Nên khuyến khích văn hóa từ chức với người có từ 2/3 tổng số ĐBQH, HĐND đánh giá 'tín nhiệm thấp'

Thành Duy - Thu Nguyễn 30/05/2023 19:40

(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến của Thiếu tướng Trần Đức Thuận khi thảo luận tại Tổ 3, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nghệ An, Bắc Kạn và Bạc Liêu, chiều 30/5.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, các ĐBQH trong tổ đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước khi thảo luận tổ, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội để nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu thảo luận, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhằm thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Trên cơ sở đó, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng đã nêu ý kiến một số nội dung liên quan đến nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; đặc biệt là về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) đã cụ thể hóa rất rõ các nội dung người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo, gồm báo cáo kết quả hoạt động kèm kê khai tài sản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Thanh Long

Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích, đối tượng được Quốc hội và HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm gồm người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Thiếu tướng Trần Đức Thuận đề nghị, đối với những đối tượng do Quốc hội và HĐND phê chuẩn cần có thêm báo cáo của cơ quan quản lý trực tiếp, để phát huy vai trò, trách nhiệm đánh giá của người quản lý trực tiếp; bên cạnh các báo cáo theo dự thảo Nghị quyết quy định.

Cùng với đó, cho rằng cán bộ bây giờ được đánh giá đa chiều, theo đó tất cả quy trình nhận xét đều có ý kiến sinh hoạt nơi cư trú, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần phải có nhận xét của nơi cư trú về đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tính nhiệm để “vừa cung cấp các thông tin rất cụ thể để ĐBQH có nhận xét, đánh giá sát; đồng thời qua đó để các vị này có liên hệ thường xuyên, gần gũi hơn nơi cư trú”.

Liên quan đến quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, Tướng Thuận nhận định, dự thảo lần này có nhiều đổi mới, cụ thể, rất rõ ràng. Ông cũng đề nghị đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì nên khuyến khích người đó từ chức; không nên thực hiện quy trình như trong dự thảo quy định là “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất”; qua đó khuyến khích văn hóa từ chức.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Thanh Long

Thảo luận về nội dung trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An cho rằng, để việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được hiệu quả thì thông tin về những người được lấy phiếu tín nhiệm là quan trọng nhất. Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất dự thảo Nghị quyết bổ sung nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp thông tin về việc thực hiện công tác xây dựng chính sách, pháp luật của những người được lấy phiếu tín nhiệm để có thêm cơ sở thông tin giúp ĐBQH đánh giá.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Thanh Long

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đồng tình cao việc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, được ban hành từ năm 2017.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Thanh Long

Cho rằng, việc ban hành Nghị quyết mới về TP. Hồ Chí Minh tại thời điểm này rất cần thiết và phù hợp; nếu chậm hơn thì sẽ mất nhiều cơ hội để Thành phố phát triển xứng đáng với vai trò, vị thế và trọng trách được Trung ương giao, vị đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị, các chính sách mới dành cho TP. Hồ Chí Minh cần mang tính đột phá mạnh mẽ, vượt trội, có sức nặng, xứng tầm; đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó, cơ chế đột phá cần đi đôi với năng lực, khả năng quản lý, điều hành, kiểm soát; đảm bảo tính minh bạch, lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh, mà còn mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng, miền và cả nước; nhất là với các tỉnh, thành có cơ chế đặc thù.

Đại biểu cũng cho rằng, cần phải tăng cường phân cấp, phân quyền, đi kèm với đề cao trách nhiệm; cần có cơ chế tăng cường sự giám sát của nhân dân; cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm; bổ sung quy định về tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện; đặc biệt là cơ chế giám sát của nhân dân, với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, theo nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng cho rằng: Các điều kiện, quyền lợi của người dân phải được công khai, minh bạch; có các quy định cụ thể để tăng tính đồng thuận của nhân dân và hạn chế tối đa việc khiếu nại, khiếu kiện của người dân.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Thanh Long

Kết luận phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An tổng hợp, nhấn mạnh, trao đổi thêm các ý kiến quanh dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Nên khuyến khích văn hóa từ chức với người có từ 2/3 tổng số ĐBQH, HĐND đánh giá 'tín nhiệm thấp'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO