‘Nâng đề kháng, tự miễn dịch’ trên không gian mạng

Trần Lâm 15/09/2022 19:17

(Baonghean.vn) - Không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do có tính mở, tự do, đa dạng nên không gian mạng đã và đang trở thành công cụ lợi hại hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, khủng bố. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là mặt trận quan trọng, không thể xem nhẹ, buông lơi.

Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội

Thế kỷ trước, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam bằng các hình thức khá thủ công như rải truyền đơn, kêu gọi tụ tập đông người, tuyên truyền miệng… Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, chúng triệt để lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ ở nước ta để chống phá, nhất là trên mạng xã hội.

Các thế lực thù địch đã lợi dụng những ưu điểm của mạng xã hội để lan tỏa các thông tin xấu, độc. Ảnh minh họa

Các đối tượng chống phá, các đối tượng cơ hội chính trị được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch nước ngoài nên rất am hiểu về công nghệ thông tin và cũng khá dồi dào thời gian, tiền bạc để chống phá trên mạng xã hội. Thời điểm Facebook đang “bá chủ”, các tổ chức khủng bố và phản động như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt” đã nhanh chóng thiết lập các Fanpage, các hội nhóm để đăng tải nhiều thông tin xuyên tạc về tình hình ở Việt Nam. Chúng liên tục sử dụng các “thủ thuật” để lôi kéo thành viên tham gia. Trong lúc đó, kỹ năng dùng mạng xã hội của người dân Việt Nam phần lớn còn chủ quan và chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên nhiều người đã vô tình “tiếp sóng” cho chúng.

Khi những Fanpage, hội nhóm bị lực lượng an ninh mạng của chúng ta vô hiệu hoá thì chúng lại thực hiện tấn công bằng việc xây dựng các nền tảng video clip có nội dung độc hại. Hàng ngàn video xuyên tạc, sai trái, thù địch được chúng đăng tải lên mạng xã hội YouTube, Tiktok, Facebook Watch. Những clip này “ăn theo” các bộ máy tìm kiếm trên Internet, nếu người nào tìm kiếm hoặc truy cập có “từ khoá” liên quan, các clip sẽ tự động hiển thị vào các ứng dụng trên điện thoại, máy tính của người dùng.

Mỗi khi đất nước ta có các sự kiện chính trị hoặc xã hội có những vụ việc nóng thì chúng lại tạo ra các clip bên lề với thông tin hoàn toàn bịa đặt để hướng lái dư luận. Mục đích của chúng là bôi đen, đả kích nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều bài viết, clip còn được xây dựng theo kiểu giả danh mác-xít, “giả khoa học” để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn đã đạt được của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế.

Các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc những thông tin sai lệch để chống phá Nhà nước Việt Nam. Ảnh minh họa: Tư liệu

Chúng còn thực hiện các đợt tuyên truyền bịa đặt, kiểu như “chuyện thâm cung bí sử” để bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc lý lịch, thân thế, sự nghiệp các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, hòng phủ nhận con người, phủ nhận hệ tư tưởng mác-xít và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng thực hiện theo cách thức “mưa dầm thấm lâu”, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhằm mục tiêu phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên

Trước sự chống phá mạnh mẽ của các thế lực thù địch, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng cần sự vào cuộc của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam.

Ở tầm vĩ mô, Đại hội XIII của Đảng đã đề cập trực tiếp và nhấn mạnh việc quản lý và phát triển thông tin trên không gian mạng, trong đó có việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, góp phần bảo vệ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Chúng ta đã xây dựng Luật an ninh mạng để bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhiều đơn vị, địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách để theo dõi, nắm tình hình, diễn biến trên mạng xã hội. Các ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền đã tăng cường tuyên truyền người dân về những nguy cơ khi tham gia mạng xã hội…

Cán bộ, chiến sĩ Công an Nghệ An thường xuyên bám dân, bám cơ sở để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ảnh: Trần Lâm

Tuy nhiên, vấn đề mang tính tiên quyết vẫn là việc mỗi người dân tự “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho bản thân trước thông tin xấu độc. Muốn vậy, phải nhận diện được các hình thức, phương thức chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Từ đó, tạo thói quen thận trọng khi đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Đôi lúc, chỉ là một clip hài hước nhưng thế lực thù địch đã chèn vào đó vài hình ảnh xuyên tạc lãnh tụ và tình hình đất nước khiến người xem bị dao động. Có khi, chỉ là một tấm ảnh phong cảnh nhưng lại được đính kèm thêm một liên kết (link), người dùng chỉ cần chạm vào ảnh là thiết bị tự động dẫn đến trang web có nội dung phản động, xuyên tạc. Thậm chí, các đối tượng phản động còn thực hiện chiếm quyền tài khoản (hack) của những người nổi tiếng để đăng tải thông tin ngược chiều nhằm lôi kéo, hướng lái dư luận…

Mỗi người cần phải cân nhắc kỹ trước khi nhấp nút “like” hoặc comment, chia sẻ hoặc trả lời tin nhắn trên nền tảng mạng xã hội. Bởi lẽ, mỗi lần như vậy, cỗ máy tính gọi là “trí tuệ nhân tạo” (AI) của nhà mạng sẽ ghi nhớ thói quen của người dùng. Dần dần, nó sẽ liệt kê người đó vào các nhóm có cùng quan điểm; từ đó các thế lực thù địch ra sức lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí đe nẹt bằng nhiều hình thức khác nhau.

Người sử dụng mạng xã hội cần cảnh giác với các thông tin xấu, độc. Hình ảnh minh họa: Tư liệu

Thực tế, việc tác động đến hệ tư tưởng mang tính lâu dài; đôi khi chính người bị tác động cũng không phân biệt nổi mình đang đứng ở luồng tư tưởng nào. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập, nâng trình độ lý luận chính trị; thường xuyên nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, trong các tổ chức đoàn thể, khắc phục biểu hiện mơ hồ về chính trị. Trong quá trình đó, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, lâu dài.

Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, khó khăn và quyết liệt. Chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả không thể đo đếm được. Và đó không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên.

‘Nâng đề kháng, tự miễn dịch’ trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO