Nga đàm phán đặt vệ tinh Glonass: VN thêm lựa chọn
Từ xưa tới nay VN chủ yếu sử dụng vệ tinh GPS của Mỹ. Nay Nga đàm phán đưa Glonass vào, người dùng sẽ hưởng lợi khi có sản phẩm cạnh tranh.
PGS.TS Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ đã đưa ra nhận định như vậy trước thông tin Cơ quan không gian liên bang Nga (Roscosmos), đang thương lượng với 4 nước Việt Nam, Cuba, Nicaragua và Trung Quốc để đặt trạm chỉnh sửa tín hiệu từ hệ thống định vị vệ tinh Glonass.
Cơ hội tốt
Glonass là Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Nga, được thiết kế nhằm phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự. Hệ thống này cho phép người sử dụng xác định được vị trí của mình tại một thời điểm thực tế.
Glonass cùng với GPS là hai hệ thống định vị dẫn đường toàn cầu bằng vệ tinh, để giúp xác định vị trí chính xác của một vật thể trên trái đất.
Đặc biệt hệ thống Glonass trong tương lai sẽ cho kết quả xác định vị trí ở mức sai số chỉ tính bằng milimet.
Theo TS Doãn Minh Chung, đây là một cơ hội tốt cho người sử dụng tại Việt Nam có sự so sánh và lựa chọn. Người sử dụng ở Việt Nam có điều kiện sử dụng thêm hệ thống định vị toàn cầu.
"Thế giới hiện có nhiều vệ tinh định vị. Lâu nay chúng ta vẫn dùng 24 vệ tinh GPS của Mỹ để xác định tọa độ trong rất nhiều lĩnh vực (dẫn đường, khoa học để định vị điểm đo tín hiệu…) với các bộ thu cho phép xác định vị trí của mình để xem vị trí định làm thí nghiệm ở đâu trong trái đất. Hay như bão, lũ đổ bộ ở nước nào thì có thể chụp ảnh vệ tinh ở khu vực đó thì sẽ cho tọa độ.
Các vệ tinh định vị viễn thông sẽ xác định. Có nghĩa là khi xác định vị trí nào đó trên trái đất sẽ có các lưới tọa độ. Tọa độ này được xác định bằng các vệ tinh định vị.
Nay nhiều nước cũng phát triển hệ thống định vị vệ tinh. Ở Việt Nam và các nhà khoa học lâu nay quen dùng hệ thống GPS của Mỹ nhưng nay có Glonass có nghĩa là có thêm sản phẩm để lựa chọn", PGS Chung cho biết.
Tức là khi Glonass vào Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm cạnh tranh với GPS của Mỹ và người dùng có thể tận dụng từng ưu điểm của mỗi hệ thống khác nhau.
"Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi khi có nhiều sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Thậm chí có thể phát triển ứng dụng từ hệ thống vệ tinh này", TS Chung nói.
Hệ thống định vị toàn cầu GLONASS |
Nga muốn Việt Nam sẽ sử dụng vệ tinh Glonass
TS Chung cũng cho biết, trước đó trong khung hợp tác giữa Trung tâm vũ trụ của Nga và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có đề cập sẽ đưa Glonass vào Việt Nam.
"Họ muốn dần dần Việt Nam sẽ sử dụng vệ tinh Glonass để định vị các điểm như GPS và sau này có thể còn đưa vào cả điện thoại di động…", TS Chung chia sẻ.
Theo đó nhìn nhận về hợp tác này, cá nhân ông Chung cho rằng: đây là một cơ hội tốt.
"Vấn đề là thị trường cung cấp thế nào và Nga cần hợp tác với Bộ TT&TT xây dựng trạm thu ở Việt Nam để dần dần người Việt Nam có thể sử dụng Glonass đồng thời với GPS", TS Chung nói.
Theo ông Chung, người dùng sắp tới có thể sử dụng cả hai hệ thống định vị cùng một lúc bổ sung cho nhau để có thể định vị chính xác hơn.
"Vấn đề là Bộ TT&TT cũng phải có đàm phán, hợp tác để đối tác bán bộ thu giá rẻ như GPS để người dùng có thể sử dụng", TS Chung nhìn nhận.
Từng đến thăm hệ thống Glonass của Nga, TS Chung cho biết nhược điểm là thiết bị hơi to nên để chiếm được thị phần cũng cần phải có thời gian. "Cần phải có quá trình chứ không phải ép người dùng sử dụng ngay lập tức được", ông Chung nói.
Để sử dụng được Glonass Việt Nam không cần phải chuẩn bị về cơ sở hạ tầng gì thêm bởi đơn thuần là họ sẽ bán thiết bị và người dùng có thể sử dụng song song với các hệ thống định vị đang có.
"Quan trọng là Nga muốn đầu tư thì phải xây dựng trạm thu, chăm sóc khách hàng họ thấy tốt thì dùng thử mà không tốt chắc chắn người ta thì không mua", TS Chung nhận định.
Theo Báo Đất Việt