Nắng nóng, chảy máu cam ở trẻ nhỏ có thể dẫn tới tử vong
Trong những ngày hè nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ tăng cao bất thường, trẻ em thường mắc phải triệu chứng chảy máu cam. Hiện tượng này xuất hiện nhiều nhất ở trẻ từ 2-10 tuổi.
Trẻ bị chảy máu cam do rất nhiều lí do khác nhau. |
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này được bác sĩ Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương) giải thích: "Mạch máu trẻ rất nhạy cảm và có thể bị vỡ khi thời tiết hiện nay rất nóng bức, trẻ ngồi quá lâu dưới máy điều hòa trong một thời gian dài khiến cho vùng mũi của trẻ bị dị ứng, nhiễm trùng ở mũi họng dẫn tới khi có tác động mạnh sẽ gây vỡ mạch máu bên trong mũi".
Bác sĩ Trần Thu Thủy cho biết, chảy máu mũi được chia thành 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Hầu hết trẻ bị chảy máu mũi trước và trong trường hợp này, trẻ thường chảy máu một bên và ít nguy hiểm.
Trường hợp trẻ bị chảy máu mũi sau rất hiếm. Tuy không phổ biến ở trẻ em nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn. Máu sẽ chảy ra phía sau và chủ yếu đi xuống họng. Ở dạng này, trẻ thường chảy máu nhiều, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sơ cứu đúng cách khi trẻ bị chảy máu cam. |
Bác sĩ Trần Thu Thủy có lời khuyên cho các bậc phụ huynh: "Khi thấy trẻ có hiện tượng chảy máu cam, phụ huynh tuyệt đối không bắt trẻ ngửa đầu lên, điều này không có tác dụng cầm máu mà còn gây nguy hiểm cho trẻ, vì rất có khả năng máu sẽ chảy ngược vào phổi gây ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
Cha mẹ cần lau sạch máu ở mũi cho trẻ, sau đó để trẻ ngồi hơi cúi về phía trước, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ đè vào cánh mũi và vách găn để không cho máu chảy ra nữa. Cho trẻ thở bằng miệng, giữ như vậy từ 5-7 phút và đặt một viên đá lạnh vào gốc mũi, đây cũng là cách sẽ giúp máu ngừng chảy nhanh trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.