Nên sớm đồng thuận vì lợi ích chung!

(Baonghean) - Nâng mức hỗ trợ sản xuất cho các hộ dân liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ từ 5 vụ lên 10 vụ (5 năm), tiến hành rà soát những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ... là những quyết định mang tính chất kịp thời, đảm bảo an sinh của Ban Thường vụ Thị ủy Thái Hòa trong buổi đối thoại cuối cùng với các hộ dân diện ảnh hưởng GPMB cụm CN Nghĩa Mỹ diễn ra vào sáng 6/7.

Đa số đồng tình cao với chủ trương chung

Trước khi diễn ra buổi đối thoại cuối cùng vào sáng 6/7, đã có 22 hộ thống nhất phương án, nhận tiền hỗ trợ và tiến hành sản xuất, theo đó UBND thị xã đã trao Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho bà con. 

Kiểm tra lúa vụ mùa của các hộ đã nhận bàn giao đất đổi để sản xuất  trên cánh đồng Dớt.
Kiểm tra lúa vụ mùa của các hộ đã nhận bàn giao đất đổi để sản xuất trên cánh đồng Dớt.

Mỗi dự án thu hồi đất tại mỗi địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đều đã được quy định để có phương án bồi thường theo luật định. Đối với xã Nghĩa Mỹ, khi quỹ đất đang còn thì việc thực hiện phương án "đất đổi đất" là hoàn toàn phù hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, nêu rõ “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.

Rõ ràng, người nông dân phải có tư liệu sản xuất đó là đất đai thì mới đảm bảo được cuộc sống bền vững, lâu dài. Bài học trả giá trong quá trình thu hồi đất với việc thực hiện đền bù người dân bằng tiền mặt dẫn đến người nông dân không còn tư liệu sản xuất, đã xảy ra quá nhiều hệ lụy, tệ nạn không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn trong vùng dân cư và cả xã hội. 

Người dân phát biểu tại cuộc đối thoại sáng 6/7.
Người dân phát biểu tại cuộc đối thoại sáng 6/7.

Buổi đối thoại giữa Ban Thường vụ Thị ủy Thái Hòa với đại diện của 27 hộ dân thuộc 2 xóm Yên Thọ và Xuân Thọ đã có phần giảm "nóng" hơn so với 6 lần đối thoại trước. Có 20 ý kiến đại diện các hộ phát biểu tại cuộc đối thoại, tất cả đều đồng tình cao với chủ trương giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy, tạo bước chuyển mạnh về kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều bà con mong muốn đó là thị xã, ngoài phương án "đất đổi đất" thì có phương án chi trả bằng tiền bởi lý do hoàn cảnh người thân trong gia đình đau yếu, bệnh tật già cả, không có khả năng sản xuất, vùng đồng Dớt đất xấu, xa nơi ở... Ông Hồ Văn Hòa, xóm Yên Thọ nói: "Tôi đồng tình với chủ trương đưa nhà máy về, tuy nhiên tôi băn khoăn bởi vùng đất được đổi vừa xa, vừa xấu. Nếu có phương án nhận tiền đền bù thì tốt hơn"; chị Nguyễn Thị Xuân, cũng ở xóm Yên Thọ bày tỏ: "Đồng ý với việc đưa công nghiệp về quê hương, song do hoàn cảnh gia đình có chồng ốm đau bệnh tật nên đền bù bằng tiền thì sẽ thực sự giúp đỡ gia đình trong hoàn cảnh hiện tại...".

Đa phần các ý kiến đều đã nhận thấy việc thực hiện phương án "đất đổi đất" là hoàn toàn đúng luật, thì vẫn còn đại diện một số hộ dân thể hiện thái độ cực đoan chỉ chấp nhận phương án bồi thường bằng tiền và còn cho hay sẽ khiếu nại lên các cấp...

Tại thị xã Thái Hòa cũng đã có một số dự án khi triển khai phương án thu hồi đất một số người dân đã không đồng tình, thậm chí chống đối, đơn thư, tạo ra điểm nóng, gây khó khăn cho tiến độ triển khai dự án. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An thuộc địa bàn xã Đông Hiếu. Để GPMB 49 ha, với 53 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc xóm Đông Thành, thị xã Thái Hòa đã mất rất nhiều thời gian, công sức.

Thế nhưng, từ khi dự án đi vào hoạt động, các hộ dân của xóm Đông Thành đời sống đã thực sự đổi khác, bộ mặt nông thôn mới, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và bà con về phương thức sản xuất, làm ăn ngày càng hiệu quả. Anh Hồ Xuân Thảo, xóm Đông Thành bây giờ đã trở thành công nhân cho trang trại bò sữa Vinamilk với thu nhập ổn định, ngoài ra gia đình anh còn nhận khoán 2,7 ha đất của trang trại trồng cỏ mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Bây giờ, nhắc đến giai đoạn đầu khi chưa đồng tình chủ trương thu hồi đất triển khai dự án, anh không khỏi hối hận. Anh Thảo chia sẻ: “Việc chậm trễ trong việc triển khai dự án bò sữa Vinamilk một phần có lỗi của tôi”. Hiện ở Đông Thành sự gắn kết giữa doanh nghiệp và bà con nông dân trong sản xuất đã xuất hiện một số tỷ phú nuôi bò sữa như gia đình chị Nguyễn Thị Lộc, anh Trần Văn Phúc...

Đã đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu

Có thể nói việc thị xã Thái Hòa thống nhất, nhất quán phương án "đất đổi đất" trong quá trình thực hiện GPMB cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Việc tiến hành ngay việc xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng vùng cánh đồng Dớt để các hộ dân sau khi dân đồng tình nhận đất có thể sản xuất ngay và cùng với đó được hỗ trợ cày ải, cải tạo đất, hỗ trợ phân bón từ 5 vụ lên 10 vụ và hỗ trợ 1 vụ về giống... đã cho thấy sự vận dụng linh hoạt cơ chế tối đa, sự quan tâm đặc biệt đến an sinh của bà con.

Và với việc quy hoạch diện tích đất công ích đồng hạng tại cánh đồng Dớt cho thấy việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng là đúng quy định Luật Đất đai năm 2013. Để giúp nhân dân hiểu những quy định của pháp luật, căn cứ trên tình hình thực tiễn địa phương, thị xã Thái Hòa đã thành lập 6 tổ công tác trực tiếp xuống vận động nhân dân theo phương châm "kiên trì, kìm chế, vận động, thuyết phục" và đồng thời tổ chức đến 7 cuộc đối thoại quy mô, tính chất tăng lên theo từng cấp độ. Sự vào cuộc tích cực này đã có 25 hộ nhận đất thực địa, nhận tiền hỗ trợ, lập phương án sản xuất trên vùng đất mới kịp thời vụ.

Ý kiến Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự về vấn đề GPMB CCN Nghĩa Mỹ:   

- Về mặt xã hội: Các hộ dân tại xã Nghĩa Mỹ đã đồng thuận cao với chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc thực hiện dự án này không những góp phần mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn giải quyết được những vấn đề nhức nhối trong xã hội như: Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân đồng thời phát triển kinh tế vùng và mang lại những lợi ích thiết thực khác trong đời sống của người dân trong vùng. Thực tiễn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã chứng minh điều đó.

- Về mặt pháp lý: UBND thị xã Thái Hòa đã thực hiện đúng, đầy đủ các trình tự, thủ tục để tiến hành giải phóng mặt bằng nhằm thực hiện Dự án Nhà máy may Hàn Quốc. Việc bồi thường bằng đất hay bằng tiền, phần lớn người dân đều đã ủng hộ và nhất trí với phương án là “đất đổi đất” (và được hỗ trợ một phần để ổn định sản xuất), nhưng cũng có một số người dân mong muốn được hỗ trợ bằng tiền vì nhiều lí do khác nhau như ốm đau, bệnh tật, già cả ốm yếu… nên không thể sản xuất được, do vậy, họ không đồng tình với phương án “đất đổi đất” mà chỉ đồng ý bàn giao đất khi thực hiện việc bồi thường bằng tiền mặt. Do vậy, nếu họ không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, sau ngày 12/7 họ sẽ bị cưỡng chế để thu hồi. 

