Nâng cao năng lực thuỷ lợi chống biến đổi khí hậu ở Nghệ An: Bài 2: Những bất cập trong quản lý, vận hành

Hiện nay, việc vận hành quản lý hồ chứa và công trình thủy lợi vẫn còn khá nhiều bất cập: Hồ đập thủy điện thông báo xả lũ muộn; hồ thủy lợi thiếu người có chuyên môn nghiệp vụ để vận hành; công tác quản lý đầu tư vẫn  tồn tại những bất cập…

Nghệ An có 2 hồ chứa lớn nhất là hồ chứa nước Vực Mấu thị xã Hoàng Mai và hồ chứa Sông Sào hiện nay vẫn đang còn những khó khăn trong khâu vận hành khi mùa mưa bão đến.

Ông Phạm Hồng Phú – Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai cho biết: Hồ chứa nước Vực Mấu thị xã Hoàng Mai được đầu tư nâng cấp từ những năm 2009, hiện đại, với 5 cửa tràn xả lũ với tổng lưu vực hứng nước là 215 km2, trữ lượng thiết kế 75 triệu m3 nước. Ngoài việc tưới cho trên 4.600ha đất canh tác, công trình này còn cấp nước sinh hoạt cho gần 40.000 hộ dân khu đô thị Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, cấp nước cho công nghiệp 11,388 triệu m3/năm. Vào mùa mưa lũ, công tác vận hành còn khó khăn, như hệ thống tự động điều hành hồ chứa hay hư hỏng.  Trước mùa mưa lũ năm nay, hệ thống báo mực nước, đo mưa đã bị hỏng, công nhân phải thực hiện bằng thủ công.

Hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh: Văn Trường
Hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh: Văn Trường

Hồ chứa nước Sông Sào được khởi công xây dựng từ 1999, đạt dung tích 51,42 triệu m3 được đánh giá là công trình phục vụ đa mục tiêu. Hồ cung cấp nước tưới cho 6000ha đất canh tác lúa, màu, cây công nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho huyện Nghĩa Đàn và TX. Thái Hòa.

Vào mùa mưa lũ cũng gặp những khó khăn như: không có trạm quan trắc, đo mưa ở lòng hồ, vì vậy phải quan trắc, đo mưa bằng thủ công. Tại công trình chưa có máy phát điện nên khi mất điện phải sử dụng nhiều lao động để quay cửa tràn, ảnh hưởng đến khâu vận hành an toàn hồ chứa. Khi mực nước lên cao xả tràn đạt 3 cửa cũng gây ngập úng cho các hộ dân ở xã Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, thị trấn Nghĩa Đàn (Nghĩa Đàn).

Hồ chứa nước Bản Mồng được xem là dự án trọng điểm của Bộ nông nghiệp và PTNT. Hồ có dung tích lớn 225 triệu m3, cụm công trình khởi công ngày 31/5/2010, do thiếu vốn nên dừng thi công từ năm 2013 đến năm 2016. Đến thời điểm này, các bất cập ở hồ chứa nước Bản Mồng đã được xử lý và công trình đã thi công đạt trên 90% khối lượng.

Kênh tiêu Châu Binh thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng bị hư hỏng nặng. Ảnh: P.V
Kênh tiêu Châu Binh thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng bị hư hỏng nặng. Ảnh: P.V

Theo kế hoạch, đầu tháng 11/2020 , bắt đầu triển khai thi công tràn xả lũ, cuối tháng 3/2021 hoàn thành công trình đầu mối, hồ Bản Mồng sẽ tích nước. Thực tế hiện nay, các hạng mục chính của dự án đã hoàn thành như: các hạng mục đập chính, đập phụ, cống lấy nước, cống xả sâu… Tuy nhiên, hạng mục tràn xả lũ đã dừng thi công từ tháng 11/2020 do vướng GPMB, nên đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành đúng tiến độ.

Hồ chứa nước Sông Sào được khởi công xây dựng từ 1999, đạt dung tích 51,42 triệu m3 được đánh giá là công trình phục vụ đa mục tiêu. Ảnh: Văn Trường
Hồ chứa nước Sông Sào được khởi công xây dựng từ 1999, đạt dung tích 51,42 triệu m3 được đánh giá là công trình phục vụ đa mục tiêu. Ảnh: Văn Trường

Thực tế cho thấy, tại các huyện, xã, địa bàn Nghệ An nhiều nơi chưa thành lập được các tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa và không đảm bảo năng lực chuyên môn dẫn đến công trình xuống cấp nhanh, khi xảy ra sự cố không được xử lý kịp thời…

Điển hình như hồ chứa Tây Nguyên (Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) có dung tích 1,2 triệu m3, tưới cho trên 200ha được xây dựng từ năm 1966, đến năm 2009 được tu sửa, nâng cấp. Công trình được giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Thắng quản lý. Đơn vị này lại giao cho tư nhân bảo vệ và vận hành đóng, mở cửa cống mà chưa được qua một lớp đào tạo, tập huấn nào về sử dụng, vận hành hồ chứa, nên việc quản lý hồ chứa rất khó khăn. Tháng 9/2012, thân đập thủy lợi này đã bị vỡ.

Ảnh: Tiến Đông
Ảnh: Tiến Đông

Ông Đinh Trọng Tài – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) chia sẻ thêm: Trên địa bàn xã 13 hồ chứa được giao cho các trưởng xóm kiêm nhiệm, quản lý, vận hành theo chỉ đạo của xã. Các xóm trưởng chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ vận hành hồ chứa, nên khi vào mùa mưa bão khâu vận hành rất khó khăn. Chưa kể là điều kiện kinh tế khó khăn, xã chỉ trả kinh phí được 9 triệu đồng/năm cho các xóm trưởng vận hành 13 hồ chứa.

Ông Hoàng Trần Lâm – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phủ Quỳ (phục vụ nước tưới cho huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa) cho biết: “Vấn đề vận hành hồ chứa do các địa phương quản lý rất khó khăn. Thiếu người có chuyên môn nghiệp vụ, vận hành hồ chứa. Khi các xã khó khăn vận hành hồ chứa, có đề xuất thì chúng tôi cử cán bộ công nhân viên của Công ty Thủy lợi đến hỗ trợ về nghiệp vụ”.

Qua tìm hiểu được biết, với cơ chế, chính sách và thu nhập như hiện nay, các xã, hợp tác xã nông nghiệp rất khó thu hút được cán bộ có chuyên môn thủy lợi về làm việc. Mặt khác, những người có bằng cấp chuyên ngành thủy lợi, năng lực chuyên môn tốt cũng không muốn làm việc ở nông thôn, tại các hợp tác xã.

Mặc dù Luật Thủy lợi đã yêu cầu về nhân lực rất khắt khe cho công tác quản lý vận hành hồ đập nhưng thực tế rất khó để đáp ứng. Ảnh: Tiến Đông
Mặc dù Luật Thủy lợi đã yêu cầu về nhân lực rất khắt khe cho công tác quản lý vận hành hồ đập nhưng thực tế rất khó để đáp ứng. Ảnh: Tiến Đông

Theo Điều 8, Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước nêu rõ, đối với hồ, đập chứa nước lớn đến loại quan trọng đặc biệt phải có từ 2 đến 7 kỹ sư có chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất từ 1 đến 2 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 5 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập.

Đối với loại hồ, đập vừa có dung tích trữ từ 1.000.000 m3 đến dưới 3.000.000 m3, phải có 1 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, 1 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 1 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập. Hồ chứa có dung tích trữ từ 500.000 m3 đến dưới 1.000.000 m3, phải có 1 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập.

Riêng đối với hồ, đập nhỏ phải có 1 cán bộ có trình độ tối thiểu từ trung cấp thủy lợi trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập. Đối với các loại cửa van cống lấy nước, tràn xả lũ, công nhân vận hành phải có chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý cống, tràn do cơ quan chuyên môn, đơn vị đào tạo có chức năng tổ chức… Tuy nhiên, hầu hết các hồ, đập chứa nước do các địa phương, HTX quản lý chỉ đáp ứng được 1 phần yêu cầu năng lực quản lý, khai thác theo quy định của Nghị định 67 nên gặp nhiều khó khăn trong việc chỉ đạo, ứng phó thiên tai.

Việc vận hành các hồ đập, nhất là hệ thống cửa xả, van, cống lấy nước đều đang được thực hiện thủ công. Hầu hết các hồ chứa nhỏ thiết bị lạc hậu, chắp vá, tràn xả lũ nhiều công trình hẹp, khó thoát lũ. Ảnh: Tiến Đông
Việc vận hành các hồ đập, nhất là hệ thống cửa xả, van, cống lấy nước đều đang được thực hiện thủ công. Hầu hết các hồ chứa nhỏ thiết bị lạc hậu, chắp vá, tràn xả lũ nhiều công trình hẹp, khó thoát lũ. Ảnh: Tiến Đông

Qua tìm hiểu được thấy, đối với hồ chứa nhỏ do địa phương cấp xã quản lý vẫn đang còn những bất cập như: Hầu hết các hồ chứa vừa và nhỏ được xây dựng trong điều kiện kinh tế tỉnh ta lúc đó khó khăn, chủ yếu từ nguồn lực huy động trong nhân dân và địa phương, cho nên việc khảo sát thiết kế còn hạn chế, việc thi công chủ yếu bằng vật liệu tại địa phương, đào đắp bằng thủ công… Hầu hết các hồ chứa nhỏ thiết bị lạc hậu, chắp vá, tràn xả lũ nhiều công trình hẹp, khó thoát lũ. Các bộ phận thiết bị như cửa cống lấy nước, tràn hư hỏng. Nhiều hồ chứa không có đường công vụ để xử lý khi xảy ra sự cố.  Một số công trình chưa được quan tâm duy tu, bảo dưỡng; quản lý, sử dụng có lúc chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật theo quy định nên chưa phát huy hết công năng, hiệu suất sử dụng, gây lãng phí tài nguyên, vật tư đầu vào (nước, điện…) và làm cho công trình có nguy cơ nhanh hỏng hóc, xuống cấp.

Thêm vào đó, các hồ chứa nhỏ cũng chưa được kiểm định an toàn đập theo quy định; công tác chuẩn bị phương án phòng, chống lụt bão chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những hồ chứa ở xa dân cư, đường giao thông đi lại khó khăn, bị chia cắt khi có mưa lũ. Nhiều đập, hồ chứa nước chưa có hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; thiếu hệ thống lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu; chưa có quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình; chưa cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước dẫn đến khó khăn trong quản lý… Ngay cả các hồ thủy điện lớn vận hành cũng bất cập đã gây ra nhiều hệ luỵ cho hạ du vừa qua khi chủ yếu lo tích nước để sản xuất điện đến lúc “no đầy” mới xả lũ hoặc mùa cạn không xả nước để đảm bảo thủy lợi vùng xuôi.

(Còn nữa)