Nâng cao kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
(Baonghean.vn) - Lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tiền đề vững chắc để đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị nhằm kịp thời đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó trong tình hình mới.
Chiều 27/8, tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ Khai giảng "Lớp Bồi dưỡng kiến thức Kinh điển Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh" năm 2020. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Dự Lễ khai giảng, về phía Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có các đồng chí: PGS.TS Hoàng Anh - Ủy viên BTV Đảng ủy Học viện, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS Trần Văn Phòng - nguyên Viện trưởng Viện Triết học Học viện.
Dự lễ có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh.
PGS. TS Hoàng Anh nhấn mạnh, việc bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên có ý nghĩa rất quan trọng. Từ những nội dung đào tạo, các học viên sẽ được trang bị phương pháp tiếp cận, phương pháp tư duy mới để nắm bắt được cốt lõi của các tác phẩm kinh điển, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Từ đó, củng cố lập trường giai cấp, giữ vững bản lĩnh chính trị của người cán bộ cách mạng, cán bộ khoa học, giảng viên trường Đảng.
PGS.TS Hoàng Anh - Ủy viên BTV Đảng ủy Học viện, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Chủ nhiệm Thường trực Đề án 587 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ Khai giảng. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Để lớp học mang lại hiệu quả cao, PGS,TS. Hoàng Anh đề nghị Ban Tổ chức lớp học nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận dụng thời gian, phát huy tính sáng tạo trong học tập để nâng cao kiến thức, năng lực và bản lĩnh chính trị. Đồng thời rèn luyện phương pháp, tác phong khoa học và khả năng tư duy, nhận định, phân tích, đánh giá để giải quyết tốt những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trong tình hình mới nhằm hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu của khóa học.
Thay mặt Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Hiệu trưởng Lê Thị Hoài Chung gửi lời cảm ơn Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm Đề án 587 đã quan tâm, tạo điều kiện mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của các trường chính trị nói chung, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng.
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An Lê Thị Hoài Chung yêu cầu học viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt khóa học. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tổ chức lớp học trong công tác chuẩn hóa về mặt chuyên môn, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đồng chí Lê Thị Hoài Chung yêu cầu các đồng chí học viên sắp xếp thời gian, công việc, tập trung cao nhất để học tập, nghiên cứu. Từ đây, nắm bắt được giá trị cốt lõi của các tác phẩm kinh điển, tạo bước đệm vững chắc để vận dụng vào công giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong thực tiễn.
Đại diện Ban tổ chức lớp học, Ban cán sự "Lớp Bồi dưỡng kiến thức Kinh điển Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh" năm 2020. Ảnh: Thanh Quỳnh |
“Lớp Bồi dưỡng kiến thức Kinh điển Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh" năm 2020 gồm có 50 học viên, là giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh.
Trong chương trình, học viên sẽ tập trung nghiên cứu và trao đổi, thảo luận về các tác phẩm kinh điển của C.Mác, Ph.Ăng-ghen; các tác phẩm tiêu biểu của V.I.Lênin và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.