278 bị can liên quan đến tham nhũng được viện kiểm sát 2 cấp thụ lý; và có 100 vụ/386 bị cáo liên quan đến các vụ án tham nhũng được tòa án nhân dân các cấp thụ lý.

Trong số này, có những vụ việc nổi cộm khiến dư luận bức xúc, như vụ việc liên quan đến Dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, y tế tại Nghi Phú (TP. Vinh) do Công ty TNHH Minh Khang làm chủ đầu tư, bị cơ quan thanh tra xác minh có sai phạm từ năm 2021.

Sau khi cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra, và khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ngày 28/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên án đối với Nguyễn Đình Khang - Trưởng ban Quản lý Dự án Khu đô thị Minh Khang 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, hình phạt chung là 30 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty Minh Khang 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, hình phạt chung là 20 năm tù, đồng thời, buộc 2 bị cáo liên đới trách nhiệm phải bồi thường tiền gốc và tiền lãi cho các bị hại.

phiên toà Minh khang
Phiên tòa xét xử vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH Minh Khang vào tháng 9/2023 đã thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: Tiến Đông

Cả 2 bị cáo đã làm đơn kháng cáo kêu oan, đề nghị xem xét lại bản án, tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 19-20/3/2024, Tòa án nhân dân cấp cao đã không chấp nhận kháng cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm đối với phần tính lãi và tuyên y án đối với bị cáo Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Thị Thu.

bna_mk-8e7e6725ba6b9dc5a8eff1a83efec294.jpeg
Bị cáo Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Thị Thu tại Tòa án. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ra, còn có vụ việc liên quan đến Dự án cụm dân cư Trường Sơn, phường Cửa Nam (TP. Vinh), do Công ty cổ phần Tiến Lực làm chủ đầu tư, đã bị cơ quan thanh tra phát hiện sai phạm trong quá trình thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất và khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) vào tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bằng hình thức ghi thu, chi không đúng quy định, làm thất thoát của Nhà nước hơn 7,7 tỷ đồng.

Mới đây, trong năm 2024, cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 2 vụ việc. Trong đó, có vụ việc vi phạm trong công tác quản lý thu, chi các nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Na Ngoi, năm học 2020 - 2021 và năm học 2023 - 2024. Tháng 6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Mạnh Hùng - nguyên Hiệu trưởng và Trương Xuân Cường - kế toán của trường về hành vi tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngoài ra, còn có vụ việc vi phạm trong công tác thu, chi tại Bệnh viện Da liễu Nghệ An. Cụ thể, sau khi có đơn thư phản ánh của công dân liên quan đến nhiều sai phạm tại Bệnh viện Da liễu Nghệ An, Sở Y tế đã thành lập tổ xác minh và kết luận, bệnh viện này có nhiều sai phạm như: Lập khống hợp đồng lao động cho 7 điều dưỡng, thống kê số liệu thu, khám, chữa bệnh cao hơn thực tế, chưa trúng thầu đã thi công, thu tiền bệnh nhân nhưng không thực hiện xét nghiệm…

bna_benh-vien-da-lieu-nghe-an-co-dia-chi-so-130-duong-le-hon-phong-thanh-pho-vinh.-benh-vien-co-vi-tri-dep-de-thu-hut-benh-nhan.-anh-thanh-chung-5a8a9f12215387a63be8003b548d1e6c.jpg
Bệnh viện Da liễu Nghệ An - nơi xảy ra nhiều sai phạm thời gian gần đây. Ảnh: Thanh Sơn

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tổng số tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện lên đến hơn 92,7 tỷ đồng; đã thu hồi được hơn 62,6 tỷ đồng tài sản tham nhũng.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Công tác phòng, chống tham nhũng đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Cụ thể, trong 5 năm, toàn tỉnh đã ban hành 1.243 văn bản để cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tuy nhiên, một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Trong đó, việc chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Công tác chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, thu nhập hiện nay chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Chưa phát hiện các vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa phản ánh đúng thực trạng. Một số cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi...

Công an huyện Anh Sơn ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Duyên, công chức tài chính - kế toán xã Khai Sơn; Công an huyện Quỳnh Lưu khởi tố 2 bị can là cán bộ địa chính xã ở huyện Quỳnh Lưu về tội
Công an huyện Anh Sơn ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Duyên - công chức tài chính - kế toán xã Khai Sơn; Công an huyện Quỳnh Lưu khởi tố 2 bị can là cán bộ địa chính xã ở huyện Quỳnh Lưu về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; Lực lượng chức năng huyện Nghi Lộc đọc lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Đình Hải - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong sai phạm về bồi thường hỗ trợ tái định cư. Ảnh tư liệu: C.T.V

Theo nhận định, tình hình tham nhũng, tiêu cực dự kiến vẫn còn có diễn biến phức tạp. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường sẽ tác động tới một số cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng việc am hiểu pháp luật đối với các lĩnh vực được phân công phụ trách, lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi tham nhũng, vụ lợi cho bản thân, cho lợi ích nhóm, gây ảnh hưởng tới uy tín của bộ máy Nhà nước.

Đặc biệt là vấn đề tham nhũng vặt đang diễn biến len lỏi tại các cơ quan, đơn vị gây bức xúc, bất bình cho nhân dân, tập trung xảy ra trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính, đầu tư mua sắm công, ngân hàng, y tế…

bna_img_0234.jpg
Điểm cầu Nghệ An tại Hội nghị trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố. Ảnh: Thành Duy

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, vào ngày 3/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 809/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng gồm 25 thành viên, do Chánh Thanh tra tỉnh làm Tổ trưởng. Đến ngày 2/5/2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành Văn bản số 3436/UBND-NC về việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng vào ngày 24/12 vừa qua, UBND tỉnh xác định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là các quy định về công khai, minh bạch; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiến hành thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định, chú trọng xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Đặc biệt, sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Nhà nước...

Mới nhất

x
Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng từ gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO