Nâng cao ý thức của người dân trong việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Phú Hương 04/09/2022 10:20

(Baonghean.vn) - Sau các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương và Diễn Châu, năm nay huyện Yên Thành tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên đồng ruộng. Báo Nghệ An phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh về mục tiêu mà chương trình này hướng tới tại "huyện lúa” Yên Thành.

Phóng viên:Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có những tác hại rất nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe con người. Vậy thực tế hiện nay, việc xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đã được thực hiện như thế nào để có thể giảm thiểu các tác động này, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Trên địa bàn cả nước, mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thế nhưng, tình trạng sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang ngày càng tràn lan và khó kiểm soát.

Tính từ năm 2000 đến nay, mỗi năm nước ta sử dụng từ 35.000-100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; từ lượng thuốc khổng lồ đó, hàng nghìn tấn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật được vứt bừa bãi ra đồng ruộng. Rất đáng lo ngại là thông thường, lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ.

Với diện tích gieo trồng hàng năm trên 300 nghìn ha cây trồng các loại, mỗi năm Nghệ An “tiêu thụ” từ 300-400 tấn thuốc bảo vệ thực vật, thải ra đồng ruộng từ 25-30 tấn bao bì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật các loại.

Nông dân huyện Hưng Nguyên phun thuốc bảo vệ thực vật cho mạ. Ảnh: Phú Hương

Trước đây, lượng rác thải nguy hiểm này hầu hết được vứt thẳng ra đồng ruộng, nguồn nước, hầu như ít được thu gom, xử lý, gây rất nhiều tác hại nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và cộng đồng, là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh hiểm nghèo cho xã hội hiện nay.

Những năm gần đây, nhờ các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, người dân đã dần ý thức được tính nguy hiểm của việc vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng, mương nước.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân, tính đến tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 15.536 bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng.

Bể chứa rác thải bảo vệ thực vật tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương

Tuy nhiên, với diện tích gần 154.000 ha đất sản xuất lúa, rau màu và cây ngắn ngày có thể đặt bể thu gom, thì để đảm bảo yêu cầu theo quy định tại thông tư liên tịch của Liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tài nguyên - Môi trường, chúng ta phải xây dựng được 51.330 bể. Như vậy, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 35.794 bể chứa.

Việc số lượng bể chứa chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, đã tiềm ẩn nhiều tác hại nghiêm trọng thông qua việc tích tụ hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông sản, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và cộng đồng.

Trong khi đó, theo kết quả điều tra của chúng tôi, những năm gần đây, các đối tượng dịch hại trên cây trồng, đặc biệt là các đối tượng sâu hại mới du nhập như sâu keo mùa Thu hại ngô, bệnh lùn sọc đen Phương Nam... tại các huyện trong tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp không theo quy luật, đòi hỏi bà con nông dân phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ.

Phóng viên: Năm 2017, huyện Yên Thành đã được đầu tư xây dựng bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Vì sao trong năm nay, địa phương này tiếp tục được chọn, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Yên Thành là một trong những huyện trọng điểm về sản xuất lúa của Nghệ An. Toàn huyện có hơn 44.000 ha đất nông nghiệp, trong đó, có trên 13.200 ha đất lúa, tổng diện tích lúa chiếm tới trên 10% cả tỉnh.

Nếu đáp ứng đúng quy định về đặt bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, tổng lượng bể cần đặt tại vùng trồng lúa của huyện Yên Thành là 4.400 bể. Tính đến tháng 3 năm nay, đã lắp đặt được 1.504 bể, như vậy, nhu cầu bể còn lại là rất lớn, còn thiếu 2.896 bể.

Thiếu bể chứa, đã làm cho huyện Yên Thành nằm trong thực trạng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đó là phổ biến tình trạng người sản xuất sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đã vứt bỏ bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Trong khi đó, trên địa bàn huyện, dịch hại trên cây lúa thường xuyên phát sinh, dẫn đến nông dân phải phòng trừ để bảo vệ sản xuất.

Nông dân xã Bắc Thành (Yên Thành) sử dụng thuốc diệt cỏ trước khi gieo lúa. Ảnh: Phú Hương

Để từng bước hoàn thiện hệ thống thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người nông dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với con người và cộng đồng, từ năm 2017 đến nay, Nghệ An đã đầu tư xây dựng được 4.134 bể.

Trong đó, năm 2017 xây dựng 1.103 bể tại 10 xã của huyện Yên Thành; năm 2018, xây dựng 438 bể tại 7 xã của huyện Anh Sơn; năm 2019, xây dựng 850 bể tại 10 xã của huyện Diễn Châu; năm 2020, xây dựng được 873 bể tại 11 xã của huyện Đô Lương và năm 2021, xây dựng 870 bể tại 10 xã của huyện Thanh Chương.

Trong năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng 1.112 bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật tại 12 xã thuộc huyện Yên Thành gồm: Sơn Thành, Bảo Thành, Khánh Thành, Liên Thành, Lý Thành, Đồng Thành, Hùng Thành, Kim Thành, Quang Thành, Thọ Thành, Phú Thành và Tăng Thành.

Phóng viên:Cùng với xây dựng các bể chứa, giải pháp nào sẽ được đưa ra để góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về vấn đề thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Phải nhìn rõ một thực tế là không chỉ ở những vùng chưa xây dựng được bể thu gom, tình trạng vứt bừa bãi loại ”rác thải” nguy hiểm này rất phổ biến, mà ngay tại những nơi đã có bể, nhiều nông dân vẫn chưa có ý thức thu gom, vứt rác vào bể chứa, mà vẫn ”thuận tay” vứt ngay trên ruộng lúa, trên bờ ruộng, dưới các mương nước, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Lãnh đạo tỉnh và ngành Nông nghiệp &PTNT kiểm tra tình hình sử dụng bể chứa rác thải bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phú Hương

Do vậy, ngoài đầu tư xây dựng các bể chứa, giảm ảnh hưởng của tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tới môi trường nông thôn mà trực tiếp là đất canh tác, nguồn nước và sản phẩm nông nghiệp; thì tuyên truyền bằng nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về vấn đề này cũng được Nghệ An rất quan tâm và đưa vào kế hoạch thực hiện.

Mục tiêu nhằm giúp người dân nhận thức được những tác hại ghê gớm của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với con người và cộng đồng, từng bước làm thay đổi thói quen vứt bỏ bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng của người sản xuất.

Theo đó, cùng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, sóng phát thanh truyền hình, dự kiến chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện Yên Thành tổ chức 24 hội nghị tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật với 1.200 người tham gia; phát trên hệ thống loa phát thanh của xã các nội dung về ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật tới môi trường và sức khỏe cộng đồng; hướng dẫn công tác thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng.

Khi hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đi vào hoạt động, cùng với công tác tuyên truyền về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân trong vấn đề bảo vệ sức khỏe con người và cộng đồng.

Phóng viên:Xin cảm ơn ông!

Mới nhất

x
Nâng cao ý thức của người dân trong việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO