Nên chọn màu của sự thật!
(Baonghean) - Tại phiên thảo luận vào ngày cuối cùng của tháng 10, hầu hết ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đều nhất trí với phương án nới trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP cũng như các phương án phát hành trái phiếu bổ sung với kỳ vọng vực dậy nền kinh tế.
(Baonghean) - Tại phiên thảo luận vào ngày cuối cùng của tháng 10, hầu hết ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đều nhất trí với phương án nới trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP cũng như các phương án phát hành trái phiếu bổ sung với kỳ vọng vực dậy nền kinh tế.
Kỳ vọng nhưng không tin tưởng lắm, bởi lẽ, nhiều đại biểu vẫn tỏ ra hết sức lo ngại về việc ngân sách phải bỏ tiền ra chi tiêu, trong khi thực trạng nền kinh tế chưa được đánh giá đúng mức, số liệu thống kê còn "ảo". Không ít ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa nhìn thấu đáo và đánh giá đúng mức độ ốm yếu của nền kinh tế.
Đơn cử như báo cáo vẫn cho rằng nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng năm nay cao hơn năm trước. Thế nhưng lại hụt thu ngân sách tới 63 nghìn tỉ đồng và Quốc hội buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là nới bội chi, tăng phát hành lượng lớn trái phiếu. Kinh tế tăng trưởng sao ngân sách lại hụt thu ở mức kỷ lục như vậy? Thật khó lý giải cho hợp lý. Cũng tương tự vậy, có đại biểu nói thẳng "Chính phủ khẳng định kinh tế phục hồi nhưng lại đề nghị tăng trần bội chi lên 5,3% để trả nợ là không thuyết phục. Theo luật Ngân sách, tăng bội chi chỉ dùng để cho đầu tư phát triển còn để trả nợ là không đúng". Đáng chú ý nhất là ý kiến của đại biểu tỉnh Lâm Đồng. Ông nói: "Nghe báo cáo của Chính phủ thấy màu hồng, nghe thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội chúng ta thấy màu xám còn nhân dân nói là màu tối".
Vậy màu nào mới là màu của sự thật đây? Điều này rất cần được làm rõ. Nếu không làm rõ thì dù có nâng trần bội chi lên bao nhiêu đi nữa cũng không giải quyết được vấn đề. Vì chi tiền thật vào các con số ảo rất khó mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu như muốn nói là không thể.
Tiền vẫn mất mà nền kinh tế vẫn “chậm hồi phục”. Trong khi đó, các nước trong khu vực cũng phải chịu những tác động xấu từ sự suy thoái của kinh tế toàn cầu như nước ta, nhưng đến nay họ đã hoàn toàn thoát khỏi sự trì trệ. Chọn màu nào để từ kỳ họp sau không còn tái diễn cảnh bàn giải pháp mà không thấy thực trạng, quyết chi tiền thật mà lại chỉ dựa trên những con số có thể ảo như hiện nay. Đương nhiên, việc nhìn nhận, đánh giá nền kinh tế có thể xuất phát từ các góc nhìn khác nhau nhưng cần phải chọn đúng góc nhìn xác thực nhất để đưa ra "phương thuốc" phù hợp cứu vãn nền kinh tế, hồi phục sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
Liệu các con số hôm nay đã đủ tin cậy hay chưa? Một khi số liệu không chính xác thì không thể hoạch định đúng được. Có lẽ vì thế mà việc tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước vẫn dẫm chân tại chỗ. Với hệ thống ngân hàng thì đã làm nhưng hiệu quả chưa rõ ràng. Còn nếu như chọn giải pháp trung hòa là nhồi cả ba màu vào làm một thì nên nhớ, theo nguyên tắc phối màu, pha màu trong hội họa thì cả ba gam màu “hồng, xám, tối” khi đặt sát nhau hay pha vào nhau thì đều cho ra tông màu tối. Trông vẫn rất ảm đạm.
Vì thế, chúng ta nên chọn màu của sự thật. Cho dù đó là màu gì thì nó vẫn khiến người ta yên tâm, tin tưởng vì đó là sự thật. Và một khi đã biết rõ sự thật thì chắc chắn sẽ giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Xin nhắc lại một lần nữa: nên chọn màu của sự thật!
Duy Hương