Nên trữ đông thịt cá thế nào cho hợp lý?
Cần sơ chế, phân loại và chia thịt vào túi zip hoặc hộp có nắp đậy trước khi cho vào tủ lạnh, tùy loại thịt nên có thời gian bảo quản tối đa phù hợp.
Theo BS.CK1 Lai Ngọc Hiền, Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM, bảo quản thịt không chỉ đơn giản là mua thịt về rồi cho ngay vào tủ lạnh. Cần trữ thịt đúng cách để có thể giữ được hàm lượng dinh dưỡng và độ tươi ngon.
Trước khi cho vào ngăn mát hoặc ngăn đông, sơ chế thịt bằng cách rửa sạch dưới vòi nước rồi để ráo. Chia thịt thành từng phần (vừa đủ với một lần sử dụng) rồi cho vào hộp có nắp đậy hoặc túi zip. Cách này giúp giữ thịt tươi lâu, giữ hương vị và không ảnh hưởng đến chất lượng của các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Sau đó, ghi chú ngày bảo quản và tên thịt ở từng hộp.
Có thể bảo quản thịt heo, bò, gia cầm, tôm, cá ở ngăn mát tủ lạnh 1-2 ngày. Thịt sống để ngăn mát được bao lâu cũng phụ thuộc vào vật dụng để chứa. Cần đảm bảo vật dụng dùng để trữ thịt sạch sẽ, khô ráo, có màng bọc hoặc được đậy kín.
Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản thịt dành cho ngăn mát là khoảng 4 độ C. Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản thịt trong ngăn đá là dưới -18 độ C. Tuân thủ giới hạn về thời gian bảo quản không chỉ giúp thực phẩm hạn chế hư hỏng mà còn bảo toàn chất dinh dưỡng.
Thông thường, thịt bò, thịt dê, thịt heo tươi có thể bảo quản 3-5 ngày trong ngăn mát và 4-12 tháng trong ngăn đá. Thịt gia cầm tươi trữ được 1-2 ngày trong ngăn mát và 9-12 tháng trong ngăn đá. Cá và hải sản sơ chế sau khi mua về, để trong ngăn mát nên sử dụng trong vòng 24 giờ, trữ trong ngăn đá 2-3 tháng. Các loại thịt đã qua chế biến bảo quản 3-4 ngày trong ngăn mát và 1-6 tháng trong ngăn đá.
Bác sĩ Hiền lưu ý sau khi lấy thịt ra từ ngăn mát hoặc ngăn đá, nên sử dụng càng sớm càng tốt, bởi ở nhiệt độ thường, vi khuẩn có thể phát triển như trước khi đông lạnh. Luôn bảo quản thịt sống trong hộp kín và tách biệt với thịt chín để tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo, ảnh hưởng đến chất lượng thịt và còn khiến tủ lạnh có mùi./.