Pháp luật

Nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế vi phạm về đất đai trong nhân dân

Khánh Ly 10/09/2024 12:23

Hiện nay, những vi phạm liên quan đất đai, tranh chấp đất đai trong nhân dân đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Một phần nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật đất đai còn hạn chế.

Nhiều vi phạm liên quan đến đất đai

Lưu Kiền là xã miền núi phía Tây huyện Tương Dương, có diện tích tự nhiên 13.950,19 ha, tổng dân số 963 hộ, 4.176 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28,25%. Toàn xã có 3 dân tộc Thái, Mông, Kinh cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm 91,7%.

f546933099bc3ee267ad(1).jpg
Chính quyền xã Lưu Kiền phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra thực tế, phát hiện ngăn chặn hiện tượng xâm canh trồng cỏ tại khu vực giáp ranh. Ảnh: CSCC

Do nhận thức của người dân còn hạn chế, trên địa bàn xã vẫn xảy ra những vụ việc vi phạm liên quan đến đất đai như tranh chấp diện tích đất giáp ranh, lấn chiếm đất rừng.

Trong năm 2023, chính quyền địa phương đã phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai 5 trường hợp, với số tiền phạt 5.500.000 đồng; kiểm tra, phát hiện, lập biên bản hiện trường 5 trường hợp có dấu hiệu về vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Năm 2024, địa phương phát hiện một số hộ dân bản Lưu Phong lấn chiếm đất lâm nghiệp của cộng đồng, đất do UBND xã quản lý để trồng sắn và một số hộ dân của bản giáp ranh là bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) lấn chiếm đất lâm nghiệp của cộng đồng bản Lưu Phong để trồng cỏ.

c758c35ce9d04e8e17c1(1).jpg
Khu vực giáp ranh giữa xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) và Lưu Kiền (Tương Dương), người dân xâm canh để trồng cỏ. Ảnh: CSCC

Sau khi phát hiện sự việc, UBND xã Lưu Kiền đã chỉ đạo các ngành có liên quan kiểm tra, xác minh ngăn chặn, lập hồ sơ báo cáo lên cấp trên xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng vụ việc ông Lương Văn Coóng, trú tại bản Lưu Phong phá rừng để lấy đất trồng sắn trên đất rừng sản xuất được giao cho hộ gia đình đã hoàn tất hồ sơ chuyển Hạt Kiểm lâm xử phạt hành chính 20 triệu đồng.

Ngoài những vi phạm liên quan lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất sản xuất, tại nhiều địa bàn giáp ranh với các địa phương còn xảy ra hiện tượng xâm canh kéo dài nhiều năm, giải quyết nhiều lần nhưng chưa dứt điểm.

hoi-nghi-giai-quyet-viec-xam-canh-xam-cu-giua-ban-pa-khom-xa-tri-le-huyen-que-phong-va-ban-tham-tham-xa-nhon-mai-huyen-tuong-duong.anh-nguyen-viet(1).jpg
Hội nghị giải quyết việc xâm canh, xâm cư giữa bản Pà Khốm, xã Tri Lễ (Quế Phong) và bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh: Nguyễn Việt

Ví như qua kiểm tra thực tế từ năm 2022 đến nay, xác định có 24 hộ dân bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đang xâm canh đất của bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương làm nương rẫy, ao cá, chăn nuôi thuộc các Khoảnh 3, 5, 6, 9, 11 của Tiểu khu 507.

Tại cuộc họp gần nhất diễn ra vào đầu tháng 7/2024, lãnh đạo 2 huyện Quế Phong và Tương Dương đã ký biên bản thống nhất nội dung giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư, không để tranh chấp trở thành điểm nóng.

uploaded-khanhlybna-2024_02_07-_mot-goc-yen-binh-tai-ban-tham-tham-xa-nhon-mai-tuong-duonganh-kl-7236-4374(1).jpg
Một góc bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Ảnh: G.H

Huyện Quế Phong đưa ra phương án sẽ vận động người dân đã xâm canh, nhập khẩu vào xã Nhôn Mai và ở lại sinh sống lâu dài. Hai huyện cũng thống nhất khâu nối các lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm, Công an, các ban, ngành… nghiên cứu kỹ lưỡng để xử lý dứt điểm việc xâm canh. Đồng thời, cùng phối hợp tiếp tục tuyên truyền người dân không phát sinh vi phạm thêm về xâm canh, xâm cư.

