|
Mưa lớn trong 2 ngày (23,24/11), khiến toàn bộ diện tích rau màu của xã Hưng Đông (TP.Vinh) bị ngập úng. Sau mưa, nước rút chậm, kèm theo đó là nắng to, gay gắt khiến rau héo rũ, thối rễ. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Ông Trần Anh Tấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Đông cho biết: “Gần 30 ha rau màu và 15 ha cá vụ đông mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng”. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Những gì còn sót lại là những luống rau ngập trong bùn đất, lá úa, rễ thối. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Bà Nguyễn Thị Vy ở xã Hưng Đông (TP.Vinh) làm 2 sào rau, chủ yếu là xà lách, sắp đến kỳ thu hoạch thì mưa làm dập nát, hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại cả chục triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Mưa lớn khiến 29 ha rau màu ở các khối: Điện Biên, Trần Phú và Hồng Phong, phường Nghi Hương (TX.Cửa Lò) ngập nặng. Theo đó, các loại rau màu bị ngập úng chủ yếu là rau cải, bắp cải, rau lang, dưa chuột, bầu, bí, rau thơm các loại… Riêng diện tích dưa chuột đang vào kỳ thu hoạch, ngâm nước lâu, quả úng và hoa thối rữa, không thể thụ phấn được. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Những ruộng cải bắp, su hào, ớt cay, khoai tây ở xã Diễn Phong (Diễn Châu) héo rũ. Đây là lần thứ 2 trong vụ đông năm nay, nông dân xã Diễn Phong bị thiệt hại nặng nề do thời tiết cực đoan. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Nhiều diện tích nhà màng, nhà lưới cũng bị ngập nước khiến dưa lưới héo úa. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Người dân phải dọn sạch rau hỏng, rau thối để gieo trồng lại. Ảnh: Thanh Phúc |
|
Do mưa lớn, rau màu bị hư hại, không còn để thu hoạch nên hiện tại các chợ dân sinh rau khan hiếm, giá tăng cao. Ảnh: Thanh Phúc |
“Đối với ruộng rau ngập úng mà cây trồng còn khả năng sống sót thì bà con nhổ cây, rửa sạch bùn đất để kiểm tra mức độ tổn thương của bộ rễ, nếu bộ rễ đã tổn thương hoàn toàn thì không thể cứu vãn. Nếu bộ rễ chưa bị tổn thương hoàn toàn, cổ rễ chưa thối chưa bong tróc thì tiến hành tách thân cây trồng ra làm đôi, tách vỏ rễ ra khỏi thân, kiểm tra lớp mạch sát vỏ, nếu đã chuyển màu nâu nghĩa là đã hỏng cũng không thể cứu chữa.
Nếu chưa chuyển màu nâu, còn màu xanh tươi thì có thể cứu vãn, lúc đó tiến hành như sau: Loại bỏ toàn bộ cây héo, cây chết, cây bóc tróc hoàn toàn cổ rễ ra khỏi ruộng; Bón quanh gốc khoảng 10-15 kg lân nung chảy, rắc một lớp mỏng như bụi phủ, lân sẽ tăng cường kích thích phục hồi rễ. Nếu có tro bếp, phân đốt bón quanh rễ để bổ sung kali dễ tiêu, không dùng KCl vì nồng độ cao có thể làm rễ hỏng thêm, nếu sử dụng KCl thì nên pha nồng độ loãng để tưới; Xử lý chất kích kháng, kháng sinh và thuốc trừ nấm phổ rộng để ngăn chặn, điều trị nấm và vi khuẩn bội nhiễm”.
Thạc sỹ, kỹ sư nông nghiệp Phan Anh Thế