Nâng tầm vị thế doanh nghiệp - doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
(Baonghean.vn) - Xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ cả về lực lượng lẫn tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh quốc tế… đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trên tiến trình hội nhập toàn cầu.
Ngày 10/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Nghị quyết định hướng nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát triển toàn diện đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, xác định việc , tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến xứng đáng cho đất nước là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát triển đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc ban hành Nghị quyết 41 đúng dịp kỷ niệm “Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10” thể hiện sự ghi nhận của Đảng - Nhà nước về những đóng góp quan trọng, của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cho sự phát triển của đất nước thời gian qua. Đồng thời gợi mở những định hướng lớn làm cơ sở cho việc đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tiếp tục phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Những năm gần đây, các tổ chức quốc tế hàng đầu về định giá thương hiệu như Brand Finance hay Forbes Việt Nam đã ghi nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam luôn có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng tới 74% trong giai đoạn 2019-2022 và tiếp tục tăng 15,6% trong năm 2023, lên mức gần 500 tỷ đô la Mỹ. Để Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đứng ở vị trí 32 trong số 100 Thương hiệu Quốc gia mạnh trên thế giới hiện nay, có sự đóng góp trực tiếp từ giá trị thương hiệu của doanh nghiệp - khi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước bị tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và những xung đột quân sự, chính trị, kinh tế trên thế giới… 3 năm qua, hơn 800 nghìn doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn luôn nỗ lực vượt khó khăn, giữ vững sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc thực thi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế, giữ vững mục tiêu tăng trưởng.
Với Nghị quyết 41, Đảng- Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cho đất nước nói chung. Song cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển ngang tầm với vị trí, vai trò của mình đối với đất nước trong bối cảnh mới.
Nếu như trước đây, Nghị quyết 09 đặt mục tiêu “xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh…; phấn đấu đến năm 2020 “có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á”; thì tại Nghị quyết lần này - Bộ Chính trị đã nâng tầm mục tiêu - với từng giai đoạn cụ thể được đặt ra: Phấn đấu đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu CNH-HĐH đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Đến năm 2045 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Vì thế, Bộ Chính trị cũng nêu rõ 7 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, như nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; tập trung tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh; nêu cao trách nhiệm xã hội, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Để đạt mục tiêu này, Bộ Chính trị yêu cầu các Bộ, Ban, Ngành trung ương, chính quyền địa phương phải “bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch”; phải “hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng…”; phải bảo đảm “quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm”; “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế”; đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh để “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Với tầm vóc, ý nghĩa đó, có thể nói Nghị quyết 41 ban hành đã đáp ứng được sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội về một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ cả về lực lượng lẫn tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh quốc tế… đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trên tiến trình hội nhập toàn cầu./.