Tại một số địa phương khác, tình trạng vi phạm trên lĩnh vực đất đai như tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang nhóm đất phi nông nghiệp, tự ý thay đổi hiện trạng sử dụng đất; tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng công trình, xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, đất hành làng an toàn giao thông vẫn còn diễn ra ở nhiều địa bàn.

Bên cạnh đó, trên thực tế xảy ra nhiều vụ việc vì tranh chấp đất đai mà vợ chồng bất hòa, anh em ly tán, xóm giềng không nhìn mặt nhau, thậm chí dẫn đến án mạng khiến kẻ chết, người vào tù...

uploaded-dangcuongbna-2023_05_16-_bna-1-anh-pv-8095(1).jpg
Ngày 16/5/2023, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hà (SN 1972), trú xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn về tội "Giết người". Nguyên nhân xuất phát từ việc tranh chấp đất lâm nghiệp. Ảnh tư liệu: Trần Vũ

Trong quý I/2024, số đơn thư liên quan đến tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh tăng 10,8%, trong đó, đơn đủ điều kiện xử lý là 2.079 đơn, tăng 27,4%.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Để hạn chế vi phạm về đất đai, cùng với các giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, thời gian qua, chính quyền các địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật đất đai đến các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

to-cong-tac-827-cua-huyen-quy-hop-kiem-tra-thuc-dia-tranh-chap-dat-dai.-anh-phan-giang.jpg
Tổ công tác liên ngành của huyện Quỳ Hợp kiểm tra thực địa tranh chấp đất đai. Ảnh: Phan Giang

Huyện miền núi Quỳ Hợp, có dân số hơn 11,5 vạn người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 52%), diện tích rộng, đứng thứ 7 toàn tỉnh. Do lịch sử về quản lý, sử dụng đất đai trước đây còn nhiều hạn chế nên tình trạng tranh chấp đất trên địa bàn ngày càng nhiều.

doi-ngu-bi-thu-xom-truong-truong-cac-ban-nganh-doan-the-cac-xom-cua-cac-xa-tam-hop-nghia-xuan-minh-hop-huyen-quy-hop-nghe-quan-triet-luat-dat-dai-nam-2024.-anh-hong-quan.png
Đội ngũ bí thư, xóm trưởng, trưởng các ban, ngành, đoàn thể các xóm của các xã Tam Hợp, Nghĩa Xuân, Minh Hợp (Quỳ Hợp) nghe quán triệt Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: Hồng Quân

Bởi vậy, theo ông Vy Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp: Ngoài việc ứng dụng hiệu quả mạng xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, chính sách pháp luật về đất đai nói riêng, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện còn về tận các địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền các nội dung liên quan đến đất đai, đặc biệt là các điểm mới mang tính đột phá của Luật Đất đai 2024 theo cụm xã.

hoi-dong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-huyen-quy-hop-trien-khai-tuyen-truyen-pho-bien-luat-dat-dai-2024-theo-cum-xa.-anh-cscc-1-.jpg
Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Quỳ Hợp triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024 theo cụm xã. Ảnh: CSCC

Trước đó Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với TAND huyện và các ngành trong khối nội chính xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đất đai giữa TAND huyện với Chủ tịch UBND cấp xã; Quy chế phối hợp trong công tác xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện giữa Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân huyện...

to-cong-tac-lien-nganh-huyen-quy-hop-den-thuc-dia-do-dac-lam-lai-bia-dat-cho-2-ho-gia-dinh-o-ban-nguong-xa-chau-cuong-sau-khi-hoa-giai-thanh-cong.-anh-ngoc-tu.jpg
Tổ công tác liên ngành huyện Quỳ Hợp đến thực địa đo đạc làm lại bìa đất cho 2 hộ gia đình ở bản Nguông, xã Châu Cường sau khi hòa giải thành công. Ảnh: Ngọc Tú

Từ năm 2022, huyện Quỳ Hợp đã thành lập “Tổ công tác liên ngành xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện”. Trong quá trình thực hiện quy chế đã lồng ghép hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đến cán bộ và nhân dân. Đặc biệt, hoạt động của tổ công tác liên ngành với sự kết hợp của nhiều cán bộ có chuyên môn cao, vừa hòa giải, vừa đối thoại đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tranh chấp, không phải ra tòa.

Điển hình ngày 12/6/2024, Tổ công tác liên ngành của huyện Quỳ Hợp đã về xã Châu Cường hòa giải thành công vụ tranh chấp đất đai giữa các hộ dân trú tại bản Nguông. Trước đó, UBND xã Châu Cường nhận được đơn kiến nghị của ông Vi Văn C. công dân bản Nguông về việc gia đình ông được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163/CP năm 2006. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác keo gia đình ông và 2 hộ Lê Thanh B. và Bùi Văn D. không thống nhất được ranh giới dẫn đến tranh chấp.

to-cong-tac-lien-nganh-huyen-quy-hop-den-thuc-dia-do-dac-lam-lai-bia-dat-cho-2-ho-gia-dinh-o-ban-nguong-xa-chau-cuong-sau-khi-hoa-giai-thanh-cong.-anh-ngoc-tu2.jpg
Tổ công tác liên ngành huyện Quỳ Hợp kiểm tra thực địa giải quyết tranh chấp đất đai của người dân ở xã Châu Cường. Ảnh: Ngọc Tú

Tại buổi hòa giải, các hộ gia đình đã đi đến thống nhất trả lại 1,2 ha cho gia đình ông Vi Văn C. và ông Bùi Văn D. được sử dụng 0,6 ha. Hai bên không phải bồi thường gì thêm...

Qua hơn 2 năm hoạt động, tổ liên ngành 827 đã xử lý được gần 300 vụ việc; tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%. Qua đó, số lượng đơn thư chuyển lên huyện giải quyết ngày càng giảm (năm 2022 có 659 đơn, đến năm 2023 còn 459, giảm 200 đơn).

Tại huyện Diễn Châu, năm 2023, UBND huyện đã triển khai chiến dịch “Ngày thứ Bảy vì dân” tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn và hướng dẫn thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thừa kế, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan bất động sản trên địa bàn.

hoat-dong-22-ngay-thu-7-22-vi-dan-tai-huyen-dien-chau-duoc-to-chuc-o-cac-xa-phuong-thi-tran.anh-gh1.jpg
Hoạt động "Ngày thứ Bảy vì dân" tại huyện Diễn Châu được tổ chức ở các xã, phường, thị trấn. Ảnh: G.H

Theo đó, hoạt động "Ngày thứ Bảy vì dân" được tổ chức tại hội trường UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Bao gồm: Hoạt động tuyên truyền do các Báo cáo viên pháp luật cấp huyện của các Phòng Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Diễn Châu thực hiện; Hoạt động tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đất đai, chứng thực hợp đồng, giao dịch, văn bản phân chia di sản thừa kế, từ chối nhận di sản… do cán bộ các Phòng Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện và công chức địa chính, Tư pháp - Hộ tịch của UBND các xã, thị trấn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và quy định của pháp luật chuyên ngành.

hoat-dong-22-ngay-thu-7-22-vi-dan-tai-huyen-dien-chau-duoc-to-chuc-o-cac-xa-phuong-thi-tran.anh-gh.jpg
Người dân huyện Diễn Châu được tiếp cận nhiều kiến thức pháp luật về đất đai tại Chiến dịch "Ngày thứ Bảy vì dân". Ảnh: G.H

Theo bà Hoàng Thị Xuyên- Trưởng phòng Tư pháp huyện Diễn Châu: Đến nay, Chiến dịch “Ngày thứ Bảy vì dân” đã được triển khai phủ kín tại 37 xã, thị trấn. Đây là một hoạt động thiết thực, vừa góp phần nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, vừa nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai. Đồng thời, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhất là các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

fotojet(1).jpg
Người dân huyện Diễn Châu được cán bộ có thẩm quyền tư vấn trực tiếp những vấn đề liên quan đến đất đai thông qua hoạt động "Ngày thứ Bảy vì dân". Ảnh: G.H

Hiện nay, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm trong triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 605/KH-UBND về công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành luật.

UBND tỉnh giao Đài PT-TH tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng khác ở địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai Luật Đất đai 2024 đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân để luật sớm đi vào cuộc sống.

Mới nhất
x
x
Nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế vi phạm về đất đai trong nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO