NATO chao đảo khi ông Trump xoay chiều chính sách Nga-Ukraine
Khi chính quyền Tổng thống Trump ra tín hiệu nhượng bộ đối với Nga, các đồng minh NATO trở nên lúng túng, bắt đầu bộc lộ rạn nứt.
NATO chao đảo
Theo CNN, cuộc họp vào ngày 12/2 tại trụ sở của NATO ở Thủ đô Brussels (Bỉ), trên lý thuyết, chương trình nghị sự tập trung về việc phối hợp viện trợ quân sự cho Ukraine và chào đón tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Tuy nhiên, trên thực tế, đó lại là ngày chứng kiến chính quyền Trump 2.0 đảo ngược cách tiếp cận của liên minh đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài 3 năm nay, đưa ra một tầm nhìn dường như đáp ứng một số yêu cầu chính của Moskva và khiến các đồng minh NATO phải chiến đấu để tránh rạn nứt.
![capture(1).jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/13/capture(1).jpg)
Dù vậy, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy mọi chuyện sẽ không diễn ra suôn sẻ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “nổ phát súng” mở màn cho tuần ngoại giao quan trọng này bằng cách “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng của Ukraine về một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Kiev.
“Một ngày nào đó người Ukraine có thể là người Nga, hoặc một ngày nào đó có thể họ không phải là người Nga”, ông Trump nói trên Fox News hôm 10/2.
Các nhà lãnh đạo châu Âu kể từ đó đã giữ im lặng trước những tuyên bố của ông Trump.
"Hiện có nhiều tuyên bố khác nhau được đưa ra, điều quan trọng là phải thấy một kế hoạch cụ thể rất rõ ràng", Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Sprūds cho biết ngày 12/2. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã né tránh vấn đề này khi được CNN chất vấn tại cuộc họp báo trước hội nghị thượng đỉnh, chỉ lưu ý rằng: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với nhóm của Tổng thống Trump ở mọi cấp độ, và đây là những cuộc trò chuyện rất tốt".
Nhưng việc phối hợp với các đồng minh có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump. Chỉ sau một đêm, NATO đã xoay chuyển quan điểm của mình, từ chính sách đã từng nêu rằng, Ukraine đang trên “con đường không thể đảo ngược” để trở thành thành viên, sang tuyên bố thẳng thừng của Bộ trưởng Hegseth: “Mỹ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán".
![capture(2).jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/13/capture(2).jpg)
Một số người đồng cấp châu Âu của ông đã cố gắng lập luận rằng, hai quan điểm này không hề xung đột.
“Chúng tôi là một liên minh NATO, mà ông Hegseth cũng đã đưa ra cam kết chắc chắn nhất có thể, luôn rõ ràng rằng, vị trí chính đáng của Ukraine nằm trong NATO” - Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết.
Tuy nhiên, ông Healey đã né tránh câu hỏi của CNN về việc liệu bình luận của ông Hegseth có bị xem là đầu hàng Moskva hay không, thay vào đó, ông Healey cho rằng: “Đó là một quá trình sẽ mất thời gian”.
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cũng chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng, tuyên bố của người đồng cấp Mỹ Hegseth không có khung thời gian cụ thể. "Những gì Pete Hegseth nói là kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình, không thể là tư cách thành viên của NATO", ông lập luận. "Ông ấy không loại trừ khả năng một ngày nào đó Ukraine có thể trở thành thành viên của NATO".
Đồng minh châu Âu lúng túng
Matthew Savill - Giám đốc Khoa học Quân sự tại Viện Royal United Services - một nhóm nghiên cứu tại London, nhận định với CNN rằng: "Mỹ khá thảnh thơi khi hành động theo nhịp điệu của riêng mình, và để châu Âu cùng Ukraine tự giải quyết hậu quả".
Ông Savill cho hay: “Các nước châu Âu phải bắt nhịp với diễn biến hiện tại… Nếu họ nghĩ bất kỳ quan chức hay chính trị gia Mỹ nào sẽ nỗ lực hết mình vì châu Âu, thay mặt cho châu Âu, thì họ đang tự lừa dối mình”.
Trong số tất cả các tuyên bố làm xáo trộn hiện trạng từ chính quyền Tổng thống Trump, có một sự thật khó khăn mà châu Âu phải đối mặt. Đó là mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% đang ngày càng trở nên lỗi thời, dù 1/3 thành viên NATO thậm chí còn chưa đạt được cột mốc đó.
“2% là không đủ. Tổng thống Trump đã kêu gọi 5% GDP, và tôi đồng ý. Mỹ sẽ không còn dung thứ cho một mối quan hệ mất cân bằng, khuyến khích sự phụ thuộc nữa” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth nói.
Và sự cấp bách không chỉ đến từ Mỹ. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cho biết: “Nếu bám vào 2%, liên minh không thể tự bảo vệ mình trong 4 đến 5 năm. Điều quan trọng là chúng ta phải đáp ứng được việc tái vũ trang của Nga”.
Ở góc độ này, thật khó để tìm ra một bộ trưởng NATO nào không nói rằng họ đồng ý. Tuy nhiên, điều quan trọng là những gì họ thực sự sẽ làm.
"Chúng tôi đã nghe ông Hegseth kêu gọi các quốc gia châu Âu hành động. Chúng tôi có thể và chúng tôi sẽ làm", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Healey khẳng định.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh chỉ cam kết tăng chi tiêu từ mức 2,3% hiện tại lên 2,5% GDP mà không nêu rõ thời gian cụ thể.
Bị mắc kẹt giữa một Mỹ hứa hẹn sẽ "đánh đổi nguồn lực" khi ưu tiên Thái Bình Dương, và một nước Nga có ngành công nghiệp quốc phòng đang vượt trội hơn hẳn EU, đây có thể là thực tế mà các thành viên châu Âu của NATO không còn có thể ngồi yên được nữa.