Nắng nóng, nông dân xoay xở đủ cách cấp nước cho cây trồng 'bạc triệu'

Thanh Phúc 05/07/2022 11:23

(Baonghean.vn) - Hiện Nghệ An đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, cây cam lại đang vào giai đoạn tích nước cho quả. Kè ao tích nước, dùng phân bón hữu cơ vi sinh và tận dụng cỏ dại tủ gốc, thực hiện biện pháp trồng xen... là cách làm được nông dân Nghệ An áp dụng chống hạn cho cây trồng "bạc triệu", cung cấp đủ nước cho cam dưỡng quả. 

Để chủ động nguồn nước tưới cho 6ha cam, anh Trần Điển Vi đã đầu tư cả trăm triệu đồng kè ao, tích nước. Ảnh: Thanh Phúc

Trồng 6ha cam theo hướng hữu cơ, anh Trần Điển Vi (xóm Sướn, xã Thanh Đức, Thanh Chương) đã đầu tư hệ thống tưới phun gốc tự động và kéo đường ống để tưới phun cho cam. Mùa Hè năm nay, để đảm bảo nguồn nước tưới ổn định, dồi dào cho hàng nghìn gốc cam trong giai đoạn dưỡng quả, tích nước cho quả, anh đã đầu tư cả trăm triệu đồng để kè ao giữ nước.

Anh Trần Điển Vi cho biết: “Cam là loại cây trồng có khả năng chịu hạn kém, mùa Hè là giai đoạn để cây phát triển, tích nước trong quả nên nếu không được chăm sóc cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, sản lượng. Do đó, để vườn cam đạt năng suất cao, từ đầu mùa nắng gia đình đã chuẩn bị chu đáo các biện pháp chống nóng cho cam, như: bổ sung hệ thống tưới, dùng cỏ để tủ gốc cho cam, bón phân vi sinh để chống hạn và điều hoà sinh trưởng cho cây cam...".

Để cỏ dại mọc tốt, dùng chế phẩm vi sinh phun tưới để cung cấp hệ vi sinh vật phát triển làm xốp đất và thoáng khí là cách làm hữu hiệu để chống hạn cho cam. Ảnh: Thanh Phúc

Toàn huyện Tân Kỳ có gần 170 ha cam. Hiện cây cam đang vào giai đoạn dưỡng quả, tích nước cho quả. Năm nay, tỷ lệ ra hoa, đậu quả của cam thấp hơn mọi năm do đó, thời tiết nắng nóng kéo dài trong giai đoạn quan trọng này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cam cuối vụ.

Dù mới bước vào mùa nắng nhưng các kênh mương, hồ đập xung quanh các vườn cam đã gần cạn nước, các hộ trồng cam rất lo ngại. Vì vậy, các hộ ngoài tận dụng các mạch nước, nguồn nước có sẵn thì đã đầu tư khoan giếng để có nguồn nước ổn định tưới chống hạn. Trong những năm qua, biện pháp sử dụng phân bón vi sinh được coi là giải pháp “chống hạn không cần nước” được triển khai hiệu quả và rộng rãi ở Tân Kỳ.

Hộ anh Trương Phú Tuấn ở xóm Tân Yên (xã Tân Phú, Tân Kỳ) trồng 1,2ha cam, năm 2021, cam đến ngày thu hoạch thì thối và rụng quả hàng loạt, thua lỗ cả trăm triệu đồng. Bước vào vụ cam năm nay, tỷ lệ ra hoa đậu quả thấp, hiện cam đang thời kỳ dưỡng quả, tích nước cho quả thì gặp nắng nóng gay gắt bởi vậy anh rất lo lắng.

Sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho cam được coi là cách chống hạn không cần nước của nông dân nhiều vùng trồng cam. Ảnh: Thanh Phúc

Để có nước tưới cho cam, anh đã vận dụng các mạch nước khe, suối xung quanh; khoan giếng để chủ động nguồn nước, đồng thời, thực hiện bón phân vi sinh để vừa cung cấp chất dinh dưỡng, vừa giữ ẩm cho cây cam. Mặt khác, để cỏ dại mọc tốt trong các vườn cam, tưới chế phẩm để cung cấp hệ vi sinh vật phát triển làm xốp đất và thoáng khí. Với cách làm này, dù nắng nóng và gió Lào thổi rạc nhưng vườn cam của anh vẫn xanh tốt, quả phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Kỳ cho biết: “Những năm gần đây, cây cam là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cao cho nông dân Tân Kỳ. Việc chống hạn cho cây cam được bà con quan tâm, đầu tư. Ngoài biện pháp tưới nước, trồng xen để giữ ẩm cho đất thì giải pháp về sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cũng rất hiệu quả, đang được nhân rộng ra khắp các địa phương. Đây là giải pháp chống hạn tốt nhất lại ít tốn kém nhất”.

Trồng xen lạc, đậu, dưa bí... vào các vườn cam cũng là cách giữ ẩm cho đất tốt, giúp tiết kiệm nguồn nước tưới cho cây cam. Ảnh: Thanh Phúc

Còn những nông dân ở “thủ phủ” cam ở Quỳ Hợp lại có cách chống hạn bằng cách trồng xen lạc, xen dưa, xen bí vào các vườn cam. Nhờ phương pháp trồng xen này mà đất giữ ẩm tốt hơn, tơi xốp hơn, cây cam nhờ thế cũng bớt khô hạn hơn.

Anh Hoàng Văn Hoan (xóm Xuân Sơn, xã Văn Lợi, Quỳ Hợp) cho biết: “Trong 500 gốc cam đang giai đoạn ra quả bói, tôi trồng xen dưa, xen lạc vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa có tác dụng giữ ẩm, chống hạn cho cây cam. Trồng dưa theo rãnh xen giữa các hàng cam, có phủ ni lông đục lỗ, hàng ngày bơm tưới cho dưa, nước thẩm thấu xuống đất, ngấm lâu và giữ ẩm được lâu hơn, đỡ được khoản tưới thường xuyên cho cam”.

Hiện Nghệ An đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, cây cam lại đang vào giai đoạn tích nước cho quả. Do đó, nếu không đủ nước tưới, không đủ độ ẩm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng cam quả. Thời gian qua, nông dân các vùng trồng cam chủ động, tích cực với nhiều phương án chống hạn cho cây cam nên hiện các vườn cam đang sinh trưởng, phát triển tốt, chưa bị tác động tiêu cực bởi thời tiết cực đoan./.

Mới nhất

x
Nắng nóng, nông dân xoay xở đủ cách cấp nước cho cây trồng 'bạc triệu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO