Nắng nóng gay gắt, rau xanh tăng giá mạnh
Thời tiết nắng nóng gay gắt, sản xuất rau gặp khó, do đó, hơn nửa tháng nay, rau xanh tại các chợ tăng giá mạnh, nhiều loại rau “đứt hàng”…
Tại các chợ dân sinh, rau xanh tăng giá từng ngày. Nhiều loại rau có giá tăng gấp 2-3 lần so với trước đó. Bà Trần Thị Hoán, tiểu thương ở chợ đầu mối Vinh cho biết: "Hơn 2 tuần nay, nguồn rau từ các vùng sản xuất đưa về chợ thiếu hụt, khiến lượng hàng không còn dồi dào, phong phú như trước đây. Giá rau thời gian này rất đắt nên tôi không dám lấy nhiều về bán. Người dân đi chợ cũng chi tiêu dè sẻn hơn so với trước nên rau ế. Nắng nóng thế này, rau không bán hết trong ngày phải đổ bỏ vì khô, úa. Khả năng rau xanh sẽ còn tăng giá nếu nắng nóng còn kéo dài”.
Theo khảo sát, nhóm rau ăn lá tăng giá mạnh nhất. Trong đó, cải ngọt có giá 30.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; cải canh lên tới 35.000 đồng/kg; cải ngồng từ 35.000 đồng/kg...
Giá các loại rau thơm, hành, mùi cũng đã đắt gấp đôi so với trước. Trước đây, giá rau thơm các loại từ 20.000-30.000 đồng/kg, thì nay tăng vọt lên 50.000-60.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một số loại rau xanh đang chính vụ thu hoạch cũng rục rịch tăng giá theo như mồng tơi từ 7.000 đồng/bó nay có giá 10.000 đồng/bó, rau muống 7.000 đồng/bó tăng lên thành 10.000 đồng/bó, rau ngót 10.000 đồng/bó tăng lên thành 12.000 đồng/bó, mướp hương có giá 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), bí xanh có giá 10.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg).
Riêng cà rốt, khoai tây và cải bắp tăng giá gần gấp đôi so với trước. Theo đó, cà rốt có giá 20.000 đồng/kg, khoai tây 25.000 đồng/kg, bắp cải có giá 25.000-30.000 đồng/kg... Đặc biệt, như xà lách, giá tăng gấp 3-4 lần so với thời điểm ra Tết.
“Giá rau xanh tăng mạnh, trước đây, cả nhà 4 người chỉ khoảng 30.000 đồng tiền rau là đủ cho 2 bữa, nay cũng chừng đó rau phải chi ra 50.000 đồng mới đủ. Nắng nóng thế này, bữa ăn rau xanh chiếm phần lớn trong thực đơn do đó, dù đắt cũng phải mua”, chị Tôn Thị Ngọc Linh cho biết.
Rau tăng giá, nắng nóng gay gắt khiến việc bảo quản, vận chuyển cũng khó khăn hơn, các tiểu thương cũng nhập hàng dè chừng.
“Mỗi buổi chợ tôi chỉ dám lấy 5 bó rau muống, vài bó mồng tơi, vài bó rau ngót. Riêng xà lách thì chỉ có khách đặt trước mới dám lấy về, bán ở chợ, không có cách nào bảo quản được nên héo rũ là phải đổ bỏ, sẽ thua lỗ liền. Nắng nóng thế này, tôi chủ yếu nhập các loại củ, quả: bí xanh, bí đỏ, củ cải, cà rốt, khoai tây, chuối xanh, cà… vì dễ bảo quản hơn”, chị Nguyễn Thị Đào, bán lẻ rau tại chợ Cọi (TP.Vinh) cho biết.
Tại các siêu thị, rau xanh phong phú, đa dạng hơn do nguồn cung nhập về từ các tỉnh phía Bắc và Lâm Đồng khá nhiều. Tuy nhiên, hiện giá rau cũng đã được điều chỉnh tăng nhẹ so với cách đây 1 tuần.
Chị Nguyễn Thuý Ngà, quản lý gian hàng rau củ cho biết: “Hiện trên kệ hàng có đầy đủ các loại rau xanh ăn lá, củ quả, gia vị… được nhập về hàng ngày. Khoảng 1 tuần nay, giá rau nhích thêm khoảng 10%, do đó, giá bán điều chỉnh tăng. Hầu như năm nào đến giai đoạn này rau xanh cũng khan hàng, tăng giá do nguồn cung hạn chế”.
Theo các tiểu thương kinh doanh rau tại các chợ dân sinh, nguyên nhân rau xanh tăng giá là do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài khiến các vùng sản xuất rau trong tỉnh và các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng. Nhiều loại bị hỏng ngay trên ruộng khiến nguồn cung khan hiếm, giá tăng. Đặc biệt năm nay, nắng nóng kéo dài trên cả nước, nhiều địa phương gặp mưa lũ bất thường nên sản xuất rau cũng rất khó khăn.
“Mùa này, làm rau khó khăn lắm. Tưới ngày 4-5 tiếng đồng hồ, nắng nóng quá cây rau cũng khó phát triển, còi cọc, năng suất giảm. Riêng các nhà màng thì bỏ hoang vì nhiệt độ trong nhà màng cao lắm, hấp nhiệt nên không thể sản xuất rau”, ông Hồ Mậu Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông diêm nghiệp Quỳnh Minh cho biết.
Theo thống kê, diện tích rau các loại ước đạt 26.170,4 ha, tăng 2,08% (+532,5 ha). Rau các loại chủ yếu trồng tập trung ở các huyện đồng bằng và một số huyện vùng miền núi thấp có diện tích thâm canh rau hàng hóa cao như: huyện Diễn Châu 1.318 ha, Quỳnh Lưu 3.411 ha, Yên Thành 3.011 ha, Nam Đàn 2.720 ha.
Sản lượng ước đạt 402.812,9 tấn, đủ nguồn cung cho người dân trong tỉnh và xuất bán sang thị trường các tỉnh khác. Tuy nhiên, do thời tiết nắng hạn kéo dài nên nguồn cung đang gián đoạn, thiếu hụt tạm thời nên giá rau tăng.