Ngân hàng đang hưởng 6% chênh lệch lãi suất?

31/07/2012 17:03

Lãi vay 15%/năm, trong khi lãi tiền gửi chỉ 9%/năm đang dấy lên khúc mắc: ngân hàng đang hưởng 6%/năm, trong khi doanh nghiệp phá sản hàng loạt...

Sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước định hướng lãi suất tiền vay ngắn hạn giảm về 15%/năm đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, cần phải giảm lãi tiền vay ngắn hạn xuống 8%/năm, trung dài hạn 12%/năm. Trong bối cảnh hiện nay, mong muốn này có trở thành hiện thực?

Định hướng lãi vay 15%/năm, trong khi lãi tiền gửi chỉ 9%/năm của Ngân hàng Nhà nước đang dấy lên khúc mắc: ngân hàng đang hưởng 6%/năm, trong khi doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Thực hư con số này như thế nào?

Ngân hàng đang hưởng 6%?

Theo phân tích của một chuyên gia ngân hàng, giả định trong số 100 đồng mà tổ chức tín dụng huy động kỳ hạn dưới 12 tháng, lãi suất 9%/năm thì theo Quyết định số 581/2003/QĐ-NHNN ngày 9/6/2003, mức trích lập dự phòng rủi ro VND kỳ hạn này phải là 3%; dự trữ thanh khoản 10%, còn 87%, hay 87 đồng.

Như thế, lãi suất thực của một đồng vốn huy động để cho vay ra chưa tính các chi phí khác là: 9% : 87% = 10,34% (1) và một khoản khác mà tổ chức tín dụng phải chi là dự phòng chung 0,75% trên mỗi đồng vốn huy động (2). Lấy (1) + (2), sẽ bằng 11,09%.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng còn phải chi một loạt chi phí như: khấu hao tài sản đầu tư, thiết kế sản phẩm tiền gửi, thuê phòng giao dịch, đường truyền mạng, thông tin liên lạc, quảng bá sản phẩm... tiền lương, đều phải tính vào giá vốn và được phân bổ vào trong đó dù co kéo đến mấy thì khoản này cũng tương đương 1% đối với mỗi đồng vốn huy động được.

Tóm lại, chi phí thực tế trên mỗi đồng vốn mà tổ chức tín dụng huy động được lên tới 12,09% và so với lãi vay bị Ngân hàng Nhà nước “định hướng” là 15%/năm thì phần chênh lệch thực tế giữa huy động và cho vay mà ngân hàng thương mại giữ lại, tất nhiên chưa tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 2,91% chứ không phải 6% như nhiều người vẫn đề cập.

So với các loại hình đầu tư khác, tỷ suất sinh lời trên một đồng vốn/năm chưa tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà chỉ ở mức 2,91% là quá thấp.

Thứ hai, thêm một yếu tố không thể không tính đến là các khoản tiền gửi trước đây có kỳ hạn 3 - 4 tháng đã thỏa thuận lãi suất phải trả khách hàng là 12% - 13% - 14%/năm thì kể cả khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất tiền gửi 9% thì ngân hàng thương mại cũng không thể điều chỉnh ngay xuống mức này.

Bởi lẽ, không một khách hàng nào chấp thuận yêu cầu đó, nhất là trong điều kiện khát vốn như thời gian qua, những khách hàng nắm giữ tiền tỷ trở lên thường xuyên so đo, mặc cả từng đồng với ngân hàng. Do vậy, ngân hàng thương mại vẫn phải trả lãi khoản tiền gửi đó như đã cam kết trong hợp đồng, sau đó mới có thể điều chỉnh giảm lãi theo yêu cầu hiện nay của Ngân hàng Nhà nước.

Chưa kể, trong hầu hết các hợp đồng tiền gửi hiện nay đều có kỳ hạn từ 1 - 3 tháng với lãi suất đầu vào bình quân trên 11% - 13%/năm, thậm chí có nhiều món lên tới 15%/năm, nhất là những ngân hàng yếu thanh khoản. Vậy nên, so với mức trần lãi suất tiền vay ngắn hạn 15%/năm, không gian để ngân hàng thương mại cân đối lời lãi là chật hẹp.

