Nét chợ bên sông
Nhớ chuyện có một Việt kiều những ngày cuối đời tại xứ người chỉ duy nhất ao ước được một lần về lại chợ quê, ngồi bệt xuống mê nón lá, ăn lại những thức quà quê đã vời vợi theo ký ức tuổi hoa niên. Chợ quê có còn hồn quê mà về lại? Chúng tôi đã thử đi tìm cái hồn quê ấy...
(Baonghean) - Nhớ chuyện có một Việt kiều những ngày cuối đời tại xứ người chỉ duy nhất ao ước được một lần về lại chợ quê, ngồi bệt xuống mê nón lá, ăn lại những thức quà quê đã vời vợi theo ký ức tuổi hoa niên. Chợ quê có còn hồn quê mà về lại? Chúng tôi đã thử đi tìm cái hồn quê ấy...
Nghệ An có đến hàng trăm ngôi chợ quê. Nhưng phảng phất dáng dấp chợ quê xưa cũ không biết vì sao lại chỉ còn ở một vài cái chợ ven sông. Chợ ấy có cái linh cái khí riêng, trăm năm bán mua mà cô hàng xén tóc nâu môi trầm dừ lại là cháu chắt và có thể là chít của cụ bà hàng thuốc lào răng nhưng nhức hạt na nhai trầu môi cắn chỉ màu yếm thắm. Mường tượng cuốn phim quay chậm, thì lơ thơ lều túp mái rạ xưa, đến lác đác mái ngói lò thủ công thời HTX, hay lợp Pờ-rô xi măng như bây giờ, thì cứ đứng trên triền đê trông xuống, chợ bên sông cũng chỉ một màu thâm nâu ẩn nép một niềm thôn dã.
Sầm sập cơn mưa dằn dỗi sau bằn bặt nắng kinh người hằng tuần hằng tháng. Chẳng có cái áng tang tảng phía cửa sông Lam lờ nhờ rọi lối đường thôn như mọi hôm, nhưng bà cụ Dinh ở xóm Phong Quang, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) vẫn dọ được bước chân ở tuổi 80, sùm sụp tơi nón để mới 4 giờ sáng đã ghé mớ rau xanh hái vườn nhà vào mép lán chợ Trụ chờ khách. Khéo, tựa lưng vào cột lán lại làm được giấc nữa rồi trời mới rạng; nhưng cụ Dinh già cả, cơm tối xong chợp mắt, đến canh một canh hai đã tỉnh giấc rồi đố có ngủ lại được, cứ xắm nắm sửa sang mấy bó muống, mồng tơi hái ban chiều chờ buổi chợ mai. Dường như có đến hơn nửa thế kỷ cụ Dinh gắn bó với cái chợ quê ven sông này, nên “chẳng buồn đau ốm tuổi già, bởi nếu rứa nhớ buổi chợ đến… chết mất!” – cụ Dinh móm mém cười bảo thế.
Mua bán hến ở chợ Mý - xã Hưng Châu (Hưng Nguyên).
Một góc chợ Trụ - xã Hưng Hòa (TP. Vinh)
Chợ Trụ của xã Hưng Hòa hơn 20 năm về trước họp ở mạn trên một chút, sau bởi sự lở bồi, chợ chuyển về vị trí nay nhưng vẫn ở thẻo bãi ngoài đê kèm đường du lịch ven sông Lam với cái nếp bán mua xưa cũ. Nghĩa là chợ chỉ họp đến quãng 8 giờ sáng bắt đầu vãn cho nhà nông về kịp buổi ruộng đồng. Chợ Trụ xưa chỉ bán rặt hai mặt hàng chính là cá sông và rau quả vườn nhà nhưng ít lắm; những thức dầu đèn, diêm lửa, thuốc lào, kim chỉ… thì phải lên chợ Vinh, thi thoảng có đò dọc ghé qua thì cũng chỉ bán muối và nước mắm. Hưng Hòa có nghề làm chiếu cói, nhưng không hiểu sao hỏi người già bây dừ chẳng ai nhớ chợ Trụ có từng bán chiếu không?...
Hơn 4 giờ rưỡi sáng. Đứng dưới lán chợ nhìn lên mặt đê, từng bóng người hiện ra dưới cái sậm sịt màn đêm bắt đầu dỡ nhanh. Lui cui gồng gánh, rồi xe đạp, xe máy cồng kềnh về chợ. Lạ là chẳng tỏ mặt người nhưng từ xa đã nghe chào hỏi nhau ríu ran chao chát. Hàng rau hàng quả vừa ngả xuống đã bán bán mua mua, người mua chẳng chọn và người bán cứ xướng tiền thu tiền chẳng đếm. Rau muống vườn nhà, ngày mưa hái bán trả 5 nghìn đồng một bó cũng gật, 3 nghìn đồng cũng ừ. Nông dân Hưng Hòa chẳng có đất để chuyên nghề rau mà thạo nghề, nên hái nhiều vài mươi bó muống một người có khi phải từ chập choạng cho đến tối hẳn mới xong. Túc tắc thế, nhưng buổi chợ cũng kiếm ngót trăm nghìn đồng. Đều đều buổi chợ không phải là kiếm tháng vài ba triệu bạc à!… Hàng rau ở chợ Trụ chủ yếu bán rau vườn nhà, hiếm hàng rau nhập buôn bán lại như đa số chợ quê khác bây giờ.
Cảnh buôn bán tại chợ Trụ.
Sau hàng rau là hàng cá, hàng thịt và nhà hàng xén “tập kết” về chợ. Lúc này trời gần sáng rõ, mưa chỉ còn lắc thắc, một vài lán chợ lập lòe ánh điện, nhà hàng xén cứ thong thả bày biện từng món ra sạp. Ấy nhưng chỉ một khắc nữa thôi, như có tín hiệu hẹn trước, cơ man là người đổ về chợ cùng một lúc, xe đạp xe máy dựng kín hai vỉa mặt đê. Bấy giờ trời mới sáng rõ, có thể quan sát được toàn cảnh chợ Trụ. Chợ rộng cỡ hai sào. Lúp túp lán chợ lợp Pờ-rô xi măng, chạy viền quanh là những dãy ki-ốt cho thuê ở có, bán hàng xén có. Nhưng chủ yếu là người thuê ở, tháng chỉ hơn trăm nghìn đồng, hợp túi tiền người lao động ngoại tỉnh làm công trong nội thành phố Vinh. Có người thuê ở, chợ Trụ cũng bớt cảnh đìu hiu sông bãi… Chợ quy hoạch hàng cá trong cùng. Ngồi lán là hàng cá biển, hai dãy ngoài trời là hàng cá sông, cá hồ.
Chị Nguyễn Thị Lý từ Nghi Hải - Cửa Hội lên, mau mắn xếp hàng cá thu, cá trích vừa nướng chín tới, nói ngày may mắn bán hết chừng ấy… chừng ấy… Ngày ế thì đưa về các chợ xép trong các thôn các xóm bán tiếp.
Chị Lý lóe cái cười cởi mở miền biển, nói: “Chợ Trụ này lạ lắm, ai có duyên với nó rồi thì dù may dù ế cứ gắn bó mãi thôi!”.
Bác Thủy người xã Hưng Hòa, nhà có nghề đáy mỗi đêm mùa này cũng bắt được vài ba cân cá sông, lựa ra bán được hơn trăm nghìn đồng. Mùa cuối năm, thì kiếm buổi chợ vài ba trăm nghìn là chuyện bình thường. Hàng cá chợ Trụ còn có người vạn chài từ Hà Tĩnh cập thuyền sang bán, chủ yếu là bán cả mớ cho vài chị người Hưng Hòa lanh lẹ chạy chợ Trường Thi trong nội thành Vinh. Cái kiểu mua bán chóng vánh “bên lề” như thế cũng làm nên một nét nhộn nhịp rất riêng của chợ quê. Hàng thịt có bò, lợn, gà đủ cả. Mỗi hàng có những khách quen của mình, và hình như chỉ bán nhõn cho loanh quanh những mặt khách ấy thôi.
