Nâng cao nhận thức thượng tôn pháp luật bằng nhiều cách làm đa dạng, có tính đặc thù
(Baonghean.vn) - Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm đa dạng, phù hợp với đặc thù ngành, địa phương...
Gắn với đặc thù ngành, địa phương
Từ xác định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng biên là một trong những hoạt động quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức được 350 cuộc tuyên truyền, với trên 21.000 lượt người tham gia, với nhiều hình thức.
Đơn cử, tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy, ngoài các mô hình như: “Tiết học vùng biên”, “Quản lý, giáo dục người lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng”; Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình… còn có mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy: Triển khai từ tháng 9/2022 đến nay, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” đã được nhân rộng ra 3/5 thôn của xã. Đều đặn hàng tháng, cán bộ Đồn đều biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo các chủ điểm khác nhau, đảm bảo tính thời sự, phù hợp với nhu cầu thông tin của phụ nữ. Trên cơ sở đó, hướng dẫn chủ nhiệm câu lạc bộ của các thôn tuyên truyền cho các hội viên và nhân dân. Chính nhờ sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng biên phòng, công an, quân sự và cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyên truyền pháp luật, đến nay, xã Thanh Thủy đã được công nhận là địa bàn sạch về ma túy, tỷ lệ vi phạm quy chế biên giảm, việc sử dụng vũ khí vật liệu nổ để săn bắn thú rừng trái phạm luật giảm nhiều so với trước đây.
Huyện Diễn Châu cũng là địa phương được đánh giá làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đến nay, toàn huyện có 516 tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở, trong đó, có 399 người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.
Theo ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu: Đầu năm đến nay, các cơ quan, ban, ngành cấp huyện đã tổ chức 453 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, Phòng Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ đạo, triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như: Biên soạn và đăng tải 404 bài viết tuyên truyền pháp luật trên Fanpage “Tư pháp Diễn Châu” (đồng thời, trên mạng xã hội Zalo và Facebook) thu hút hơn 4,5 triệu lượt tiếp cận thông tin; duy trì hiệu quả chuyên mục “Phổ biến pháp luật” và “Tiếp cận thông tin” trên Cổng thông tin điện tử huyện, Bản tin Diễn Châu. Phối hợp chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Diễn Châu tổ chức chiến dịch “Ngày thứ Bảy vì dân” tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn và hướng dẫn thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thừa kế, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan bất động sản. Nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ Hòa giải ở cơ sở” tại 37/37 xã, thị trấn…
Tại bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương), mô hình Câu lạc bộ “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” thời điểm mới thành lập vào năm 2018 chỉ hơn 10 thành viên, đến nay, đã tập hợp được gần 100 thành viên. Phụ trách mô hình chính là người từng bị lừa bán. Chị Lô Thị Mày - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Tam Bông cho biết, khi mới vào Câu lạc bộ chị còn e dè, vì mình chính là nạn nhân. Tuy nhiên, được sự động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các thành viên nên chị đã nhận lời tham gia được 5 năm.
Ngoài nắm chắc số đối tượng nghi hoạt động liên quan đến mua bán người hoặc đưa người đi lao động bất hợp pháp, cùng với lực lượng công an thống kê số đối tượng nghi có liên quan phạm tội mua bán người để theo dõi, Câu lạc bộ “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” bản Tam Bông còn thường xuyên rà soát số hội viên hoàn cảnh gia đình khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, hỗ trợ ngày công cho các gia đình đơn thân, ốm đau lâu dài,… Với cách làm đó, đến nay, bản Tam Bông không còn xảy ra tệ nạn mua bán người cũng như giảm hẳn các tệ nạn xã hội khác.
Nhân rộng mô hình mới, cách làm hay
Theo đánh giá của Sở Tư pháp - cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được đổi mới, sáng tạo, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn.
Đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 6.180 cuộc cho 666.201 lượt người tham gia (tăng 2.564 cuộc so với cùng kỳ năm 2022); tổ chức 177 cuộc thi với 716.331 lượt người dự thi (tăng 130 cuộc so với cùng kỳ năm 2022). Nhiều cách làm hiệu quả, mô hình sáng tạo được triển khai đáp ứng với nhu cầu thiết thực của người dân, như Chiến dịch tuyên truyền “Ngày thứ Bảy vì dân” tại các huyện Diễn Châu, Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, TP. Vinh; Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân” của Công an tỉnh; mô hình “Dân vận khéo” tại vùng giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy); “Các dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “tổ tự quản”, “tổ tư vấn hôn nhân và gia đình” tại các huyện Nghi Lộc, thị xã Thái Hòa, Yên Thành, TX. Hoàng Mai...
Bên cạnh đó, các câu lạc bộ pháp luật được duy trì với nhiều loại hình, trong đó, Hội Cựu chiến tỉnh có 196 Câu lạc bộ “Cựu chiến binh tham gia phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh, trật tự”; 73 câu lạc bộ “Cựu chiến binh tham gia giữ gìn trật tự ATGT”… Các cấp bộ Đoàn có 500 CLB như: “Thắp sáng niềm tin”, “Bạn giúp bạn”, “Thanh niên giữ yên biên giới”, “Thanh niên với pháp luật”, “Đoàn thanh niên với kiến thức pháp luật”…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế như công tác phối hợp chưa thật sự đồng bộ, kinh phí để bố trí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khó khăn; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật ngày càng cao của người dân. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là các vi phạm về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông...
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Thiệu - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết: Cùng với việc tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chỉ đạo hướng dẫn và tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến những nội dung, quy định pháp luật liên quan đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận bằng nhiều hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn, tình hình thực tế. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cũng theo ông Thiệu, trước mắt sẽ hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc thù đơn vị, địa phương. Đơn cử, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về ATGT và cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet” trên cổng thông tin điện tử tỉnh; huyện Diễn Châu tổ chức Hội nghị tổng kết hòa giải cơ sở và tôn vinh hòa giải viên; huyện Quỳ Hợp tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số… Gắn liền với đó là hoạt động biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung cũng như trong quá trình tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật nói riêng.