Nâng cao năng lực cho các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong ứng phó với thiên tai
(Baonghean.vn) - Dự án được triển khai đã góp phần nâng cao năng lực của các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong ứng phó khẩn cấp và sơ cấp cứu nhằm giảm thiệt hại về người, sinh kế, tài sản do thảm họa gây ra.
Ngày 5/10, tại thành phố Vinh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành.
Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động và ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, thiên tai liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước, với nhiều loại hình khác nhau, từ bão, lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, hạn hán, rét đậm, rét hại,…
Biến đổi khí hậu với diễn biến bất thường, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, và đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cho đất nước, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã tài trợ để Hội triển khai dự án “Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Với tổng kinh phí 800.000 USD (tương đương khoảng 18,7 tỷ đồng), được thực hiện trong thời gian 2 năm (từ 01/9/2021 đến hết tháng 10/2023), triển khai tại 10 xã trên địa bàn 4 tỉnh An Giang, Khánh Hòa, Sơn La và Nghệ An.
Dự án được triển khai đã góp phần nâng cao năng lực của các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong ứng phó khẩn cấp và sơ cấp cứu nhằm giảm thiệt hại về người, sinh kế, tài sản do thảm họa gây ra. Đặc biệt là các cấp hội tại địa bàn triển khai dự án, được nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao đang đặt ra đối với Hội trong tham gia cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại tỉnh Nghệ An, các hoạt động chính của dự án đã được tiến hành từ tháng 1/2022 đến tháng 07/2023, tổng số người hưởng lợi trực tiếp đạt được là 3,490 người, gồm 1,656 nam (47%) và 1.834 nữ (53%). Số người hưởng lợi gián tiếp 13.000 người do được người hưởng lợi trực tiếp của hoạt động truyền thông và diễn tập phòng chống thiên tai tại cộng đồng truyền thông mang lại.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các xã Dự án tiến hành xây dựng các kế hoạch quản lý thảm họa hàng năm trong năm 2022, 2023 bao gồm các nguồn nhân lực mới, như các đội ứng phó thảm họa hỗn hợp cấp tỉnh, cấp xã, các hoạt động chuẩn bị ứng phó sớm, hành động sớm dựa theo dự báo như chằng chống nhà ở và tài sản.
Tỉnh hội Nghệ An và các đội ứng phó thiên tai, truyền thông trong tình huống thảm họa đã có các hoạt động ứng phó tốt và huy động được trên 6,8 tỷ đồng và hàng cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng lũ lụt các huyện vùng thấp trũng và lũ quét tại huyện Kỳ Sơn trong tháng 10/2022.
Các hoạt động tập huấn cho các đội ứng phó thiên tai cấp tỉnh và xã cũng được thực hiện theo tiến độ thành lập các đội. Phát huy những mô hình hoạt động của dự án, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục tham mưu xin kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2022, tổ chức 12 lớp tập huấn về cộng đồng ứng phó thảm họa cho 12 đội xung kích của 12 xã trọng điểm thiên tai. Năm 2023 tiếp tục đề xuất nguồn ngân sách tỉnh và đã được đồng ý cấp số tiền 410 triệu đồng tập huấn cho đội xung kích 12 xã, sẽ được triển khai từ tháng 10-12/2023.
Tại Hội nghị, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đánh giá kết quả triển khai thực hiện dự án, làm rõ những kết quả đã đạt được, nhất là việc thực hiện mục tiêu tổng thể, các kết quả mong đợi của dự án, những mặt tích cực và những tác động mang tính chuyển đổi mà dự án mang lại cho các cấp Hội trong nâng cao năng lực ứng phó các tình huống khẩn cấp; việc xây dựng, đúc rút những bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai dự án, những mô hình hiệu quả, câu chuyện chuyển đổi từ quá trình triển khai Dự án,...
Việc xây dựng các phương án phòng chống thiên tai; các phương án truyền thông cảnh báo sớm, hành động sớm; kết quả công tác truyền thông, công tác tập huấn lực lượng cũng như phương án huy động, sử dụng nguồn nhân lực đã được tập huấn và các trang thiết bị, vật tư từ dự án; đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện dự án.
Đồng thời, Hội nghị cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện hiệu quả hơn các dự án trong tương lai, cũng như đưa ra những đề xuất về những lĩnh vực, nội dung công việc mà Hội cần tiếp tục tăng cường nhằm nâng cao hơn nữa năng lực ứng phó khẩn cấp của các cấp Hội trong cả nước.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu được đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giới thiệu về kế hoạch dự án đến tháng 8/2025.