Người bán lâu như có cái linh tính, ngày này nên làm con lợn chừng này cân, ngày mai nên làm con chừng này cân, bán vét sạp là vừa khẳm buổi chợ; cứ chồng làm xong chở đến chợ cho vợ bán, độ khoảng 8 giờ sáng lại ra chở vợ về... Có khi khách quen đến không thấy chủ hàng đâu, cứ tự lấy dao thẻo lấy một miếng thịt, tí đợi trả “quạ” lấy một tiếng là xong. Mua bán kiểu vậy nhưng chẳng ai sai thiếu ai bao giờ. Chị nhà hàng thịt bò từ Nghi Thái lên, khoe: “Bán ở chợ Trụ khỏe. Buổi chợ vài tiếng hết hàng, về làm được ối việc khác. Ngày thường, đi lấy ở lò mổ, bán dăm bảy cân là có lãi đủ chi tiêu ăn uống cả nhà rồi. Dịp Tết, nhà em mỗi ngày tự làm hẳn một con bò đấy!”.
Quãng 6 giờ, khi các hàng rau, cá, thịt đã rộn lên rồi thì hàng khô, hàng xén mới bày biện xong. Nhưng còn đợi chán ối ra mới có khách, vì người ta đang mải mua đi bán lại rau quả, cá tôm. Tiếp nữa là hàng bánh rán, bánh dì, bánh mướt mới xèo xèo bếp lò, tỏa mùi thơm lừng và tíu tít đùm gói bán cho những nhà hàng rau hết hàng sớm. Ở chợ Trụ chỉ có hai lán hàng ăn, bán bún, cháo canh. Một rổ bát, một rổ thìa đũa, vài cái bàn thấp với ông bếp lò nữa cứ lúp búp nồi nước dùng trong lúc bà chủ thong thả tỉa rau thơm gia vị, đợi lúc gần tan buổi chợ, người bán người mua mới sà vào, loáng cái hết dăm cân bún… Cái hay ở chợ Trụ là hầu hết người mua cũng là người bán; như người bán thịt thì mua rau, người bán rau thì mua thịt, loanh quanh xóm trên xóm dưới gần như là người xã Hưng Hòa cả.
Ngoài có anh Hy người thôn Phong Hảo làm nghề sửa chữa điện tử, bàng quan với ồn ã bán mua xung quanh, thì có lẽ ông Trần Văn Cư, 60 tuổi ở Phong Khánh là người đàn ông duy nhất bán hàng ở chợ Trụ. Cái gian ốt hàng khô của ông trông lèo tèo, nhưng đã “trụ” cùng ông 20 năm nay rồi, do bà vợ có tài nấu nướng, đang “đắt” nghề ở trong phố. Theo ông Cư thì bán hàng khô trông không rộn như hàng khác, nhưng cũng cứ kiếm đều đều ngót trăm bạc buổi chợ. Ấy cảm tưởng như, người về buôn bán chợ Trụ, trừ mấy cụ già đến chợ cho khuây, thì ai dù bán hàng gì, cũng đều kiếm đủ chi tiêu trong ngày, đi chợ về chợ nhẹ tênh.
“Ban quản lý” – nhận khoán thu phí chợ Trụ là vợ chồng ông Trần Văn Ký. Thường hàng rau thu phí 5 trăm đến 1 nghìn đồng, hàng cá có các mức 1 - 2 - 4 nghìn đồng, hàng thịt 5 nghìn đồng/ buổi chợ… và nói chung hàng xén, hay hàng ngồi lán phí khoảng 5 nghìn đồng nạp hàng tháng. Hỏi thầu khoán thế thu bộn không, ông Ký cho biết là người xóm người làng cả, thu phiên phiến, có hàng rau vặt miễn thu, nên mỗi tháng nộp khoán cho xã 2,3 triệu đồng rồi, thì còn lại cũng “trụ” được!
Cái chợ quê bên sông này, chắc lẽ luôn phải trụ lại với mưa lũ lở bồi, hay là người quê nghèo bám vào nó để trụ lại với cuộc mưu sinh khó khăn, mà gọi là chợ Trụ chăng?… Nhưng dù sao chợ Trụ xã Hưng Hòa cũng đang tạo nên một nét quê độc đáo bên tuyến đường du lịch ven sông Lam.
Rời chợ Trụ, chúng tôi theo đường ven sông Lam lên chợ Mý của xã Hưng Châu (Hưng Nguyên). Đã hơn 7 giờ sáng, chợ Mý tấp nập lắm rồi. Chợ Mý cũng có từ lâu, nằm sát mép đê Tả Lam, họp ngày trọn buổi sáng. Cách nay chừng một thập kỷ, chợ Mý là một ngôi chợ quê có khung cảnh độc đáo bậc nhất trong các ngôi chợ ven sông còn lại ở Nghệ An.
Chỉ tiếc là sau khi nâng cấp, xây được đình to nhưng chợ mất đi cái quê kiểng ấy, người quê về bán mua sản vật quê, không muốn vô chợ mà lại ngồi kín mặt đường giao thông, nên cái nhộn chợ Mý bây giờ chỉ có ở… ngoài chợ! So với chợ Trụ, hàng hóa chợ Mý phong phú hơn, sản vật quê cũng vậy. Có chè xanh từ chợ Bộng, Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ Anh Sơn, Đô Lương được các bà, các chị tận dụng buổi nông nhàn, mua sỉ về chia ra bán lẻ, cũng là ai bán cho khách người ấy, theo cái “gu” thưởng thức chè nào của xứ nào; chợ còn có măng tươi Quỳ Hợp, hoa quả của nhiều địa phương khác về…. Cái riêng của chợ Mý có lẽ là vào mùa rươi với đặc sản rươi nức tiếng, và mùa này là con dắt (một loài hến nhỏ) được đánh bắt từ sông Lam lên, bày mê thiên cả dãy ra ngay giữa đường nhựa bán, lớp nhỏ làm thức ăn cho vịt nuôi, lớp to cho người, đong “quạ” bán mỗi bọc 5 nghìn đồng, mỗi hàng bán hàng tạ như thế. Chợ có nhiều chị người Hưng Châu, Hưng Nhân gom hàng rau, cua, ếch đồng quê, đóng sọt chạy xe máy vù vù ra Vinh bán tươi trong buổi sáng…
Đối với chúng tôi, ấn tượng ở chợ Mý là anh hàng rèn ngồi thu lu bên lối xuống đình chợ. Nguyễn Văn Sơn người Hậu Lộc (Thanh Hóa) lấy vợ xã Hưng Thông, Hưng Nguyên có nghề rèn; Sơn làm nhiệm vụ “giao dịch”, đưa hàng rèn vào chợ Mý bán, nhận hàng cũ về sửa chữa, buổi sáng nhận buổi sau vào trả, cứ một cái liềm gặt lúa cắt lại “chấu” thu 7 nghìn đồng, thế mà mỗi buổi chợ anh này vừa bán vừa trả đồ “mông” lại, thu tới 3 - 4 trăm nghìn đồng…
Nhẩn nha một ban sáng chợ ven sông, thực ra đâu chỉ bởi nhớ chuyện về ông Việt kiều nọ những ngày cuối đời tại xứ người chỉ duy nhất ao ước được một lần về lại chợ quê, mà còn vì sự luyến tiếc một chất quê xứ Nghệ, đang dần mất đi ở những chợ Trụ, chợ Mý - những ngôi chợ nằm bên tuyến đường du lịch ven sông Lam, lẽ ra là một khung cảnh quê đủ níu kéo, hấp dẫn du khách mới phải.
Đình Sâm