Nâng tầm thị xã du lịch biển
(Baonghean) - “Về phố biển hôm nay/ Xôn xao trời xứ Nghệ/ Nghe âm vang sóng vỗ về/ Biền thì thào với khơi xa/ Về phố biển quê ta/ Đường Bình Minh rộng mở/ Người ơi người có nhớ / Cửa Lò đầy mộng mơ…”. Câu hát như mời gọi những ai chưa từng đến với Cửa Lò, và níu giữ những bước chân người đến ở lại lâu hơn để hiểu thêm về con người, mảnh đất Cửa Lò hôm nay.
Thị xã trẻ năng động
Nếu ai đó đến với Cửa Lò từ những năm 90, 91 bây giờ trở lại chắc chắn sẽ không thể nhận ra bởi Cửa Lò đã và đang từng ngày thay da đổi thịt trên những con phố, trong từng mái nhà, trong mỗi người dân. Ông Trần Bạch Mai (năm nay 83 tuổi) người dân phường Nghi Hải tâm sự rằng: “Cửa Lò đã gắn bó với cuộc đời ông từ nhỏ rồi lớn lên lấy vợ, sinh con, cả gia đình ông cùng sống ở đây, trải qua bao thay đổi, ông thấy rất vui vì Cửa Lò nay khác xưa nhiều lắm. Từ một vùng đất cát trắng, mùa hè chỉ có gió Lào và tiếng sóng biển, người dân Cửa Lò quanh năm đánh cá, chài lưới, các bà, các mẹ một buổi đi chợ bán cá, một buổi đi cào lá thông về thổi cơm… không ai biết làm du lịch là gì.
Bãi tắm Cửa Lò. Ảnh: Trần Hải |
Năm 1994, thị xã Cửa Lò được thành lập. Đây là bước ngoặt lớn có ý nghĩa chính trị quan trọng để Cửa Lò phát huy lợi thế, tiềm năng. Mới đó mà đã 20 năm, thời gian chưa nhiều nhưng Cửa Lò hôm nay mang trên mình một dáng vóc mới: năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét mặn mà, chân chất của những ngư dân làng chài ven biển. Đến với Cửa Lò, khách du lịch có thể tùy ý lựa chọn phương tiện: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đều rất nhanh gọn, thuận tiện. Hiện tại Cửa Lò có 248 cơ sở lưu trú với 6.577 phòng nghỉ với 13.434 giường, bảo đảm phục vụ 18.200 khách lưu trú/ngày đêm; 20 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 1 - 4 sao đáp ứng hoạt động và tổ chức được các sự kiện mang tầm quốc tế. Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của một thị xã biển, năm 2013, Cửa Lò đã liên kết được 60 đơn vị lữ hành, giới thiệu và đón 250 đoàn khách quốc tế về nghỉ dưỡng tại thị xã; thiết lập 16 tour, tuyến có hiệu quả, được du khách đánh giá cao như: Cửa Lò - Đảo Ngư, Cửa Lò - Vinh - Khu di tích Kim Liên, Cửa Lò - Vinh - Cầu Treo - Lào, Cửa Lò - Vinh - Thái Lan… Qua đó thu hút hơn 2,1 triệu lượt khách đến Cửa Lò, doanh thu từ du lịch đạt 1.460 tỷ đồng…
Hằng năm, riêng đầu tư cho các công trình du lịch đã lên tới hàng tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình đã trở thành “điểm nhấn” cho du lịch Cửa Lò như Quảng trường Bình Minh, Nhà thi đấu thể thao, Dự án sân golf 18 lỗ gắn với khách sạn, nhà nghỉ cao cấp của Công ty Golf biển, Nhà máy bánh kẹo Tràng An, Nhà máy sữa Vinamilk.... Đặc biệt năm 2014, thị xã đã thu hút được nhiều dự án lớn như dự án Tổ hợp khách sạn, nhà nghỉ, chung cư, siêu thị của Tập đoàn Mường Thanh hiện đang triển khai xây dựng, dự kiến năm 2015 sẽ đưa vào sử dụng; Dự án “Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Lan Châu - Song Ngư” được quy hoạch trên 3 khu đất thuộc địa bàn Thị xã Cửa Lò, bao gồm: khu đảo Lan Châu, khu vực đất Nghi Hòa, khu vực đảo Ngư với diện tích gần 130 ha, tổng mức đầu tư cho công trình gần 1.800 tỷ đồng. Dự án với hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, hướng tới du lịch 4 mùa.
Là thị xã trẻ năng động, hiện đại nhưng Cửa Lò vẫn lưu giữ nhiều nghề truyền thống để phục vụ khách du lịch. Đó là bước đi có tính bền vững mà Cửa Lò đang hướng tới. Một trong những làng nghề chế biến hải sản có truyền thống lâu đời đó là làng nghề Nghi Thủy. Ghé thăm cơ sở chế biến nước mắm, ruốc của chị Trần Thị Liên (sinh năm 1968) ở khối 8, lúc cả gia đình chị cùng hai công nhân đang khẩn trương đóng nước mắm chuẩn bị cho chuyến hàng đi xa. Được biết, vào mùa du lịch, bình quân mỗi ngày cơ sở chị đón tiếp hàng trăm khách tới mua nước mắm, ruốc các loại. Vừa nhanh tay đóng gói các bao ruốc vào chai, chị Liên vui vẻ: Bận quanh năm em ạ, hết phơi rồi đậy, hết mở ra cho được nắng rồi lại lọc, chưng, nấu cả ngày không nghỉ tay. Vào mùa du lịch thì bận cả ngày luôn, có khi 8 – 9 giờ tối vẫn có khách tới tham quan, mua hàng. Mệt nhưng vui vì mình vừa duy trì được nghề truyền thống của cha ông để lại vừa có thêm thu nhập, nhưng điều quan trọng là mình đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nước mắm Cửa Lò tới du khách khắp nơi trong cả nước.
Nhiều sản phẩm du lịch
Ông Trần Anh Tuấn – Phó phòng Văn hóa – Du lịch thị xã cho biết: Năm nay Lễ hội sông nước Cửa Lò diễn ra cùng với thời điểm thị xã tròn 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Vì thế quy mô, nội dung phong phú hơn rất nhiều. Với thời gian diễn ra trong 2 ngày từ 30/4 đến 1/5/2014 cùng các hoạt động như: khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò 2014, tổ chức giải đua thuyền truyền thống mở rộng, các trò chơi dân gian, chương trình giao lưu nghệ thuật “Nối vòng tay biển”… Sau lễ khai trương Mùa du lịch biển là các hoạt động kéo dài cho đến hết tháng 8 để chào mừng 20 năm ngày thành lập thị xã. Đặc biệt, năm 2014 cũng là năm thí điểm xây dựng Thị xã Cửa Lò thành đô thị du lịch biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vì thế đến với mùa du lịch năm nay, du khách sẽ được tham quan khu ẩm thực xứ Nghệ (gồm những đặc sản của 3 vùng miền: Cửa Lò – Nam Đàn – TP Vinh) – đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động liên kết phát triển của 3 địa phương vừa được ký kết. Ngoài ra còn tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật về chặng đường 20 năm thành lập thị xã; thưởng thức cuộc thi “Người đẹp phố biển” lần thứ nhất; Giải Golf biển Cửa Lò mở rộng lần thứ 2…
Xác định du lịch biển là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng tạo đà cho kinh tế - xã hội thị xã phát triển bền vững, hiện đại, văn minh, thời gian qua, Cửa Lò đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để nhìn lại những gì đã làm được và định hướng phát triển du lịch biển trong tương lai. Có nhiều các nhà hoạch định chiến lược đã phác thảo ra cho Cửa Lò những hướng đi mới như xây dựng khu công nghiệp cảng hiện đại nối Cửa Lò, Cửa Hội với đảo Song Ngư bằng những cầu cảng liên hoàn hiện đại để đón nhận các loại tàu vận tải hơn 1 vạn tấn vào nhận hàng, đón nhận tàu du lịch quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới và các loại tàu đánh cá cỡ lớn vào mua vật tư và bán sản phẩm. Theo đó, các nhà máy sản xuất đá lạnh, chế biến hải sản và các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, đóng mới tàu biển hình thành. Các trung tâm thu phát thông tin, tín hiệu hàng hải, tín dụng quốc tế và các cơ sở dịch vụ, du lịch ăn ở, nghỉ ngơi, vui chơi cũng sẽ đua nhau mọc lên. Lúc đó bãi biển Cửa Lò sẽ kéo dài theo rừng cây và kèm theo là các cơ sở dịch vụ suốt tuyến bờ biển dài 10km. Với những định hướng dài hơi có tính chiến lược như vậy, hôm nay, Cửa Lò đã, đang bước đi từng bước vững chắc để thực hiện mục tiêu: là 1/11 đô thị du lịch biển hấp dẫn nhất khu vực, cả nước và quốc tế.
Thanh Thủy