Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo
Sáng 7/1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ổn định
Trong năm 2024, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định. Các cấp, ngành cơ bản đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp trong tôn giáo.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức phong phú, đa dạng, từ đó đem lại hiệu quả tuyên truyền sâu rộng trong chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nói riêng, các tầng lớp nhân dân nói chung.
Các cấp, ngành đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác tranh thủ, vận động chức sắc, chức việc được quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa giáo hội với chính quyền các cấp.
Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo đã tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội. Chỉ tính riêng đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tăng ni, phật tử các chùa, các đạo tràng, bản hội trong tỉnh đã kêu gọi ủng hộ hơn 4 tỷ đồng; nhiều chùa duy trì chương trình bát cháo từ tâm; bữa cơm từ thiện tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh trị giá 5 tỷ đồng; thăm hỏi, động viên người có công, gia đình chính sách, người khó khăn trong các dịp Phật đản, Vu lan và các dịp lễ trọng 4 tỷ đồng…
Các mô hình "Dân vận khéo" trong vùng đồng bào có đạo tiếp tục được duy trì và phát huy như mô hình giáo xứ bình yên, kính Chúa yêu nước; giáo họ bình yên đảm bảo an ninh trật tự; giáo xứ bình yên, chung tay xây dựng nông thôn mới… tạo sức lan toả trong cộng đồng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Các thủ tục hành chính được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời. UBND tỉnh đã chấp thuận phục hồi 02 chùa, thành lập 04 giáo xứ, bổ nhiệm 04, miễn nhiệm 01 sư trụ trì chùa; giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho 05 cơ sở tôn giáo; giải quyết nhu cầu đất đai cho 23 cơ sở tôn giáo; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với 19 cơ sở tôn giáo; cấp giấy phép xây dựng cho 03 cơ sở tôn giáo…
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo cơ bản có trách nhiệm, trình độ chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm ngày càng nâng lên.
Giải quyết kịp thời các nhu cầu tôn giáo chính đáng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kết quả nổi bật trong công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đồng thời, nhấn mạnh trong 2025, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục triển khai đồng bộ, đa dạng các biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ các chức sắc, chức việc, tu hành, người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn kết đồng bào các tôn giáo thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh lưu ý các sở, ban, ngành và địa phương quan tâm, hướng dẫn tổ chức giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật; tập trung phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái phép, nhất là hoạt động truyền đạo, tụ tập đông người, khiếu kiện, cản trở giải phóng mặt bằng các dự án, lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai, sinh hoạt tôn giáo trái phép.
Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng đề nghị các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả đề án thành lập Ban Dân tộc - tôn giáo, phòng dân tộc cấp huyện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tỉnh gắn với củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở.
Dịp này, UBND tỉnh trao Bằng khen cho 5 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2024.
Nghệ An hiện có 495 di tích được xếp hạng các cấp (trong đó có 475 di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, đình, đền chùa, miếu, nhà thánh, thiện đàn, nhà thờ, lăng mộ, khu lưu niệm…).
- Đạo Công giáo có khoảng 300.000 tín đồ, 234 chức sắc gồm 02 giám mục và 232 linh mục; có Toà Giám mục Giáo phận Vinh; 345 nhà thờ xứ, họ đạo (14 hạt, 123 giáo xứ, 226 giáo họ) ở 20 huyện, thành, thị với gần 1.000 tín đồ; 03 dòng tu hợp pháp.
Phật giáo có khoảng 170.000 nghìn tín đồ phật tử; 75 chùa và 01 niệm phật đường; trong đó có 49 chùa đã có sư trụ trì ở 14 huyện, thành, thị; 110 tăng, ni, tu sĩ trong đó có 40 sư trụ trì các chùa.