Nga tìm cách xóa bỏ ‘di sản độc hại’ trong các cuộc đàm phán mới với Mỹ
Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc khôi phục quan hệ ngoại giao song phương, chứ không phải xung đột Ukraine, các quan chức cho biết.

Các phái đoàn ngoại giao của Nga và Mỹ đã gặp nhau tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/4, để tiến hành các cuộc đàm phán kín.
Phái đoàn Nga do ông Alexandr Darchiev, đại sứ mới được bổ nhiệm của Moskva tại Washington, dẫn đầu. Phía Mỹ do Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Sonata Coulter đại diện.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, xác nhận rằng hai bên đang tập trung vào việc “loại bỏ nhiều trở ngại, bao gồm cả những vấn đề kỹ thuật, đang làm phức tạp hóa hoạt động ngoại giao”.
Theo Đại sứ Darchiev, Moskva mong muốn xóa bỏ “di sản độc hại từ chính quyền Mỹ trước đây”. Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cần thiết của một “cuộc thảo luận nghiêm túc” về việc trả lại các cơ sở ngoại giao bị Mỹ tịch thu - “một điều kiện then chốt” để khôi phục mối quan hệ song phương bình thường.
Theo ông Darchiev, các vấn đề về hạn chế thị thực và tài chính, quyền tự do di chuyển của các nhà ngoại giao, tạo thành một “nút thắt chặt các vấn đề”.
“Hiện tại, các phái đoàn Nga và Mỹ đang phối hợp để gỡ nút thắt này”, ông nói.
Một đoạn video ngắn do truyền thông Nga công bố vào ngày 10/4 cho thấy một chiếc xe tiến vào cổng của Tổng lãnh sự quán Nga tại Istanbul.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce phát biểu với truyền thông trước thềm cuộc gặp rằng, “những cuộc đàm phán này chỉ tập trung vào hoạt động của đại sứ quán chúng tôi, không nhằm mục tiêu bình thường hóa mối quan hệ song phương, điều chỉ có thể xảy ra - như chúng tôi đã nhấn mạnh - khi có hòa bình giữa Nga và Ukraine”.
Theo Bruce, hai bên không có ý định thảo luận bất kỳ vấn đề chính trị hay an ninh nào, bao gồm cả cuộc xung đột Ukraine.
Một nguồn tin am hiểu về vấn đề trên nói với hãng TASS rằng, cuộc gặp dự kiến sẽ kéo dài vài giờ đồng hơn, nhưng có thể sẽ ngắn hơn vòng đàm phán trước đó diễn ra vào ngày 27/2.
Các cuộc đàm phán mới này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tích cực thúc đẩy ngoại giao với Nga, bao gồm nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho xung đột Ukraine. Nhờ đó, Washington và Moskva đã dần khôi phục các kênh liên lạc - vốn gần như bị cắt đứt trong khoảng 3 năm dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden.