Thời sự

Nên đặt tên cho đơn vị hành chính như thế nào

Trần Mạnh Cường 19/04/2025 18:44

Với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, kéo theo việc phải thay đổi quản lý các đơn vị hành chính. Nên trong nhiều năm gần đây, xu hướng thay đổi địa danh đang diễn ra mạnh mẽ, thực sự đã tạo nên một thách thức lớn trong việc giữ hay bỏ nhiều địa danh có tuổi đời hàng trăm năm, với nội hàm văn hóa và nguồn gốc lịch sử sâu sắc.

Thành phố Vinh là địa phương có nhiều chung cư, nhà trọ cao tầng nhất trên địa bàn Nghệ An. Đặc biệt, các phường xung quanh Trường Đại học Vinh như Trường Thi, Bến Thủy, Trung Đô có nhiều dãy nhà trọ, nhà ở kết hợp cho thuê với lượng sinh viên, người lao động thuê đông đúc. Ảnh: Q.A

Chưa nói đến những yếu tố lịch sử và văn hóa, vấn đề này đã được Điều 6 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 nhấn mạnh: “bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Khoản 2 của Điều này cũng quy định: “Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp”.

Vì vậy, trước xin được khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch, đó là: duy trì sự ổn định và đảm bảo tính liên tục của địa danh.

Chọn tên gọi nổi tiếng hơn, có tính đại diện cao hơn

Trước đây, chúng ta đặt tên phân cấp huyện xã theo nguyên tắc “Phụ tử liên danh”, như: huyện Diễn Châu thì các xã đều bắt đầu chữ Diễn: Diễn Hải, Diễn Thành; huyện Quỳnh Lưu thì các xã đều bắt đầu chữ Quỳnh: Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu… Ví như trường hợp 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, chúng ta giữ chữ “Quỳnh”, sau đó, tên gọi nào nổi tiếng hơn, có tính đại diện sâu rộng hơn thì lựa chọn tên gọi đó. Đặc biệt, với lựa chọn này rõ ràng còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức thay đổi giấy tờ thủ tục… bởi 1 xã vẫn giữ nguyên còn mấy xã khác phải cần làm lại.

Trung tâm thị trấn Diễn Thành. Ảnh: Tư liệu
Trung tâm thị trấn Diễn Thành (Diễn Châu). Ảnh: Tư liệu

Trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, việc lựa chọn tên gọi mới là vấn đề hết sức quan trọng, cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhiều tiêu chí. Trước hết, cần tuân thủ nguyên tắc duy trì tính kế thừa và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Việc chọn tên không đơn thuần là một thủ tục hành chính, mà còn là cách để gìn giữ và tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu của địa phương.

Khi xem xét các phương án đặt tên, cần ưu tiên những địa danh có độ nhận diện cao trong cộng đồng, gắn liền với những giá trị tiêu biểu của địa phương. Điều này thể hiện qua ba tiêu chí chính: giá trị lịch sử - văn hóa, tính đại diện, và mức độ phổ biến trong cộng đồng.

Về giá trị lịch sử - văn hóa, nên ưu tiên những tên gọi gắn với di tích lịch sử quan trọng, những sự kiện lịch sử tiêu biểu hoặc những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Tên gọi được chọn cần có khả năng phản ánh được đặc trưng của vùng đất và con người, đồng thời bao quát được các đặc điểm về địa lý, kinh tế, văn hóa của khu vực.

Đường về làng Quỳnh Đôi - một ngôi làng có truyền thống hiếu học nổi tiếng khắp cả nước. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An
Đường về làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Một ví dụ là trường hợp phường Trường Thi. Đây là địa danh có từ lâu đời, gắn liền với truyền thống khoa bảng, văn hóa học tập và lịch sử phát triển của tỉnh Nghệ An xưa. Việc giữ tên "Trường Thi" không chỉ tôn vinh được giá trị lịch sử đặc trưng mà còn thể hiện được bản sắc riêng của địa phương.

Cách tiếp cận này mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Về mặt kinh tế, việc giữ lại tên có tính đại diện cao giúp tiết kiệm đáng kể chi phí thay đổi giấy tờ hành chính, biển báo và các chi phí liên quan khác. Về mặt quản lý, người dân dễ dàng thích nghi với tên gọi quen thuộc, giảm thiểu xáo trộn trong công tác hành chính. Đặc biệt, điều này còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn những địa danh có giá trị lịch sử, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.

Việc lựa chọn tên gọi cho đơn vị hành chính mới cần được thực hiện một cách khoa học, cẩn trọng, đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu quản lý hành chính và mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Điều này không chỉ tạo thuận lợi trong công tác quản lý mà còn góp phần tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử và truyền thống văn hóa địa phương.

Tại huyện Con Cuông sẽ thành lập thị trấn Trà Lân từ ngày 1/12/2024 trên cơ sở nhập một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã Chi Khê và toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số xã Bồng Khê, thị trấn Con Cuông hiện tại. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Trung tâm thị trấn Trà Lân (Con Cuông). Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trở về tên gọi cổ: Giữ gìn giá trị lịch sử trong đặt tên đơn vị hành chính

Việc trở về tên gọi cổ trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là hoài cổ, mà còn là cách bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc của địa phương. Tên gọi cổ thường chứa đựng những ý nghĩa triết lý, văn hóa và lịch sử đặc trưng của vùng đất, được tích lũy qua hàng trăm năm. Điều này được thể hiện rõ qua nhiều trường hợp cụ thể tại các địa phương.

Đặc biệt, về bản chất, việc nhập xã chính là sự tái lập mô hình Tổng xưa kia, một cách sắp xếp hành chính đã từng tồn tại và vận hành trong lịch sử. Đây không chỉ là một sự trùng hợp, mà còn phản ánh chu kỳ vận động khách quan của cơ cấu hành chính: mở rộng – thu hẹp, phân tách – hợp nhất, tất cả đều nhằm phù hợp với nhu cầu quản lý của từng thời kỳ.

Tại Nam Đàn, Nghệ An, việc sáp nhập 3 xã: Nam Trung, Nam Cường, Nam Phúc là một ví dụ điển hình về việc bỏ lỡ cơ hội khôi phục tên gọi cổ có ý nghĩa. Ba xã này có vùng trung tâm văn hóa tinh thần là xã Nam Trung với tên gọi cổ xưa là "Trung Cần" - vốn lấy từ câu "Sĩ quý trung cần, nữ quý trinh thuận". Thay vì khôi phục tên gọi cổ giàu ý nghĩa này, việc ghép ba chữ phụ thành "Trung Phúc Cường" đã tạo ra một tên gọi rườm rà và thiếu chiều sâu văn hóa.

Đình Trung Cần, một trong 4 di tích cấp Quốc gia tại xã Trung Phúc Cường
Đình Trung Cần, một trong 4 di tích cấp Quốc gia tại xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn). Ảnh: Tiến Đông

Tương tự tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, ba xã Song Lộc, Trường Lộc, Kim Lộc vốn thuộc tổng "Lai Thạch" - một địa danh xuất hiện nhiều trong nhiều tác phẩm văn học - địa dư nổi tiếng. Việc đặt tên mới là "Kim Song Trường" thay vì khôi phục tên gọi cổ đã làm mất đi một phần giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất.

Qua hai trường hợp trên, chúng ta nhận thấy phần lớn việc sáp nhập thường diễn ra với 2-3 xã và đặc biệt, những xã này thường nằm trong cùng một tổng thời xưa. Vì vậy, việc lấy tên tổng cổ để đặt tên cho xã mới sau khi sáp nhập là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý và có ý nghĩa sâu sắc.

Nhiều địa phương còn lưu giữ những tên gọi cổ có giá trị. Tại huyện Diễn Châu, xã Diễn Thọ và Diễn Lộc xưa có tên là La Hoàng; xã Diễn An và Diễn Trung có tên là Hương Ái; xã Diễn Bích và Diễn Ngọc có tên là Hoa Lũy. Tại Thanh Chương có những địa danh cổ như: Cát Ngạn, Thổ Hào, Bích Triều, và việc đặt tên xã mới là Đại Đồng - theo tên tổng xưa - sau khi sáp nhập ba xã Thanh Hưng, Thanh Văn và Thanh Tường là một ví dụ tích cực về việc khôi phục tên gọi cổ.

Một góc làng Văn Thượng, xã Đại Đồng (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên
Một góc làng Văn Thượng, xã Đại Đồng (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên

Đô Lương có những địa danh cổ giá trị như: Lãng Điền, Thuần Trung, Bạch Hà, đặc biệt là Bạch Ngọc - vốn là đất cũ của ba xã Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn và từng là trấn lỵ của Nghệ An thời nhà Lý. Yên Thành có các địa danh cổ nổi tiếng như: Vân Tụ, Đông Thành, Thái Xá, Quan Trung. Hưng Nguyên có Thông Lãng, Đô Yên, Văn Viên, và Nghi Lộc có Đặng Xá, Yên Trình, Thượng Xá.

Việc trở về tên gọi cổ trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính là một hướng đi đúng đắn, khoa học và có ý nghĩa sâu sắc. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu mà còn tạo nên sự kết nối mạch lạc giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại trong công cuộc phát triển của đất nước. Đồng thời, việc này còn giúp tránh tình trạng đặt tên mới một cách gượng ép, thiếu chiều sâu văn hóa như đã xảy ra ở một số địa phương.

Cách đặt tên đơn vị hành chính mới theo số thứ tự

Mới đây, một số địa phương đề xuất áp dụng cách đặt tên mới theo kiểu đánh số thứ tự sau khi sáp nhập và bỏ cấp huyện. Điển hình như việc đặt tên Con Cuông 1, Con Cuông 2 hay phường Vinh 1, Vinh 2… Cách đặt tên này là một cách tiếp cận khá mới mẻ, dù còn tồn tại nhiều hạn chế.

Hạn chế lớn nhất của cách đặt tên này là làm mất đi hoàn toàn giá trị văn hóa và lịch sử vốn có của địa phương, như đã phân tích ở trên. Những tên gọi cổ, vốn chứa đựng cả một quá trình lịch sử, những câu chuyện văn hóa đặc sắc của vùng đất, sẽ dần bị lãng quên theo thời gian. Ví dụ như việc đặt tên Con Cuông 1, Con Cuông 2 thay vì giữ lại những tên gọi có ý nghĩa như: Trà Lân, Đôn Phục, Bình Chuẩn… đã làm mất đi cơ hội bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá của địa phương.

Quang cảnh thị trấn Anh Sơn. Ảnh: QD
Quang cảnh thị trấn Anh Sơn. Ảnh: Quang Dũng

Bên cạnh đó, việc đặt tên theo số còn tạo ra sự đồng nhất, nhàm chán trong hệ thống địa danh, không phản ánh được đặc điểm riêng của từng vùng. Điều này khiến cho việc phân biệt các khu vực trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với người ngoài địa phương. Khi các con số không phản ánh được vị trí địa lý hay đặc điểm văn hóa, việc định hướng và tìm hiểu về một khu vực trở nên phức tạp hơn.

Về mặt tâm lý cộng đồng, cách đặt tên này có thể làm giảm đi cảm giác gắn kết của người dân với quê hương. Tên gọi truyền thống thường gắn liền với ký ức, tình cảm và niềm tự hào của người dân về vùng đất họ sinh sống. Khi những tên gọi này bị thay thế bằng con số, mối liên kết văn hóa giữa các thế hệ cũng có nguy cơ bị đứt gãy.

Tuy nhiên, ở một mặt khác, lại không thể phủ nhận những ưu điểm nhất định của cách đặt tên này trong công tác quản lý hành chính. Việc đánh số tạo ra tính hệ thống, dễ dàng trong việc sắp xếp và quản lý. Đây là cách tiếp cận đơn giản, dễ nhớ, dễ gọi và tránh được những tranh cãi không cần thiết trong việc chọn tên gọi mới. Nó cũng phù hợp với xu hướng đô thị hóa và số hóa trong quản lý hành chính, tương tự như cách đặt tên ở nhiều nước phát triển.

số hóa trong quản lý hành chính
Cách đặt tên theo số cũng phù hợp với xu hướng đô thị hóa và số hóa trong quản lý hành chính. Ảnh minh họa: Tư liệu

Để khắc phục những hạn chế mà vẫn giữ được ưu điểm của việc đánh số, có thể áp dụng cách tiếp cận kết hợp. Thay vì chỉ đơn thuần đặt "Con Cuông 1", có thể sử dụng hình thức "Phường Trà Lân (Khu vực 1)". Cách này vừa giữ được tên gọi truyền thống có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, vừa đáp ứng được yêu cầu về quản lý hành chính hiện đại.

Việc đặt tên đơn vị hành chính cần được xem xét một cách toàn diện, có chiến lược lâu dài và phù hợp với từng vùng miền. Với khu vực đô thị mới, việc đặt tên theo số có thể chấp nhận được. Nhưng với những vùng có giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng, việc giữ gìn tên gọi truyền thống là điều cần được ưu tiên. Điều quan trọng là cần có sự tham vấn của các chuyên gia văn hóa, lịch sử và đặc biệt là ý kiến của người dân địa phương - những người gắn bó trực tiếp với vùng đất đó.

Đôi điều trăn trở

Chúng ta thấy rằng không có bất kỳ một phương án nào đạt được sự đồng thuận 100%. Giữ nguyên tên cũ vì lịch sử và trầm tích văn hóa lâu đời thì nhiều người ở địa phương khác cũng không thuận lòng, vì họ cũng yêu quý tên gọi từng gắn bó với bao kỷ niệm, dù cho không bằng những cái tên khác.

Chính điều này đã gây ra sự rắc rối lớn và cho thấy tính cục bộ của nội tại ở địa phương. Bởi địa phương nào cũng muốn giữ một tên mình trong đó, và khi hai bên không đồng thuận được với nhau thì khiến cho cả 2 – 3 cái tên đều bị biến mất, thay vào đó là một tên gọi mới không có liên quan tới tên gọi cũ, mà phần nhiều ý nghĩa chỉ mang tính chất võ đoán.

Quỳ Châu là vùng lõi của văn hóa Phủ Quỳ, vì vậy còn giữ được nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo mang bản sắc riêng. Ảnh: Nguyễn Đạo
Quỳ Châu là vùng lõi của văn hóa Phủ Quỳ, vì vậy còn giữ được nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo mang bản sắc riêng. Ảnh: Nguyễn Đạo

Nhiều ý kiến còn cho rằng trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm, Quốc hiệu của nước ta cũng đã nhiều lần thay đổi. Rồi nhiều thành phố lớn cũng đã biến mất trong các tên gọi hành chính chính thức. Chính vì vậy việc thay đổi tên gọi thực sự không phải là vấn đề đáng phải quan tâm. Tuy nhiên, những tên gọi như thế là tên gọi quốc gia hay một địa phương lớn bậc nhất cả nước, nên dù không còn là tên gọi hành chính chính thức nó vẫn không bị mất đi. Điều này khác với tên làng, mà đặc biệt là tên xã - đơn vị hành chính thuộc cấp thấp nhất ở khu vực nông thôn, ngoại thành, ngoại thị của Việt Nam hiện nay.

Chính vì vậy, việc giữ lại địa danh cũ và bảo vệ ký ức lịch sử là vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm, bởi bảo vệ và sử dụng văn hóa địa danh giúp lưu giữ tình cảm và ký ức xứ sở quê hương cội nguồn của bao thế hệ. Việc làm này duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa, và tính liên tục của đời sống kinh tế xã hội. Nếu không, một lần nữa chúng ta lại rơi vào trường hợp văn hóa truyền thống bị đứt gãy.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Nên đặt tên cho đơn vị hành chính như thế nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO