NASA phát hiện hành tinh bốc hơi có thể là 'siêu Trái Đất'
Ngoại hành tinh mới quay xung quanh một ngôi sao lùn vàng giống Mặt Trời, có đường kính gấp 2,14 lần Trái Đất và nặng hơn 4,82 lần.
Vệ tinh TESS tìm thấy ngoại hành tinh mới đầu tiên. Ảnh: Space. |
Sau 5 tháng hoạt động trên quỹ đạo, thiết bị săn ngoại hành tinh TESS của NASA lần đầu tiên phát hiện một hành tinh mới ngoài hệ Mặt Trời, Space hôm 19/9 đưa tin. Hành tinh này quay xung quanh ngôi sao lùn vàng Pi Mensae trong chòm sao Sơn Án, còn được gọi là HD 39091, cách Trái Đất khoảng 59,5 năm ánh sáng.
Ngoại hành tinh mới được đặt tên là Pi Mensae c. Tác giả chính của nghiên cứu Chelse Huang từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ cho biết đây nhiều khả năng là một siêu Trái Đất - thuật ngữ chỉ các hành tinh đá ngoài hệ Mặt Trời, nặng gấp 2 - 10 lần hành tinh của chúng ta và có bầu khí quyển mỏng.
Pi Mensae c có đường kính gấp 2,14 lần Trái Đất và nặng hơn 4,82 lần. Phân tích về mật độ cho thấy hành tinh này có thành phần chủ yếu là nước, với lõi đá và một bầu khí quyển chứa hydro và heli. "Đây thực sự là một phát hiện tuyệt vời. Pi Mensae c chính xác là kiểu ngoại hành tinh mà TESS được thiết kế để tìm kiếm", Natalia Guerrero từ MIT, thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Pi Mensae c nằm rất gần ngôi sao mẹ, chỉ bằng 1/50 khoảng cách từ sao Thủy tới Mặt Trời, vì vậy các nhà khoa học tin rằng nó đang bốc hơi do nhận một lượng bức xạ quá lớn. Điều đó cũng có nghĩa là khả năng tồn tại sự sống trên bề mặt của ngoại hành tinh này là rất nhỏ.
TESS là thiết bị săn ngoại hành tinh mới nhất của NASA. Nhiệm vụ chính của vệ tinh là khảo sát những ngôi sao sáng nhất cách đến Trái Đất khoảng 30 - 300 năm ánh sáng để tìm kiếm ngoại hành tinh mới. Thiết bị được kỳ vọng sẽ tìm thấy hơn 20.000 hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời trong một sứ mệnh kéo dài hai năm.