Nga - Iran và 'miếng bánh' thời hậu chiến

04/11/2017 06:20

(Baonghean) - Mặc dù Iran và Nga trở nên gắn bó kể từ khi xảy ra khủng hoảng chính trị ở Syria, song khi cuộc chiến sắp đến hồi kết, cả hai phải tính toán đến những lợi ích khác biệt để tránh “huynh đệ tương tàn”. Đây là một trong những ưu tiên đối thoại chính trong chuyến thăm Iran bắt đầu từ ngày 1/11 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Hassan Rouhani hồi tháng 3/2017. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Hassan Rouhani hồi tháng 3/2017. Ảnh: Reuters

Hài hòa những khác biệt

Quan hệ đồng minh thân thiết với Iran hiện được xem là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông. 2 năm qua, các chuyến thăm cấp cao song phương diễn ra thường xuyên và tích cực hơn. Nếu như năm 2015, Tổng thống Nga V. Putin tới Tehran để bàn các biện pháp phối hợp tác chiến, hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Asad thì chuyến thăm lần này, mục đích chính của ông chủ Điện Kremlin là tìm tiếng nói chung với Iran trong việc giải quyết các vấn đề thời hậu chiến ở Syria, thu hẹp những khác biệt giữa 2 nước nhằm tránh kịch bản “huynh đệ tương tàn”.

Cả Nga và Iran đều có vai trò nhất định tại Syria bởi đây là 2 trong số những nước tham gia tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Ngoài việc hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria tiêu diệt IS và các nhóm phiến quân, Nga và Iran cũng tham gia vòng đàm phán tại Astana (Kazakhstan) nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria.

Theo các chuyên gia, trong những tháng tới, khi cuộc khủng hoảng ở đây chuyển từ cuộc xung đột quân sự sang các giải pháp chính trị, nhiều vấn đề của thời hậu chiến sẽ nảy sinh. Cơ cấu chính trị của Chính phủ Syria sẽ ra sao, vai trò của các bên sau cuộc chiến này như thế nào, là điều mà tất cả các bên liên quan phải quan tâm. Trong khi đó, mặc dù Nga và Iran là đồng minh nhưng cũng không tránh khỏi những khác biệt.

Nga xác định sự hiện diện của họ tại Syria là một phần trong sự cạnh tranh địa chính trị với Mỹ. Họ muốn Syria trở thành một quốc gia mà ở đó các nhóm thiểu số và tôn giáo khác nhau có quyền bình đẳng. Trong khi đó, về phía Iran, họ muốn thiết lập ở Damascus một chính phủ sẵn sàng đảm bảo sức mạnh cũng như sự ảnh hưởng của Tehran trong khu vực cũng như cho cộng đồng người Hồi giáo Shiite.

Vòng đàm phán thứ 7 về Syria tại Astana (Kazakhstan) đang có dấu hiệu tích cực. Ảnh: Reuters
Vòng đàm phán thứ 7 về Syria tại Astana (Kazakhstan) đang có dấu hiệu tích cực. Ảnh: Reuters

Rõ ràng, Nga không hài lòng với việc Iran cố gắng áp đặt ý muốn của họ lên Damascus hay việc Iran thiết lập nền tảng về chính trị và tư tưởng cho việc mở rộng ảnh hưởng của người Hồi giáo Shiite ở khu vực… Với Nga, những tính toán chiến lược của Iran có thể sẽ gây mất ổn định và nhiều khả năng thổi bùng mâu thuẫn giữa Iran và Israel cũng như giữa Iran và các nước Ả rập khác. Đó chính là lý do Tổng thống Nga Putin có mặt tại Iran vào thời điểm này và Syria là vấn đề ưu tiên nhất trong các cuộc hội đàm của ông với lãnh đạo Iran.

Cân bằng quyền lực

Ngoài việc bàn vấn đề cơ cấu lại nhà nước Syria thời kỳ hậu chiến, một mục đích quan trọng không kém của Tổng thống Nga trong chuyến thăm Iran lần này là khẳng định tình hữu nghị của 2 nước. “Tình bạn” Nga - Iran được gắn kết không chỉ về mặt địa chính trị mà còn những hợp tác về kinh tế, năng lượng và quốc phòng.

Hai nước cũng phải đối mặt với khó khăn chung là đang chịu sự kiềm tỏa và trừng phạt của Mỹ. Nhu cầu phối hợp nhằm ngăn chặn ý định của Mỹ tại Trung Đông cũng như chính sách của Washington tại Syria là điều cả Nga và Iran cùng quan tâm. Bên cạnh đó, Nga cũng cần trấn an Iran trước những động thái ngoại giao tích cực của Moskva tại Trung Đông thời gian qua.

Đầu tháng 10 vừa qua, chuyến thăm hiếm hoi của Quốc vương Saudi Arabia tới Nga đã dẫn đến nhiều lời suy đoán rằng sẽ có một sự thay đổi trong mối quan hệ thân tình giữa Tehran và Moskva. Bởi trong chuyến công du này, Nga và Saudi Arabia đã ký kết nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD, đáng chú ý là việc Nga bán hệ thống phòng không S-400 cho Saudi Arabia.

Trong khi với Iran, quốc gia được coi là đồng minh của Nga lại chỉ được phép mua hệ thống S-300, cũ hơn S-400. Các thỏa thuận lớn, cùng với sự chào đón nồng nhiệt của Nga dành cho quốc vương Saudi Arabia, khiến một số nhà bình luận thậm chí nhận định đây là “sự phản bội” với quan hệ đối tác Nga-Iran. Bởi tại Trung Đông, Saudi Arabia và Iran là đối thủ “không đội trời chung”.

Tuy vậy, nếu nhìn lại sự hiện diện của Nga ở Trung Đông thời gian qua có thể thấy, Moskva đang sử dụng chính sách đối ngoại “thực dụng và linh hoạt”, bắt tay với tất cả các đối tác để tối đa hoá lợi ích của họ. Và chuyến thăm Iran lần này của Tổng thống Putin được xem như thông điệp rằng, sự hợp tác của Nga với các quốc gia khác ở Trung Đông như Saudi Arabia hay Israel sẽ không đe dọa đến mối quan hệ đồng minh với Iran.

Hệ thống tên lửa S-400 Nga hứa bán cho Saudi Arabia. Ảnh: Reuters
Hệ thống tên lửa S-400 Nga hứa bán cho Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Ở góc độ khác, giới phân tích cho rằng, thực tế, Nga muốn điều khiển sự cân bằng quyền lực trong khu vực. Điều đó có nghĩa, thay vì triển khai chiến lược “thân bên nọ để chống bên kia”, Nga tìm cách duy trì cân bằng, kiềm chế các bên để tránh một cuộc đối đầu không đáng có. Bằng chứng là mới đây Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã đề nghị làm trung gian giữa Iran và Saudi Arabia. Giới chức Nga cũng có các chuyến thăm Israel trong bối cảnh quốc gia này đang lo ngại lực lượng Iran ngày càng mạnh hơn sau khi cuộc chiến ở Syria kết thúc.

Tóm lại, Nga đang cố gắng duy trì chỗ đứng ngoại giao vững chắc ở trong khu vực bằng cách thiết lập một sự cân bằng cho phép Nga sử dụng một quốc gia này để cân bằng với quốc gia khác, như vậy không quốc gia đơn lẻ nào có quá nhiều ảnh hưởng tại khu vực. Với giải pháp này, rất có thể, trong tương lai Nga sẽ tạo ra một cuộc cách mạng ngoại giao trong khu vực.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nga - Iran và 'miếng bánh' thời hậu chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO