Nga và Ukraine chuẩn bị tổ chức đàm phán trực tiếp?
Các phái đoàn của hai nước sẽ gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về vấn đề an ninh ở Biển Đen, theo thông tin từ CNN Turk.

Theo thông tin được đăng tải hôm 13/4 viện dẫn nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện Nga và Ukraine sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp tại Ankara vào tuần này, cụ thể vào ngày 15 và 16/4, tại trụ sở Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Phái đoàn của hai nước sẽ gặp nhau để thảo luận về vấn đề an ninh ở Biển Đen.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ thông tin này và tuyên bố với kênh truyền hình TCH rằng, “không có cuộc đàm phán nào được lên kế hoạch”.
Trước đó, trong các cuộc trao đổi giữa chuyên gia Nga và Mỹ tại Riyadh hồi cuối tháng 3, hai bên đã nhất trí tiến tới khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Theo phía Điện Kremlin, điều này bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Ngân hàng Nông nghiệp Nga cùng các tổ chức tài chính liên quan đến xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga. Cả Moskva và Washington đều coi một lệnh ngừng bắn hàng hải là bước đệm cho giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, ban đầu vào tháng 7/2022 do Liên hợp quốc và sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, nhằm đảm bảo hành lang an toàn cho nông sản Ukraine, đổi lại việc Mỹ và EU dỡ bỏ hạn chế với xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga. Tuy nhiên, Moskva đã rút khỏi thỏa thuận 1 năm sau đó, cáo buộc phương Tây không thực hiện các cam kết đã đề ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó từng tuyên bố Kiev từ chối một lệnh ngừng bắn hàng hải vì cho rằng, điều đó sẽ “làm suy yếu vị thế và các biện pháp trừng phạt” đối với Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước xác nhận chính quyền của ông đang xem xét dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Moskva để tái khởi động Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cho biết: “Có khoảng 5 hoặc 6 điều kiện. Chúng tôi đang xem xét tất cả”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bác bỏ việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Moskva, khẳng định chúng cần được duy trì cho đến khi đạt được “hòa bình công bằng và bền vững” tại Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, lệnh ngừng bắn hàng hải chỉ có thể có hiệu lực nếu đáp ứng các điều kiện do Nga đặt ra. “Dĩ nhiên, lần này công lý phải thắng thế, và chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với phía Mỹ trong khuôn khổ Sáng kiến Biển Đen”, ông Peskov nhấn mạnh.