Ngân hàng CSXH Nghệ An: 15 năm đồng hành cùng người nghèo

16/09/2017 06:50

(Baonghean) - Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An chính thức khai trương hoạt động từ ngày 9/4/2003. Trải qua 15 năm hoạt động, đã thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. PV Báo Nghệ An đã có bài phỏng vấn ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An.

P.V: Nghệ An là tỉnh khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác gần gấp 2 lần bình quân cả nước, nhu cầu vay vốn của các đối tượng này vẫn còn rất lớn. Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn?

Ông Trần Khắc Hùng: Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã tổ chức tốt việc tiếp nhận nguồn vốn của các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng NN&PTNT bàn giao sang; đồng thời tiếp nhận nguồn vốn do NHCSXH chuyển về; triển khai huy động nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương. Đến 31/8/2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH Nghệ An quản lý đạt 7.076 tỷ đồng, tăng 6.759 tỷ đồng (gấp 22,3 lần) so với ngày đầu thành lập, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân hàng năm đạt 24%.

Phòng giao dịch ngân hàng CSXH Diễn Châu giải  ngân vốn chương trình cho khách hàng. Ảnh: Thu Huyền
Phòng giao dịch ngân hàng CSXH Diễn Châu giải ngân vốn chương trình cho khách hàng. Ảnh: Thu Huyền

Trong những năm qua, Ban đại diện HĐQT và bộ máy điều hành tác nghiệp cùng các tổ chức nhận ủy thác của NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt để huy động nguồn vốn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Bên cạnh đó, UBND các cấp đã quan tâm dành một phần ngân sách từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương được ủy thác qua chi nhánh NHCSXH hơn 99 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng nguồn vốn, trong đó: vốn ngân sách tỉnh là 81,7 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 17 tỷ đồng, vốn ngân sách xã hơn 200 triệu đồng.

Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách cơ bản đáp ứng kịp thời cho nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và phục vụ nhu cầu thiết yếu về đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Tổng doanh số cho vay đã thực hiện đạt 17.675 tỷ đồng, với 1,3 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay đạt 7.060 tỷ đồng, gấp 23 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt trên 23%. Đặc biệt trong 10 năm lại đây (2007-2017) là giai đoạn tín dụng chính sách có mức tăng trưởng rất cao, do nhiều chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ cho thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội được triển khai thực hiện.

P.V: Ông có thể nói cụ thể hơn về một số chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả thời gian qua?

Ông Trần Khắc Hùng: Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao với tổng dư nợ 307 tỷ đồng, sau 15 năm hoạt động, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đang triển khai 18 chương trình tín dụng được Chính phủ giao và một số chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, theo dõi và quản lý trên 297 ngàn hộ vay, chiếm khoảng 38% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Một số chương trình tín dụng chính sách có quy mô lớn đạt hiệu quả cao như: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, có hơn 134 nghìn hộ gia đình đang sử dụng vốn vay để sản xuất chăn nuôi với dư nợ 4.221 tỷ đồng, chiếm 59% /tổng dư nợ; vốn vay trong 15 năm đã giúp cho hơn 158 nghìn hộ gia đình có vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có dư nợ 921 tỷ đồng, trong 15 năm đã giúp cho hơn 244 học sinh, sinh viên có điều kiện ăn học. Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ 726 tỷ đồng, trong 15 năm đã góp phần xây dựng được hơn 210 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh.

Vui lòng nhập tối thiểu 5 từ giúp ích cho việc tìm kiếm.
Đồ họa: Hữu Quân

Ngoài ra, còn một số chương trình như: Cho vay giải quyết việc làm đã tạo việc làm cho hơn 24.000 lao động; giúp cho hơn 8.000 lao động đi xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng 28.164 căn nhà cho hộ nghèo; giúp bảo vệ và phát triển hàng nghìn hecta rừng…

Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH thực hiện thực sự là kênh vốn quan trọng, là “bà đỡ” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đặc biệt là vùng nông thôn, vùng miền núi có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn.

Những con số ấn tượng sau 15 năm hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An. Đồ hoạ: Hữu Quân
Những con số ấn tượng sau 15 năm hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An. Đồ hoạ: Hữu Quân

P.V: Nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã triển khai phương thức quản lý tín dụng chính sách như thế nào để phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả?

Ông Trần Khắc Hùng: Chúng tôi thực hiện ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội một số khâu công việc như: hướng dẫn thành lập và chỉ đạo hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét đối tượng cho vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ.

Đến 30/8/2017 các tổ chức chính trị - xã hội đang tham gia quản lý 6.982 tỷ đồng, chiếm 98,9% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng ủy thác không ngừng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn đến nay chỉ còn 0,18%, giảm 1,63% so với thời điểm nhận bàn giao. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, các tổ chức nhận ủy thác đã phối hợp cùng NHCSXH Nghệ An thành lập và quản lý 7.701 tổ TK&VV vay vốn tại 5.923 thôn (xóm, bản, làng). Đến nay, 100% thôn (xóm) trên địa bàn toàn tỉnh đã có tổ TK&VV của NHCSXH hoạt động nề nếp, ổn định.

Thực hiện chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam về việc xây dựng mạng lưới điểm giao dịch tại xã, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã không ngừng xây dựng và củng cố mạng lưới điểm giao dịch tại xã. Tại các điểm giao dịch các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước được NHCSXH niêm yết công khai, người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để gửi tiền, rút tiền, vay vốn và trả nợ trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương cấp xã, các tổ chức nhận ủy thác và ban quản lý tổ. Nhờ đó đã hạn chế được việc thất thoát, xâm tiêu, tham ô và lợi dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Tất cả các hoạt động của NHCSXH liên quan đến người dân đều được thực hiện tại điểm giao dịch xã: từ khâu tiếp nhận hồ sơ, giải ngân nguồn vốn, trả nợ, lãi, gửi tiết kiệm, phản ánh khó khăn vướng mắc…

Người dân Diễn Ngọc, Diễn Châu vay vốn NHCS chế biến hải sản, phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Thu Huyền
Người dân Diễn Ngọc, Diễn Châu vay vốn NHCS chế biến hải sản, phát triển kinh tế hộ. Ảnh: Thu Huyền

P.V:Giai đoạn 2017-2020, NHCSXH tỉnh phấn đấu đáp ứng cho 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm từ 7% - 10%. Để đạt được mục tiêu đó, Ban Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Nghệ An đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Trần Khắc Hùng: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 17/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy và nâng cao vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tham gia, vào cuộc một cách mạnh mẽ đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định chính trị và an ninh biên giới.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền cấp xã, thôn (bản) để tổ chức quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; đảm bảo tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời, công khai, đúng đối tượng và sử dụng vốn vay có hiệu quả...

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Huyền

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Ngân hàng CSXH Nghệ An: 15 năm đồng hành cùng người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO