Nâng mức đầu tư cho nông nghiệp nông thôn
(Baonghean) - Nghị định 41/2010/NĐ- CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn Nghệ An thực hiện hiệu quả. Chính vì vậy, hoạt động cho vay trong lĩnh vực này luôn có mức tăng trưởng khá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Gia đình anh Nguyễn Hà Trung - xóm Sen 3, xã Kim Liên (Nam Đàn) được vay vốn Ngân hàng nông nghiệp đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô 20 con lợn nái sinh sản cho hiệu quả cao. Không chỉ ông Sơn, anh Trung... mà hiện nay hàng ngàn nông hộ trong toàn tỉnh đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình nhờ nguồn vốn của ngân hàng, trong đó chủ lực là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp.
Chủ nhiệm HTX dịch vụ Đại Đồng xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn)- ông Nguyễn Thanh Dương cho hay: “Xã Nghĩa Hội có 1.457 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 365 ha đất lúa... Để khuyến khích bà con nông dân đầu tư sản xuất thâm canh, tăng năng suất, giá trị cây trồng, HTX Đại Đồng đã đứng ra đảm nhận việc cung ứng các loại giống chất lượng cao, vật tư phân bón và các loại hình dịch vụ khác... Trong quá trình hoạt động, HTX luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của ngành ngân hàng, đó là cơ sở quan trọng để HTX phát triển mạnh các dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của người dân về phát triển sản xuất. Chính vì vậy, HTX Đại Đồng hoạt động hiệu quả, tổng doanh thu đạt gần 1,2 tỷ đồng/năm”.
Xưởng sản xuất thép của doanh nghiệp Thành Phát ở cụm công nghiệp Tháp - Kỷ - Hồng (Diễn Châu). |
Trong quá trình thực hiện Nghị định 41/CP, Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã thể hiện rõ vai trò chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Ngân hàng đã triển khai sâu rộng đến các Chi nhánh trên địa bàn, đồng thời bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để cho người dân vay vốn kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các thỏa thuận liên ngành... Trong 3 năm thực hiện Nghị định 41/CP, doanh số cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An đạt 20.209 tỷ đồng, doanh số thu nợ 15.867 tỷ đồng và dư nợ hiện nay là 6.825 tỷ đồng.
Ông Phan Đức Tiến – Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: “Nghị định 41/CP không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi, mà còn nâng mức cho vay không phải bảo đảm tài sản và thủ tục cho vay đơn giản. Nhờ vậy, bà con nông dân được vay vốn không phải bảo đảm tài sản thế chấp lên đến 2.618 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua 246 tổ vay vốn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ (gồm 1.607 hội viên) vay 28,5 tỷ đồng, đồng thời giải quyết cho hàng nghìn hộ dân vay vốn theo Nghị quyết 30a, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, ông Vi Văn Định cho biết: “Nghĩa Đàn được quy hoạch đầu tư xây dựng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy ngành ngân hàng đã và đang có chiến lược phát triển tín dụng hướng về khu vực nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như Ngân hàng TMCP Bắc Á tư vấn đầu tư, cấp tín dụng cho chuỗi các dự án đầu tư của Tập đoàn TH gồm dự án bò sữa, dự án dược liệu, dự án rau củ quả sạch... ”.
Hiện nay, dư nợ của Ngân hàng Bắc Á đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 12.500 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng dự nợ của Ngân hàng Bắc Á) và theo kế hoạch sẽ nâng tín dụng nông nghiệp nông thôn lên mức 70% dư nợ vào cuối năm 2013.
Thực hiện Nghị định 41/CP, Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Vinh, cũng ưu tiên nguồn vốn cho khách hàng là các doanh nghiệp chế biến nông nghiệp, công nghiệp, thương mại... Nhờ sự phối hợp với các cấp, ngành liên quan, Ngân hàng Vietcombank Vinh đã giải ngân được hơn 2.230 tỷ đồng và dư nợ đến nay gần 226 tỷ đồng, trong đó cho vay trồng và chế biến chè đạt 222,4 tỷ đồng (dư nợ 22,2 tỷ đồng), cho vay lĩnh vực chế biến lâm sản đạt 451,5 tỷ đồng (dư nợ 67,4 tỷ đồng), vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn đạt 1.369,7 tỷ đồng (dư nợ hiện nay 191,6 tỷ đồng)...
Bà Lê Thị Huệ Anh – Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Vinh cho hay: “Nhờ tiếp cận vốn vay kịp thời, thủ tục nhanh gọn, lãi suất hợp lý nên các doanh nghiệp đã tích cực thu mua, chế biến các sản phẩm của nông dân cũng như cung cấp kịp thời các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đến thời điểm này, khách hàng vay vốn theo Nghị định 41 tại Vietcombank Vinh không phát sinh nợ xấu, chứng tỏ các doanh nghiệp đã sử dụng vốn vay hiệu quả”.
Sau 3 năm thực hiện Nghị định 41/CP, hoạt động cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn ở tỉnh ta có mức tăng trưởng khá và nguồn vốn đã phát huy hiệu quả. Đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 29.578 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn 19.238 tỷ đồng, nợ dài hạn 10.340 tỷ đồng) và chiếm 32,3% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Đặc biệt, chất lượng tín dụng nông nghiệp, nông thôn được đảm bảo và tỷ lệ nợ xấu phát sinh thấp (chỉ chiếm 1,48% trong tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn). Rõ ràng, thông qua nguồn vốn đầu tư này, tại vùng nông thôn tỉnh ta đã có điều kiện thuận lợi để triển khai những chương trình, dự án phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và hỗ trợ tích cực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các ngân hàng thực sự đã đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp để nguồn vốn được chảy ra đầu tư phục vụ hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển các ngành nghề nông thôn.
Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp. Ông Mạc Trường Sơn – chủ trang trại ở Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) cho rằng: “ Một số chương trình tín dụng chính sách cho người dân vay với mức quá thấp. Trong điều kiện chi chí đầu vào hiện nay rất cao, không đáp ứng được nhu cầu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, do đó các ngân hàng cần nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi để phù hợp với thực tế hiện nay, như: Chương trình đầu tư chăn nuôi theo mô hình tập trung; Cho vay giải quyết việc làm…”.
Qua tìm hiểu được biết, vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay là người dân và nhiều doanh nghiệp ở vùng nông thôn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc tài sản trên đất, nên muốn vay vốn với số tiền lớn lại không có tài sản thế chấp. Đã vậy, một số địa phương không có văn phòng công chứng, gây khó khăn cho khách hàng khi thực hiện các thủ tục thế chấp vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng...
Thiết nghĩ, trong thời gian tới cần mở rộng đối tượng vay vốn tới những hộ, cá nhân ở khu vực thị xã, thị trấn (nhưng vẫn sản xuất nông nghiệp) được vay đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, đồng thời tăng mức cho vay tín chấp theo quy mô, vốn điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả của Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoặc cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết định hạn mức cho vay tín chấp trên cơ sở hiệu quả kinh doanh, quy mô, uy tín của khách hàng...
Hoàng Vĩnh