Ngẫm về chuyện tôn sư trọng đạo

Thầy chủ nhiệm tên là Eric, nhưng ở Pháp thì học sinh phải gọi thầy giáo là Ngài kèm theo họ. Tên riêng chỉ có thể gọi giữa bạn bè bằng vai phải lứa hoặc những người thực sự thân thiết mà thôi. Thế nhưng lũ học sinh trong lớp thì luôn gọi thầy là Eric, không Ngài không gì cả, chỏng lỏn như gọi một đứa bạn không hơn không kém. “Chào Eric”, “Cuối tuần vui không Eric”, “Hôm nay Eric đừng ra nhiều bài tập về nhà nhé”… đáp lại màn chào hỏi “bố láo bố toét” của lũ học sinh là lời quát mắng (giống với lời khẩn cầu nhiều hơn): “Gọi tôi là Ngài. Honaker, thưa các cô các cậu!”. Và câu trả lời của chúng tôi luôn là: “Ok, Eric”.

Eric nuôi một con cá vàng tên là Lou ở bàn làm việc của ông trong lớp học. Mỗi lần phải ra khỏi lớp để lấy tài liệu, Eric luôn trở về trong tình trạng hớt hải và chờ đón ông là cảnh mấy đứa học sinh đang cầm vợt vớt Lou lên chơi. Một lần khác, khi ông cẩn thận cho bể cá vào tủ kính khoá lại trước khi ra khỏi lớp thì chúng tôi lại bắc ghế trèo lên tủ trưng bày, gỡ hộp sọ của mô hình xương khủng long mang về giấu trong ký túc. Kết quả là cả năm học đó, Eric tội nghiệp dành 5 phút đầu và cuối mỗi tiết học để nài nỉ chúng tôi mang trả hộp sọ về chỗ cũ vì cứ trưng bày một bộ xương khủng long không đầu mãi thì cũng buồn cười.

Eric bị nồng độ cholesterol trong máu cao nên luôn rất cẩn thận với chế độ ăn uống của mình. Chúng tôi biết điều này vào một lần có đứa trong lớp mang nguyên ổ bánh gato chocolat mẹ nó làm đến lớp và cắt ra cho cả lớp cùng ăn. Dường như đã chán la mắng những trò quậy phá của bọn tôi, Eric chỉ thở dài dặn dò: “Các cô cậu làm ơn đừng làm rơi vụn bánh lên bàn hộ tôi!”. Thấy mặt ông tội nghiệp nên bọn tôi mời ông ăn bánh nhưng ông từ chối vì chocolat không tốt cho người bị cholesterol cao trong máu. Điều này khiến cả lớp ngạc nhiên vì trong lớp lúc nào cũng có một hộp chocolat loại gói hoà tan, mà chúng tôi thường pha uống vào những tiết học dài. Thì ra hộp chocolat ấy Eric mua cho chúng tôi uống chứ chẳng phải vì ông thích. Thế mà suốt một thời gian dài chúng tôi cứ khoái chí nhìn ông sửng cồ lên mỗi khi đám học sinh pha “trộm” chocolat của ông.

Ngoài Eric ra, tôi còn nhớ cả những giáo viên khác: một ông thầy dạy Địa lúc nào cũng ngồi lên bàn và rất thích chơi chữ trêu chọc học sinh, một thầy giáo môn Pháp văn có bộ râu quai nón xồm xoàm mà mỗi lần ông cạo đi lại khiến cả lớp bàng hoàng vì tưởng có thầy giáo mới. Ông thầy quai nón này tuy râu ria nhưng đáng ngạc nhiên là lại cực kỳ hiền. Có lần chúng tôi nói chuyện riêng trong lớp ồn ào quá, ông không trách mắng mà chỉ nhỏ nhẹ góp ý: “Các em nói bé thôi, kẻo đánh thức bạn Pierre đang ngủ!”. Chúng tôi buồn cười quên cả nói chuyện riêng, còn Pierre thì bừng tỉnh vì sự yên ắng đột ngột của lớp học. Lại có một cô giáo dạy Triết học, một người nhỏ bé đến mức nếu cô ngồi duỗi chân trên bàn thì cả người vẫn lọt thỏm trong mặt bàn không thò ra tí nào. Cô rất hay đến ngủ lại ở ký túc xá nữ và mỗi lần như thế, đám con gái luôn trốn đến phòng cô tán phét và bày đủ trò bói toán, xem phim đến tận đêm khuya. Khó có thể bình chọn ai là người được học sinh yêu thích nhất, nhưng nếu bị ghét nhất thì chắc chắn không ai có thể qua mặt thầy giám thị – Ngài Dupont. Ông này thì chúng tôi chẳng bao giờ thèm gọi tên riêng, mà cũng làm gì ai quan tâm ông ta tên gì vì mỗi lầm chạm mặt là y như rằng có chuyện chẳng lành. Nhẹ thì bị trừ điểm hạnh kiểm mà nặng thì bị cấm túc. Ông này mà chiếu kính chiếu yêu thì có khi hiện nguyên hình là một cái camera an ninh to tổ chảng, luôn xuất hiện bất thình lình bắt quả tang bọn tôi đang quậy phá một cách cực kỳ kịp thời.

Ở Pháp không có ngày lễ nào dành cho nhà giáo, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cũng không quá lễ nghi mà giống như bạn bè hơn. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể gọi thầy cô bằng tên riêng (tất nhiên Eric là một ngoại lệ) và nếu vô tình gặp nhau ngoài đường thì sẽ hết sức vui vẻ mà rủ nhau vào quán cà phê ngồi tán gẫu như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Nhưng đừng lầm tưởng rằng như thế tức là học sinh thiếu tôn trọng với thầy cô giáo. Trái lại, chúng tôi cực kỳ tôn trọng họ, nhưng ít nhiều khác với cách mà học sinh tôn trọng thầy cô giáo ở Việt Nam. Chúng tôi tôn trọng họ chứ không tôn trọng cái danh xưng nghề nghiệp của họ. Đó là sự tôn trọng hình thành một cách chủ động và tự nguyện chứ không phải vì có người nói với chúng tôi rằng: Phải tôn trọng họ vì họ là thầy giáo, cô giáo của mình. Tôi nghĩ, đó mới thực sự là tôn trọng. Cũng giống như trường hợp của Eric và Ngài Dupont, chữ Ngài ở đây chẳng nói lên được điều gì.