Nga hạ thủy tàu hộ vệ "bé hạt tiêu" khiến NATO run sợ
Các tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt mới của Nga tuy có lượng choán nước chỉ 800 tấn nhưng được trang bị vũ khí tấn công tầm xa tới 2.500 km.
Business Insider cho biết buổi lễ hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa Karakurt, tàu mang số hiệu 577 Typhoon diễn ra khá thầm lặng vào ngày 24/11. Đây là tàu thứ 2 thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến ven biển.
Hải quân Nga dự định đóng mới khoảng 18 tàu loại này. Tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt có chiều dài 65 m, rộng 10 m, mớn nước 2 m, lượng choán nước 800 tấn. So với tàu chiến duyên hải (LCS) của Mỹ có cùng vai trò, lượng choán nước của Karakurt chỉ gần bằng một phần tư.
Hải quân Nga dường như luôn gặp khó khăn trong việc đóng mới các chiến hạm hạng nặng, thay vào đó, họ chọn giải pháp đóng mới các tàu chiến nhỏ được vũ trang hạng nặng. Hải quân Nga từng sử dụng tàu hộ tống lớp Buyan-M có lượng choán nước khoảng 900 tấn để tấn công mục tiêu IS ở Syria bằng tên lửa hành trình tầm xa.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt được đánh giá sẽ là thế hệ tàu chiến kế cận tiếp theo của Hải quân Nga trong 20 năm tới. Ảnh: bastion-karpenko.ru |
Karakurt được cho là phiên bản hiện đại hóa từ tàu hộ vệ mang tên lửa lớp Buyan-M đang khá thành công của Hải quân Nga hiện tại. Tàu có thiết kế thủy động lực học theo công nghệ tàng hình, làm cho nó trở thành một mục tiêu khó phát hiện hơn trên biển. Tàu có thể hoạt động trên biển liên tục 15 ngày, phạm vi hoạt động khoảng 2.500 hải lý.
Dù được xem là “bé hạt tiêu” so với các chiến hạm khổng lồ của Mỹ, Karakurt lại sở hữu khả năng tấn công đáng sợ. Tàu được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa hành trình chống hạm P-800 Oniks, hoặc tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr-NK.
Tên lửa Kalibr-NK có tầm bắn tới 2.500 km, tên lửa này đã được Nga sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu của IS ở Syria. Trong khi P-800 có tầm bắn khoảng 500 km, một trong những sát thủ chống hạm đáng sợ nhất thế giới.
Ngoài ra, Karakurt còn được vũ trang pháo hạm AK-176MA 76,2 mm, pháo có tốc độ bắn 150 viên/phút, phạm vi tác chiến 15 km. Pháo có thể tấn công mục tiêu mặt nước và phòng không rất hiệu quả. Về phòng không, Karakurt được trang bị phiên bản hải quân của hệ thống phòng không tích hợp Pantsir-M.
Dù có lượng giãn nước chỉ vỏn vẹn 800 tấn nhưng các tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt của Nga lại sở hữu sức mạnh không hề thua kém các tàu khu trục hạm của Mỹ. Ảnh: Thai Military. |
Pantsir-M gồm 2 pháo 30 mm bắn siêu nhanh và 8 tên lửa hải đối không. Hệ thống có thể đối phó với các mục tiêu đường không ở cự ly 20 km. Xét về mặt hỏa lực, Karakurt sở hữu khả năng tấn công không thua kém các chiến hạm hạng nặng của Mỹ và hoàn toàn vượt trội so với LCS.
Karakurt mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr-NK sẽ giữ toàn bộ châu Âu trong tầm bắn. Khả năng tàng hình và cơ động nhanh giúp tàu khó bị tấn công hơn trên biển. Tàu chiến nhỏ nhưng sở hữu khả năng tấn công tầm xa sẽ ngăn chặn hiệu quả các ý định của NATO đối với Nga./.
Theo Kienthuc
TIN LIÊN QUAN |
---|