Nga dừng sản xuất T-14 Armata
Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov vừa đưa ra tuyên bố bất ngờ rằng, việc sản xuất loạt tăng Armata của Moscow phải dừng lại do chi phí quá đắt đỏ.
Tuyên bố được ông Yuri Borisov đưa ra hôm 29/7, các lực lượng vũ trang Nga không muốn mua xe tăng Armata với số lượng lớn vì chi phí cao.
"Chà, tại sao chúng ta phải trang bị loạt bằng xe tăng Armata, chúng ta có T-72 với nhu cầu lớn trên thị trường, họ so với Abrams, Leclerc và Leopard về giá cả, hiệu quả và chất lượng, tình hình tương tự với xe chiến đấu Boomerang.
Chúng tôi không thực sự cần điều này (mua hàng loạt xe tăng T-14 Armata mới), những chiếc xe tăng này là khá đắt đỏ so với những cái hiện có", Phó Thủ tướng Nga thẳng thắn.
Tăng Armata. |
Hiện nay, quỹ phòng thủ của Nga đã được chuyển hướng sang hiện đại hóa các xe tăng cũ và Moscow đã quyết định nâng cấp những chiếc T-72, T-80 và T-90... Nga đã trở lại và tạo ra các lữ đoàn xe tăng được trang bị loạt chiến tăng chính T-72B3, T-80BVM và T-90M sau nâng cấp.
Thừa nhận của ông Yuri Borisov không khiến nhiều người quá bất ngờ về tiến độ chương trình tăng Armata và đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá thành của dòng tăng thế hệ mới này. Bởi tại Triển lãm Army-2017, chính ông Yuri Borisov đã tiết lộ mức giá thật của T-14 Armata.
Hiện nay đã có 23 hợp đồng trị giá khoảng 2,8 tỷ USD được ký với các nhà thầu quốc phòng và 100 xe tăng T-14 Armata sẽ được bàn giao cho quân đội Nga trước năm 2020. Hợp đồng tăng Armata này có trị giá tới 500 triệu USD.
Lô tăng T-14 Armata đầu tiên sẽ được trang bị cho Trung đoàn xe tăng cận vệ số 1 thuộc Sư đoàn cơ giới hóa cận vệ số 2 mang tên Tamanskaya đồn trú ở ngoại vi Thủ đô Moscow và một phần ở Quân khu Phía Tây Nga.
Sẽ chẳng có gì đáng nói về gói hợp đồng 100 chiếc Armata dành cho quân đội Nga nếu không tính đến mức giá của nó bởi phải cần tới 500 triệu USD mới có thể sở hữu được 100 chiếc tăng Armata - tương đương 5 triệu USD/chiếc.
Đây là cái giá quá đắt đỏ so với những lần chào hàng trước đó của Nga đến khách hàng nước ngoài. Cụ thể, hồi tháng 9/2015, ông Oleg Syenko - Tổng giám đốc của Uralvagonzavod đã tiết lộ đơn giá của mỗi chiếc xe tăng T-14 Armata sẽ chỉ là 3,75 triệu USD. Với mức gia này, T-14 Armata trở nên rất cạnh tranh với các đối thủ tới từ Mỹ và châu Âu trên thị trường xuất khẩu.
Các đối thủ cạnh tranh với tăng Armata, như Leopard 2 của Đức, M1 Abrams của Mỹ và Challenger 2 của Anh có chi phí đắt đỏ hơn nhiều (từ 6,8 đến 8,6 triệu USD/chiếc). Chỉ xe tăng chủ lực Type 99 của Trung Quốc là có giá rẻ hơn, với chi phí khoảng 2,6 triệu USD.
Trong ngắn hạn, dường như mức giá này là bất khả thi vì nó còn rẻ ngang với xe tăng T-90. Tuy nhiên, mức giá rẻ bất ngờ vẫn có thể được áp dụng với những khách hàng mua dòng tăng Armata với số lượng lớn. Theo ông Victor Murakhovski, một thành viên trong hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp - Quốc phòng Nga, thông số kỹ thuật của T-14 Armata vượt trội hơn đáng kể so với đối thủ Mỹ.
"Nếu so sánh thông số kỹ thuật trên giấy tờ, hiệu quả hỏa lực và mức độ bảo vệ của lớp giáp trên Armata vượt trội hơn Abrams từ 30-40%. Về giá cả, cần lưu ý rằng khi mua xe tăng, còn có các chi phí đi kèm về đạn dược, cơ sở bảo dưỡng, đào tạo kíp xe. Vì điều này, giá một chiếc xe tăng sẽ đắt đỏ hơn nhiều nếu xét trên từng đơn vị riêng lẻ", ông Murakhovski giải thích.
Tại đại lễ kỷ niệm Chiến thắng phát xít 9/5/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết rằng quân đội Nga sẽ nhận được 2.300 chiếc xe tăng mới dưới một chương trình kéo dài tới tận năm 2020. Tuy nhiên chương trình đó được phát triển và lên kế hoạch ngân sách từ trước khi cuộc suy thoái kinh tế diễn ra tại Nga năm 2014.
Với việc nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng như hiện nay, Nga sẽ khó có thể mua được 2.300 chiếc Armata, đặc biệt là mức giá không phải là 3,75 triệu USD mà lên tới gần 5 triệu USD/chiếc.