Nga đã thu gì từ tên lửa xịt Mỹ phóng vào Syria?
Các tên lửa hành trình Mỹ không phát nổ được Syria chuyển giao có thể giúp Nga nghiên cứu cách đối phó hiệu quả trong tương lai.
Các bộ phận của tên lửa xịt được Nga công bố. Ảnh: Sputnik |
Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Sergey Rudskoy hồi tuần trước cho biết hai tên lửa hành trình bị xịt của liên quân Mỹ đã được quân đội Syria thu giữ và chuyển giao cho phía Nga để kiểm tra.
Theo giới chuyên gia, việc mổ xẻ các quả đạn còn khá nguyên vẹn này sẽ giúp Nga có cơ hội nghiên cứu tính năng và phương thức hoạt động của chúng, nhằm khắc chế các đòn đánh của Mỹ và đồng minh trong tương lai, theo Popular Mechanics.
Trên lý thuyết, tên lửa hành trình là vũ khí dùng một lần, được thiết kế để không bộc lộ quá nhiều bí mật nếu gặp sự cố và rơi xuống đất. Tuy nhiên, các cường quốc vẫn có thể khai thác nhiều dữ liệu tình báo và kỹ thuật từ các quả đạn không phát nổ của đối phương.
Quá trình mổ xẻ tên lửa đối phương để nghiên cứu và thiết kế lại thành vũ khí của riêng mình từng được các nước áp dụng nhiều lần. Liên Xô từng phát triển tên lửa đối không tầm ngắn K-13 dựa trên một quả đạn AIM-9 Sidewinder găm vào đuôi tiêm kích Trung Quốc mà không phát nổ.
Trong cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ vào căn cứ phiến quân Taliban ở Afghanistan năm 1998, 6 quả đạn đã bay lạc sang Pakistan. Các nhà khoa học Pakistan và Trung Quốc dường như đã nghiên cứu kỹ những tên lửa Tomahawk này và áp dụng thành quả nghiên cứu vào chương trình vũ khí nội địa.
Tuy nhiên, giá trị thu được từ các tên lửa ngày nay không phải thiết kế để sao chép, mà nằm ở những điểm yếu có thể được khai thác để đối phó chúng trong tương lai. Đây có thể chính là kết cục với hai quả tên lửa liên quân được Damascus chuyển giao cho Moskva.
Ban đầu, tên lửa sẽ được đưa vào một căn phòng sạch, nơi các kỹ sư có thể nghiên cứu hệ thống dẫn đường và cánh lái. Điều này cho phép họ nắm được phương thức bám bắt mục tiêu của quả đạn. Mọi phương thức dẫn bắn và hiệu chỉnh đường bay mới của tên lửa đối phương sẽ bị tìm ra trong quá trình giải phẫu điện tử này.
Đầu dò tên lửa trong phòng thí nghiệm của BAE Systems. Ảnh: Pinterest |
"Bộ não" của tên lửa sau đó sẽ liên tục được thử nghiệm ngắm bắn và lao tới mục tiêu. Hàng nghìn giờ mô phỏng cho phép nhóm nghiên cứu thay đổi từng tham số, nhằm kiểm tra từng chi tiết nhỏ trong hệ thống điện tử và phần mềm điều khiển. Tập đoàn BAE Systems của Anh từng thử nghiệm một bộ não tên lửa không ngừng nghỉ trong hơn 7 năm.
Ăng-ten có thể được mổ xẻ để phát hiện điểm yếu trước các phương án gây nhiễu, trong khi động cơ có thể giúp xác định tín hiệu bộc lộ hồng ngoại của quả đạn. Dữ liệu định vị cũng được dùng để bố trí radar phòng thủ trong tương lai.
Tên lửa bị thu giữ cũng được dùng để đánh giá khả năng đối kháng điện tử. Các kỹ sư có thể chiếu tia laser thẳng vào đầu dò hồng ngoại nhằm tìm ra ngưỡng chống chịu của nó, từ đó phát triển giải pháp đối phó hiệu quả hơn và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ kịch bản mô phỏng sát thực tế hơn.
Việc giải phẫu tên lửa hành trình liên quân thu được từ Syria sẽ giúp Nga cải tiến hệ thống phòng không tại Syria, hỗ trợ Damacus cũng như nhiều quốc gia khác xây dựng phương án đối phó với các cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh trong tương lai, nhà phân tích Joe Pappalardo nhận định.