Nga phản ứng gay gắt khi Mỹ khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu

13/05/2016 10:49

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu chính thức được kích hoạt từ ngày 12-5, bất chấp Nga cảnh báo động thái này đe dọa hòa bình ở Trung Âu...

Hệ thống này được Mỹ khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Rô-nan Ri-gân (Ronald Reagan). Thời điểm đó, mục tiêu chính của kế hoạch là chống lại Liên Xô. Sau này, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kế hoạch trên bị gián đoạn một thời gian và được nối lại dưới thời cựu Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ (George W.Bush) với mục đích mới là chống lại khả năng bị tấn công từ I-ran. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía Nga.

Phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, còn gọi là hệ thống Aegis, được đặt tại một căn cứ không quân ở Đê-vê-xê-lu, miền Nam Ru-ma-ni. Sau nhiều năm lập kế hoạch triển khai và tiêu tốn khoản tiền hàng tỷ USD đầu tư cho cơ sở này, các quan chức Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây đã tuyên bố sẵn sàng đưa nó vào hoạt động.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Ca-tơ (A.Carter) cho rằng, việc kích hoạt hệ thống phòng thủ trên tại Ru-ma-ni cho thấy "Mỹ đã có đủ khả năng để bảo vệ các đồng minh NATO tại châu Âu". Ông A.Ca-tơ giải thích, I-ran đang tăng cường khả năng về tên lửa đạn đạo, do đó, Mỹ phải có bước đi đón đầu để ngăn chặn mối đe dọa này. Ông này cũng tuyên bố hệ thống lá chắn tên lửa không nhằm vào Nga và sẽ sớm được bàn giao cho Bộ tư lệnh NATO.

Các tên lửa đánh chặn SM-2 đặt tại Ru-ma-ni, nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu. Ảnh: AFP.

Trong nhiều năm qua, Mỹ cũng đã thử nghiệm hệ thống Aegis trên tàu chiến. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống này là sử dụng các cảm biến ra-đa để phát hiện việc phóng tên lửa đạn đạo lên không trung. Các cảm biến phát hiện sẽ đo đường đi của tên lửa đối phương để phá hủy trước khi nó trở lại bầu khí quyển Trái Đất. Dự kiến, Mỹ cũng sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Rét-di-cô-ô ở Ba Lan, gần biển Ban-tích, vào ngày 13-5 và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống ra-đa và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.

Trong khi đó, Nga cho rằng, kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống "lá chắn tên lửa" ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước Nga. Bộ Ngoại giao Nga đã lên án hành động kích hoạt lá chắn tên lửa tại châu Âu của Mỹ, đồng thời cáo buộc Oa-sinh-tơn vi phạm Hiệp ước Tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) được ký năm 1987. Giám đốc Các vấn đề phổ biến và kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, ông Mi-kha-in U-li-a-nốp (Mikhail Ulyanov), tuyên bố quyết định trên là sai lầm và gây hại, vì nó có khả năng đảo lộn sự ổn định chiến lược và lợi ích của Nga sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi điều này. Bộ Ngoại giao Nga nói thêm rằng, chương trình tên lửa của I-ran không đe dọa các nước NATO.

Để đáp trả NATO, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga mới đây tuyên bố quân đội Nga đang phát triển các tên lửa đạn đạo (ICBM) cực mạnh có khả năng "xuyên thủng" hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất của Mỹ hiện nay. Mới đây, Nga cũng cho tăng cường bảo vệ khu vực sườn phía tây và nam với việc xây dựng 3 sư đoàn mới.

Trong khi đó, đánh giá về khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, ông Gioóc-giơ Phrai-ét-men (George Friedman), cựu Giám đốc Tổ chức phân tích tình báo Stratfor, cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại Ru-ma-ni không đủ sức để bảo vệ châu Âu trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện. Chuyên gia này cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa trên chỉ được thiết kế để chống lại một số lượng nhỏ tên lửa hạt nhân và hoàn toàn không thích hợp để đối phó với một cuộc tấn công quy mô lớn. Chuyên gia này nghi ngờ rằng việc Mỹ lập các lá chắn tên lửa ở Đông Âu thực chất chỉ là một động thái chính trị nhằm thể hiện sự ủng bộ của Oa-sinh-tơn đối với các đồng minh trong khu vực.

Theo qdnd.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nga phản ứng gay gắt khi Mỹ khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO