Nâng hiệu quả sử dụng báo đảng ở các đảng bộ cơ sở miền núi

10/07/2013 19:04

(Baonghean) - Những năm qua cấp ủy, chính quyền đặc biệt là cơ quan báo đảng địa phương  luôn dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho địa bàn miền núi. Điều đó thể hiện ở việc ngoài ấn phẩm Phụ trương Miền núi Cuối tuần hàng tuần và chuyên mục miền núi và dân tộc trên Báo Nghệ An điện tử, Báo Nghệ An còn dành nhiều thời lượng, chuyên mục để chuyển tải hoạt động kinh tế, xã hội, sinh hoạt và đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi trên cả nhật báo.

(Baonghean) - Những năm qua cấp ủy, chính quyền đặc biệt là cơ quan báo đảng địa phương luôn dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho địa bàn miền núi. Điều đó thể hiện ở việc ngoài ấn phẩm Phụ trương Miền núi Cuối tuần hàng tuần và chuyên mục miền núi và dân tộc trên Báo Nghệ An điện tử, Báo Nghệ An còn dành nhiều thời lượng, chuyên mục để chuyển tải hoạt động kinh tế, xã hội, sinh hoạt và đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi trên cả nhật báo.

Để có từng dòng tin về bà con đồng bào vùng cao, từ người làm báo, cán bộ tuyên giáo các huyện, thành thị cho đến nhân viên phát hành Bưu điện, bưu tá xã đều bám trụ cơ sở, trăn trở để tìm cách tăng số lượng phát hành, khắc phục khó khăn để báo đến tay người đọc sớm nhất.

Tìm hiểu tại xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) và Châu Bình (huyện Quỳ Châu), 2 đơn vị đặt mua báo đảng khá đầy đủ. Bí thư Đảng ủy xã Châu Quang - Sầm Ngọc Dự cho biết: Đảng bộ xã có 587 đảng viên, 31 chi bộ trực thuộc, mấy năm nay, mỗi ngày xã có 31 tờ Nghệ An cho 26 chi bộ thôn bản và 5 chi bộ trường học, trạm xá (bên cạnh đó là 21 tờ được cấp cho người uy tín và 3 tờ cấp cho cán bộ nghỉ hưu). Báo về xã vào khoảng 2 giờ chiều mỗi ngày, sau đó được chuyển thẳng xuống các bản. Để chuyển phát báo về các xóm bản, hàng tháng, xã hỗ trợ cho nhân viên bảo vệ trụ sở thêm phụ cấp.

Là người nhiều năm lăn lộn tại cơ sở, ông Dự chia sẻ: “Trước một sự kiện thường có rất nhiều thông tin, bao gồm cả những thông tin trái chiều dẫn đến gây ra không ít băn khoăn. Do vậy, vai trò định hướng của báo đảng nói riêng và báo chính thống khác nói chung rất quan trọng. Vì thế, tôi kiến nghị báo đảng cần tiên phong đi đầu trong đề cập, phân tích sâu, định hướng các thông tin cho cấp cơ sở…”.



Người có uy tín của bản Pịch Niệng (xã Tri Lễ, Quế Phong) trao đổi thông tin báo đảng với cán bộ Ban Tuyên giáo huyện ủy.

Về xóm Quang Minh, một trong những xóm có phong trào mạnh nhất xã Châu Quang, Bí thư chi bộ Trần Đình Khuê cho biết: Mỗi ngày chi bộ chúng tôi có 1 tờ báo Nghệ An. Vì xóm gần trụ sở xã nên báo nhận hàng ngày nhưng cũng có khi khoảng 2 ngày mới nhận báo/lần. Do điều kiện bảo quản sách báo hạn chế và không sinh hoạt thường xuyên tại hội quán nên báo thường gửi thẳng về nhà bí thư xóm. Cách phổ biến là bí thư xóm đọc xong thì chuyển cho người khác đọc hoặc có thông tin nào hay, bổ ích thì tổng hợp lại đến đầu kỳ sinh hoạt chi bộ hàng tháng mang ra tọa đàm, trao đổi.

Nhờ thông tin từ báo đảng, chi bộ và cán sự xóm có những vận dụng để quản lý tốt an ninh trật tự, nhân dân làm đường nông thôn, lắp hệ thống đèn đường chiếu sáng ở trung tâm xóm và đèn đường cho các em đi học về an toàn; phát động được phong trào tiếng trống khuyến học cho con em trong xóm; đặc biệt, chi bộ và Ban cán sự xóm xử lý khá tốt một trường hợp xây dựng cơ sở để truyền đạo trái phép…

Còn tại xã Châu Bình, Bí thư Đảng ủy Lương Văn Đại cho biết: Xã có 23 chi bộ, trong đó 17 chi bộ thôn bản (5 chi bộ đặc biệt khó khăn) và 6 chi bộ cơ quan, trường học. Ngoài việc phủ kín mỗi chi bộ 1 tờ Nghệ An, Đảng ủy và UBND xã còn đặt mua 3 tờ Nghệ An và 8 tờ báo cấp cho người có uy tín. Để đưa báo về các chi bộ bản, mỗi tháng xã trích kinh phí hỗ trợ thêm cho bưu tá xã 500 ngàn đồng. Bình quân mỗi năm xã Châu Bình dành khoảng 50 - 60 triệu đồng để đặt mua báo. Tuy nhiên, ông Đại cũng thừa nhận “Đảng bộ xã có khá đông đảng viên là người hưu trí nhưng chưa tuyên truyền để nhân rộng mô hình đọc và sử dụng báo đảng hiệu quả. Hình thức sử dụng báo đảng tại các chi bộ cơ sở Châu Bình chủ yếu vẫn là đọc, điểm thông tin trên báo vào đầu giờ các kỳ sinh hoạt chi bộ”.

Thực tiễn sử dụng báo tại Châu Quang và Châu Bình cũng là thực trạng chung của các xã miền núi hiện nay. Mặc dù người dân rất thiếu thông tin và có nhu cầu nhưng do chưa làm tốt khâu tổ chức, sử dụng nên chưa phát huy được hiệu quả.

Thông qua tiếp xúc, lãnh đạo các địa phương đều mong muốn sự chia sẻ của báo chí, nhất là Báo Nghệ An để cung cấp thông tin kịp thời đến tận người dân. Để nâng cao hiệu quả sử dụng báo đảng thì vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan trọng. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và chịu khó sâu sát, ngay tại địa bàn các xã trên hoàn toàn có thể tìm ra những “hạt nhân” là mô hình sử dụng báo hay để nhân rộng. Như mô hình đọc và theo dõi báo tại Chi bộ bản Bình Quang, xã Châu Bình.

Ông Nguyễn Minh Giảng - Bí thư chi bộ bản không chỉ là bạn đọc lâu năm mà còn là một CTV quen thuộc của Báo Nghệ An. Ngoài việc theo dõi sát sao thông tin trên các số báo để tuyên truyền lại cho nhân dân, ông còn phát hiện ra những vấn đề hay ở địa phương để gửi cho báo. Ở Châu Quang còn có những bạn đọc báo quen thuộc và là tác giả của nhiều bài báo trên tờ Nghệ An miền núi như CTV Thái Tâm ở bản Còn, Võ Ngọc Sơn ở xóm Minh Quang… Họ là cầu nối tích cực để Báo Nghệ An phát huy hiệu quả ở cơ sở.

Mong rằng cấp ủy, chính quyền các xã miền núi sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng với đội ngũ những người làm báo để xây dựng, nhân rộng ngày càng nhiều mô hình mới, cách làm hay trong sử dụng báo đảng, góp phần đưa chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng đến gần hơn với đồng bào miền núi.


Nguyễn Hải

Nâng hiệu quả sử dụng báo đảng ở các đảng bộ cơ sở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO