Nên nghĩ thế nào?

12/08/2012 16:56

(Baonghean) Sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận 2 vấn đề cần sửa đổi trong Luật Hôn nhân gia đình:


1/ Hạ tuổi kết hôn: Trai 18 tuổi, gái 16 tuổi là có quyền kết hôn hợp pháp.


2/ Công nhận và ban hành Luật Hôn nhân đồng tính?


Về tuổi kết hôn, người xưa có câu "Nữ thập tam, nam thập lục". Trên thực tế trong xã hội Việt Nam xưa và một số địa phương thuộc đồng bào các dân tộc hiện nay, việc kết hôn khi cô dâu mới ở tuổi 13 là không hiếm! Các nhà khoa học nói rằng, ở tuổi 13, cơ thể phụ nữ phát triển chưa đầy đủ, chưa toàn diện để sΩn sàng cho việc mang thai nên có thể dẫn đến những hậu quả xấu cho cả mẹ và con khi sinh nở. Tất nhiên, Luật Hôn nhân gia đình của ta coi kết hôn ở tuổi 13 là tảo hôn, là phạm luật. Còn tuổi 16 thì sao?


Ta thấy ngay ở tuổi 16, nam hay nữ giỏi lắm cũng chỉ mới đủ thời gian để học hết cấp phổ thông trung học. Vậy nếu kết hôn ở tuổi 16 của nữ, 18 của nam việc học hành để có kiến thức cao hơn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, ở tuổi 16, 18, thanh niên nam nữ chưa có việc làm, chưa độc lập tự chủ được về kinh tế mà đã lập gia đình, sinh con đẻ cái thì ắt là phải đối diện với sự nghèo khó. Luật có thể không cấm, nhưng tùy vào quan niệm về tình yêu, về hạnh phúc của mỗi người mà có cách lựa chọn thích hợp. Có người nói sở dĩ phải sửa luật, phải hạ độ tuổi kết hôn xuống là để góp phần hạn chế tình trạng nạo phá thai tràn lan hiện nay.

Theo tôi nghĩ, việc nạo phá thai thuộc về kiến thức giới tính, kiến thức tình dục chứ không hẳn là chỉ thuộc vấn đề của Luật Hôn nhân gia đình. Dẫu luật sửa đổi hay không sửa đổi, vấn đề quan trọng nhất vẫn thuộc về sự sáng suốt, tự chủ của mỗi người trong việc lựa chọn thời điểm quyết định hôn nhân của bản thân mình. Tất nhiên là phải kết hôn đúng luật. Luật quy định 16 tuổi với nữ, 18 tuổi với nam chỉ là để xác nhận những người kết hôn ở tuổi đó là không tảo hôn, không phạm luật mà thôi. Sự suy nghĩ và vận dụng luật pháp vào hoàn cảnh riêng của mỗi người vẫn là quan trọng nhất! Tôi nghĩ, thanh niên nam nữ nên tập trung cố gắng học hành cho có kiến thức khoa học kỹ thuật, tìm kiếm việc làm cho có thu nhập kinh tế rồi hãy tính đến chuyện kết hôn, chuyện thành lập gia đình thì tốt hơn. Cha ông ta xưa có câu "Làm trai chí ở cho bền - Chớ lo muộn vợ, chớ phiền muộn con". Ngày nay, câu ca đó không chỉ dành riêng cho kẻ làm trai mà các bạn nữ cũng cần học hành cần độc lập kinh tế cần bình đẳng gia đình, do đó không nên đặt việc lo muộn con muộn chồng lên trên những yêu cầu thiết thân đó.


Hôn nhân đồng tính là vấn đề cực kỳ mới mẻ trong nhận thức về khái niệm hôn nhân gia đình ở Việt Nam. Ngay thời điểm này, ở nước Mỹ cũng chỉ có luật pháp một số bang công nhận sự hợp pháp của hôn nhân đồng tính, Tổng thống Obama thì "đang suy nghĩ" nên vấn đề đó chưa có sự công nhận của luật pháp toàn liên bang. Đấy là nói chuyện nhận thức, ý thức, còn thực tế thì sao? Từ thời thượng cổ, loài người sinh ra đã có 3 loại quan hệ giới tính: Quan hệ nam-nữ, quan hệ nam-nam, quan hệ nữ-nữ. Riêng về việc hôn nhân gia đình, xã hội loài người nói chung từ xưa tới nay chỉ công nhận mỗi quan hệ nam-nữ, vì quan hệ đó liên quan đến việc sinh con đẻ cái, còn hai quan hệ kia thì không.

Như vậy, xét cho cùng, khái niệm gia đình trong luật chỉ bó hẹp trong quan niệm sinh con đẻ cái, còn những thực tế khác, những nguyện vọng khác thuộc quyền sống rất tự nhiên của con người thì luật chưa quan tâm đến. Chẳng hạn như vấn đề sống chung, vấn đề tài sản của hai người cùng giới tính khi sống chung, khi chia tay, và nói thẳng ra là vấn đề tình dục nữa... Hiện tại, những người đồng tính ở nhiều nước trên thế giới đang phải sống lén lút, chui lủi rất tội nghiệp, bởi vì nước họ chưa có luật và chưa công nhận sự tồn tại của hôn nhân đồng tính. Ngay những nước lớn như nước Nga chẳng hạn, ngày ở đó tôi thấy dân Nga rất ghê tởm đối với những người đồng tính. Nhiều người Nga thấy một đôi nam-nam hay một đôi nữ-nữ đi vào khách sạn thì quay mặt xì xèo hoặc nhổ nước bọt! Không bao giờ những người kỳ thị đồng tính tự hỏi xem những người đồng tính có lỗi gì? Và họ có quyền được hưởng mọi niềm vui, mọi hạnh phúc như tất cả mọi người trên thế gian này không?


Ủng hộ Luật Hôn nhân đồng tính là ủng hộ nhận thức mới, ủng hộ quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người, đồng thời là một tuyên ngôn về ý thức nhân quyền nhân văn, nhân đạo của chúng ta trước toàn thế giới! Hoan nghênh Quốc hội đã đặt vấn đề mới mẻ này ra rất đúng lúc để mọi người cùng suy nghĩ và cùng thảo luận.


Thạch Quỳ

Nên nghĩ thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO