Bài 1: Chủ động triển khai các giải pháp

Thời điểm này, do bước vào cao điểm nắng nóng, vì thế các giải pháp phòng, chống cháy tại các địa phương trọng điểm có rừng thông ở Nghệ An đang được “kích hoạt”, sẵn sàng chủ động các phương án nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Có mặt tại Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan ở xã Nam Giang (Nam Đàn) những ngày nắng nóng này, chứng kiến cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý khu mộ và cán bộ kiểm lâm địa bàn đang tích cực tuần tra canh gác lửa rừng.

Ông Nguyễn Thanh Long -Trưởng ban quản lý Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan, cho biết: “Quần thể Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh – nằm trong khuôn viên rộng tới 40 ha, trong đó có trên 20 ha là rừng thông dày. Vào mùa nắng nóng, tại khu mộ đón hàng nghìn lượt du khách đến thăm viếng, nguy cơ cháy rừng là rất cao do sự bất cẩn của một số du khách viếng thăm. Vì vậy, chúng tôi phải tăng cường công tác tuần tra, giám sát hàng ngày để kịp thời ngăn chặn lửa rừng.

Điều thuận lợi là từ năm 2018, UBND tỉnh đã đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng đường băng bê tông cản lửa rừng tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Đây là đường băng cản lửa bê tông đầu tiên của Nghệ An được thiết kế dài 2,5 km, trong đó lòng bê tông rộng 3 mét, tổng chiều rộng 4,5 mét. Đường băng cản lửa này sẽ phát huy tác dụng PCCCR rất tốt, vừa cản lửa, vừa thuận lợi trong việc tuần tra, đưa người và phương tiện lên để nhanh chóng dập lửa khi xảy ra cháy.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Trưa đứng bóng, gió Lào quạt hầm hập, nhưng tại chòi canh lửa rừng xã Nam Giang cán bộ kiểm lâm vẫn tập trung canh gác. Ông Võ Văn Nam, cán bộ kiểm lâm thuộc Đội kiểm lâm cơ động và chữa cháy rừng số 1, chia sẻ: “Chòi canh lửa rừng xã Nam Giang đặt trên ngọn núi bị xuống cấp, hư hỏng, cây thông che khuất tầm nhìn, chúng tôi đã phải nhờ một ngọn tháp chứa nước cao trên 10 mét tại gần đó để quan sát. Chòi canh này nhìn qua ống nhòm, có thể bao quát được lửa rừng, phát hiện, cảnh báo cháy rừng cho cả vùng Nam Giang, Nam Lĩnh, Nam Anh, Nam Thanh của huyện Nam Đàn và một phần diện tích rừng của các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương. Như đầu tháng 6/2021, quan sát từ chòi canh lửa đã phát hiện đốt xử lý thực bì ven bìa rừng ở xã Nam Giang, các lực lượng tại chỗ đã xử lý kịp thời không cho lửa cháy lan vào rừng thông.

Mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, nhưng tại hầu hết các xã có rừng thông trên địa bàn huyện Nam Đàn luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng phòng cháy, chữa cháy rừng. Anh Nguyễn Tiến Nhạc – Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng Nam Hưng chia sẻ: Phương châm của trạm là gắn chặt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với bảo vệ rừng, PCCCR, mỗi bà con khai thác nhựa thông là một thành viên, tuyên truyền viên về công tác PCCCR, tổ chức ứng cứu khi cần thiết, nhờ vậy mà trên 500 ha rừng thông của Nam Hưng nhiều năm liền không xảy ra cháy.

Huyện Nam Đàn hiện có trên 5.000 ha rừng thông, để chủ động PCCCR, huyện đã chỉ đạo Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn, các địa phương có rừng thông, phối hợp với các hộ nhận khoán phát dọn thực bì trên 600 ha tại các vùng trọng điểm, tu sửa hệ thống chòi canh lửa, tu sửa được 38 km đường băng cản lửa.

Đặc biệt tại vùng giáp ranh giữa xã Nam Lộc (Nam Đàn) giáp ranh với xã Thanh Lâm (Thanh Chương) đơn vị đang tích cực tổ chức duy tu lại hệ thống đường băng cản lửa trên 5 km. Ngoài ra huyện Nam Đàn đã triển khai các giải pháp để PCCCR như, kiện toàn lực lượng PCCCR các cấp, các ban ngành. Triển khai các quy chế phối hợp, với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn cùng tham gia như Lữ đoàn 414…

Kiểm tra công tác PCCCR tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan xã Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh: Văn Trường
Kiểm tra công tác PCCCR tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan xã Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh: Văn Trường

Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo nguy cơ cháy rừng, duy trì chế độ thường trực (trực theo dõi cháy rừng và trực chỉ huy cháy rừng) để phát hiện sớm những điểm cháy và tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời. Huyện Nam Đàn đã xác định được gần 20 điểm có nguy cơ cháy rừng ở các vùng giáp ranh với Đô Lương, Thanh Chương, tỉnh Hà Tĩnh…

Ngay từ đầu mùa nắng nóng, Ban chỉ đạo các cấp đã chỉ đạo sửa chữa phương tiện, mua sắm và trang bị cho chính quyền địa phương dụng cụ như máy thổi lửa, dao phát, vỉ dập lửa, dày, mũ, máy thổi lửa, cưa xăng …Từ cấp huyện đến xã ở Nam Đàn đã xây dựng bản đồ tác chiến PCCCR với đầy đủ nội dung như trọng điểm cháy của xã, địa điểm tập kết các lực lượng chữa cháy, dự phòng, hậu cần, cứu thương… để chủ động trong công tác PCCCR.

Địa bàn huyện Nghi Lộc có diện tích rừng thông khá lớn với gần 5.000 ha, vì thế nguy cơ cháy rừng mùa nắng nóng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để chủ động PCCCR, huyện Nghi Lộc đã chuẩn bị nhiều phương án PCCCR, đặc biệt là từ năm 2020, Nghi Lộc đã đưa vào mô hình công nghệ giám sát PCCCR bằng camera rất hiệu quả. Chòi canh lửa nằm trên một đỉnh rừng thông xã Nghi Đồng. Điều đặc biệt chòi canh lửa ở đây là không cần có người canh gác mà phía trên chòi được gắn camera có thể bao quát khắp cả các xã Nghi Lâm, Nghi Văn…

Được biết từ tháng 4/2020, Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã tiến hành lắp đặt hệ thống camera 360 độ giám sát cháy rừng với kinh phí trên 400 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh. Theo thiết kế hệ thống camera có 4 mắt, được đặt ở 4 điểm rừng Nghi Văn, Nghi Đồng, Nghi Lâm, Nghi Yên, sử dụng pin năng lượng mặt trời để hoạt động. Các camera đều có vòng quét 360 độ để có thể quan sát các phía. Tầm nhìn của mắt camera lên đến 10 km nên có thể phát hiện các điểm phát lửa ở những nơi xa.

Ảnh: Văn Trường
Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Công Sơn – Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc cho biết: Đơn vị quản lý trên 5.000 ha rừng phòng hộ,  chủ yếu là rừng thông nhựa, tập trung ở các xã Nghi Yên, Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Đồng. Thời điểm này nắng nóng kéo dài trong khi lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên rất khó kiểm soát lửa rừng. Lực lượng trực chòi rất vất vả vì phải làm việc trong nền nhiệt có lúc lên tới 41-43 độ C.

Việc đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát lửa rừng đã hỗ trợ lực lượng trực cháy rất nhiều, góp phần ngăn chặn kịp thời các đám cháy. Tín hiệu mà camera thu về hình ảnh khá sắc nét, tầm quan sát rộng được cập nhật liên tục, giúp cho lực lượng canh trực theo dõi, phòng chống cháy rất rừng hiệu quả.

Ngoài việc giám sát bằng camera, hiện nay Nghi Lộc đã sẵn sàng cho công tác PCCCR, bằng việc xử lý được trên 700 ha thực bì rừng thông, tu sửa 45 tuyến đường băng cản lửa trên 30 km. Từ ngày 15/4 đã tổ chức canh lửa rừng ở 8 chòi canh lửa 24/24 h. Kiện toàn lại lực lượng ở các tổ liên gia (thành lập từ 8 – 12 tổ) trong các khu vực trọng điểm, cụm làng dân cư lâm nghiệp.

Trước nguy cơ cháy rừng hiện hữu trong mùa nắng nóng, các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai lực lượng canh gác, túc trực 24/24h để xử lý ngay khi có sự cố. Theo ghi nhận của phóng viên, tại những khu rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn huyện Diễn Châu như các xã Diễn Phú, Diễn Đoài… hiện đã được lập các chốt để kiểm soát người ra vào rừng, các điểm này luôn có người túc trực.

Anh Nguyễn Cảnh Chân – trú tại xã Diễn Phú, là công nhân khai thác nhựa thông cho biết: Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, cứ mỗi khi vào rừng chúng tôi đều phải qua chốt kiểm tra, khai báo và ghi thông tin cá nhân cụ thể. Mặc dù có hơi bất tiện nhưng thực tế đây là điều cần thiết nhằm phòng chống cháy rừng nên chúng tôi đều chấp hành nghiêm.

Trong cuốn sổ trực rừng của lực lượng trực chốt đều yêu cầu người dân ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, mục đích ra vào rừng và các dụng cụ mang theo khi vào rừng. Điều này giúp kiểm soát triệt để người ra vào và là tư liệu để cơ quan chức năng theo dõi, điều tra khi xảy ra sự cố về rừng.

Ảnh: Tiến Đông
Ảnh: Tiến Đông

Anh Nguyễn Xuân Thuận – đội dân quân tự vệ xã Diễn Phú – phụ trách chốt canh gác tại điểm cuối hồ Xuân Dương, cho biết: Theo kế hoạch, chốt canh gác được thành lập trong khoảng thời gian từ ngày 17/5-17/9/2021 (cao điểm mùa nắng nóng), mỗi ngày có khoảng hơn 20 lượt người dân ra vào rừng, chủ yếu là đi chăm sóc trại và khai thác nhựa thông. Ngoài việc kiểm soát, theo dõi thông tin người ra vào rừng, các chốt canh gác cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được mang lửa vào rừng, đồng thời nâng cao ý thức PCCCR.

Tại huyện Đô Lương, điểm kiểm soát, chòi canh cũng được xây dựng trên các đỉnh núi cao, nhằm bao quát được diện tích rừng trong phạm vi quản lý của chính quyền các địa phương, đơn vị. Trong đó, chòi canh tại xã Hòa Sơn luôn có người túc trực cả ngày lẫn đêm, địa điểm này có thể bao quát được đến 2/3 khu vực rừng của toàn huyện Đô Lương.

(Còn nữa)