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 71, Luật Đất đai 2013 quy định Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất: “Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục”. Do vậy, nếu những hộ dân không đồng tình với phương án trên, họ vẫn phải chấp hành quyết định cưỡng chế. 

Khoản 2, Điều 74, Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, thì “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. 

Có mặt tại cánh đồng Dớt, vào thời điểm bà con đang khẩn trương xuống giống vụ mùa. Trên diện tích gần 2 ha mà 22 hộ đã nhận bàn giao, trên mỗi thửa, lúa đã bén rễ, màu xanh đã nhuốm trên đồng. Theo con mương bám giao thông nội đồng, dòng nước từ sông Sào đã chảy tới mỗi chân ruộng, kịp tưới mát cho những diện tích đã xuống giống.

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa đã xuống giống tại cánh đồng Dớt, ông Trương Đình Tống, ở xóm Yên Thọ cho biết: "Toàn bộ diện tích 2,8 sào tôi đều cấy giống BC 15 của Công ty giống Thái Bình. Nhờ có nguồn nước tưới dồi dào nên lúa mới cấy hơn 10 ngày đã bén rễ lên xanh". Được biết, ông Tống là hộ đầu tiên chấp nhận phương án "đất đổi đất", bởi theo ông vì 3 lý do: Thứ nhất là cánh đồng Dớt địa thế khá bằng phẳng và chủ động được nguồn nước tưới; thứ hai là có sự hỗ trợ của thị xã (ông đã nhận đợt 1 được 13,7 triệu đồng tiền cày, cải tạo đất và phân bón) và cuối cùng là sự nhanh chóng bàn giao mặt bằng thì nhà máy xây dựng càng nhanh sẽ tạo việc làm, dịch vụ phát triển. Cạnh ruộng ông Tống, ông Trương Đình Hưng, xóm Yên Thọ, có diện tích đất đổi hơn 2 sào cũng đã xuống giống Hương thơm, ruộng lúa đã bén rễ.

Đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân bị ảnh hưởng trong điều kiện thu hồi đất, GPMB, nhưng rõ ràng thị xã Thái Hòa không thể làm trái với quy định của luật. Do vậy, rất cần sự chia sẻ của các hộ dân còn lại để đồng tình với phương án đã đưa ra, để nhân dân nhanh chóng vào vụ sản xuất, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để xây dựng.

Nhà máy mọc lên bao quanh bởi cánh đồng lúa xanh tốt tạo nên cuộc sống ổn định, bền vững cho nhân dân. Cơ hội về việc làm cho con cháu, dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ sẽ tạo nên bức tranh kinh tế đa dạng phát triển ở Nghĩa Mỹ trong nay mai. Sự đồng thuận của bà con ngay từ bây giờ khi chưa vượt qua "giới hạn cho phép", đang là sự mong đợi không chỉ của địa phương mà của cả tỉnh để thị xã thái Hòa có bước phát triển mới, nâng tầm thực hiện đạt định hướng Trung tâm kinh tế - du lịch - dịch vụ vùng Tây Bắc.

Ngay sau cuộc đối thoại, đã có thêm 3 hộ đồng ý với phương án nhận đất gồm: hộ Trương Trọng Thọ, xóm Xuân Thọ; hộ Nguyễn Văn Màn, xóm Yên Thọ và hộ Hồ Trung Chiến, xóm Xuân Thọ. 

Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa ông Hoàng Phú Hiền: Việc thực hiện GPMB mà thị xã đang triển khai tại Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ là theo đúng quy định của pháp luật, chỉ có một phương án duy nhất là bồi thường bằng đất sản xuất, trên cơ sở thực hiện những quy định hỗ trợ cải tạo đất, hỗ trợ sản xuất... Thị xã sẽ xem xét có chính sách hỗ trợ đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trích ngân sách hỗ trợ sản xuất tăng từ 5 vụ lên 10 vụ (5 năm). Đây là sự vận dụng, hỗ trợ tối đa của thị xã Thái Hòa cho các hộ dân nếu các hộ dân không đồng tình thị xã sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế thu hồi đất sau một tuần(sau ngày 12/7) theo quy định, trình tự của pháp luật.

NHÓM P.V

tin mới

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.