Thứ ba, ngoài các thành tố liên quan đến chi phí vốn như nói trên, trong quá trình hoạt động, mỗi một khoản tín dụng bắt đầu từ nhóm 2 đến 3,4,5 đều phải trích lập theo quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, đủ thấy những ngày này, ngân hàng thương mại đang phải co kéo từng đồng để vừa duy trì hoạt động, vừa đạt chỉ tiêu lợi nhuận mà Hội đồng Quản trị đã ra nghị quyết cũng như giảm lãi suất tiền vay để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nợ xấu toàn hệ thống đang ở mức rất cao.

Cơ hội của sàng lọc

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế toán Ngân hàng Nhà nước phân tích, nếu đặt câu chuyện giảm lãi suất trong các mối liên hệ với thị trường vốn sẽ thấy một vấn đề hết sức đáng lo ngại. Thị trường vốn Việt Nam hiện rất chông chênh do toàn bộ gánh nặng đều đổ dồn lên hệ thống ngân hàng.

Trước hết, do ngân hàng gánh vác toàn bộ chức năng thị trường vốn nên phần lớn các doanh nghiệp có hệ số tự tài trợ vốn quá thấp và không chịu nổi mỗi khi lạm phát bùng phát, Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt tiền tệ như từng diễn ra khá nhiều lần kể từ 2008 đến nay.

Điều này trái ngược hoàn toàn so với hệ thống ngân hàng các nước phát triển. Ở đó, không bao giờ ngân hàng cho vay doanh nghiệp khi mà hệ số tự tài trợ quá thấp như ở Việt Nam. Các quốc gia này xếp hạng doanh nghiệp rất cụ thể, rõ ràng và mức tài trợ cũng tương thích với sự xếp hạng đó theo nguyên lý: rủi ro càng cao thì lãi suất phải cao.

Hai là, nhiều năm gần đây, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp quá dễ dãi, thiếu sự cân nhắc đã tạo ra sự tăng trưởng số lượng doanh nghiệp quá lớn trong một thời gian không dài, trong khi số doanh nghiệp có thực lực tài chính tốt không nhiều. Rất nhiều doanh nghiệp vốn tự có chỉ vài chục triệu nhưng vẫn cứ thành lập và khai vống vốn điều lệ lên, sau đó, tìm mọi cách chạy dự án và vay mượn ngân hàng hoặc bên ngoài.

Một bằng chứng là trên cả nước có bao nhiêu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm cao? Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn bị S&P xếp hạng ở mức đầu cơ, vào nhanh và rút thật nhanh thay vì cần có nhiều dự án đầu tư dài hạn hơn nữa.

Các doanh nghiệp Việt Nam ra sàn xếp hạng quốc tế vẫn bị xếp hạng thấp hơn hoặc ngang bằng xếp hạng quốc gia. Ngay cả những doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vincom hay Vietinbank khi phát hành trái phiếu quốc tế đều phải chịu lãi suất rất cao.

Cụ thể, theo bản tin nghiên cứu thị trường của BIDV thì từ đầu năm đến nay, lãi suất trái phiếu quốc tế của Vietinbank lên tới 8,25%/năm trong khi lãi suất USD trong nước khoảng 5%/năm; hay, ba đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Vincom (gồm185 triệu USD, 115 triệu USD và trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm) lãi suất lên tới 11%/năm.

Nhưng, trước tình trạng doanh nghiệp phá sản hàng loạt hiện nay thì thái độ ứng xử của nhà nước phải như thế nào? Bà Hương cho rằng, với tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn chưa bộc lộ hết mức đáy. Và đây là điều kiện tốt nhất để tái cơ cấu và sàng lọc doanh nghiệp.

Theo đó, các bộ ngành quản lý cần phân loại doanh nghiệp theo 3 cấp độ: ngoài những doanh nghiệp tốt mà các ngân hàng đang tìm mọi cách giữ chân họ thì với những doanh nghiệp có triển vọng vượt qua khó khăn, nếu có phương án/dự án kinh doanh khả thi thì ngân hàng nên bơm vốn. Ngược lại, những doanh nghiệp đã phá sản và nguy cơ phá sản cận kề thì phải giải quyết cho phá sản./.


Theo VOV - NT

Mới nhất
x
Ngân hàng đang hưởng 6% chênh lệch lãi suất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO