Ngân hàng và doanh nghiệp loay hoay với nợ xấu
(Baonghean) Nợ xấu tăng cao. Nhiều phương án xử lý nợ xấu được các ngân hàng thương mại tính toán cụ thể. Song, để giải quyết được nợ xấu là vô cùng gian nan. Hiện, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp khó trong vấn đề này.
Đơn cử Công ty CP Lương thực Thanh - Nghệ - Tĩnh là đơn vị hiện đang có nợ xấu 61 tỷ đồng tại ngân hàng. Món nợ xấu lớn này đang khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn chồng chất; vừa lo trả nợ, doanh nghiệp lại không vay được vốn bởi ngân hàng “lắc đầu”.
Ông Trần Bá Loan – Giám đốc Công ty CP Lương thực Thanh - Nghệ - Tĩnh cho hay: “Công ty chúng tôi mua gạo của 3 công ty TNHH: Đoàn Phát, Thành Phát và Hoàng Dung tỉnh Tiền Giang, với số gạo 14.000 tấn, tương đương 144 tỷ đồng. Tin tưởng bạn hàng làm ăn với nhau đã 14 năm chưa một lần xảy ra tranh chấp, Công ty chúng tôi đã thanh toán tiền cho đối tác, còn gạo đang tạm trữ tại các kho của 3 công ty trên chờ xuất khẩu. Nào ngờ 3 công ty này dùng gạo để thế chấp ngân hàng. Tới khi Công ty chúng tôi cần hàng để xuất khẩu thì bị ngân hàng giữ lại... Công ty chúng tôi rốt ráo đòi nợ nhưng 3 công ty này cũng đang nợ ngân hàng chồng chất nên không trả được vốn cho chúng tôi. Do đang có nợ xấu tới 61 tỷ đồng nên không ngân hàng nào cho vay vốn, Công ty CP Lương thực Thanh - Nghệ - Tĩnh không có vốn làm ăn. Hoạt động của công ty càng khó khăn chất chồng. Để trả hết 61 tỷ đồng là rất khó. 3 công ty trên làm văn bản bàn giao kho xưởng cho Công ty Lương thực Thanh - Nghệ - Tĩnh để gán nợ nhưng chúng tôi không dám nhận vì sợ không bán được tài sản để thu hồi nợ, hơn nữa không quản lý được, để lâu dài sẽ xuống cấp…”.
Nợ xấu gia tăng- rào cản phát triển kinh tế.
Tính đến 31/7/2012, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn Nghệ An là 2.326 tỷ đồng, chiếm 3,4% trên tổng dư nợ. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán nợ đến hạn nên nợ xấu ngân hàng tăng rất nhanh (doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng, công nghiệp chế biến…). Nợ xấu tăng cản trở rất lớn cho các dòng vốn của tổ chức tín dụng được đưa vào doanh nghiệp, khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp khó khăn hơn. Nợ xấu tăng, các ngân hàng đều thận trọng trong đầu tư vốn vì nguy cơ rủi ro. Như vậy, doanh nghiệp và ngân hàng rất khó gặp nhau trong giai đoạn “nóng” nợ xấu này!.
Ông Phan Đức Tiến - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Nghệ An cho rằng: Để giải quyết nợ xấu, đối với cho vay mới phải hạn chế được nợ xấu phát sinh, đầu tư dự án nào thì phải xác định được khoản vay đó của khách hàng có nguồn thu chắc chắn để trả nợ trong thời hạn cho vay. Còn đối với nợ xấu thực chất do nguyên nhân chủ quan, không có khả năng trả nợ thì phải xử lý nhanh tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, để xử lý được nợ xấu là vô cùng khó khăn. Các khoản thế chấp chủ yếu là bất động sản, nay rao bán mãi không ai mua. Để phát mại được tài sản là bất động sản, quy trình phát mại khá dài, nếu thuận lợi thì trong mấy tháng. Có tài sản phát mại 2 năm sau mới bán được…
Bà Lê Thị Lý - Trưởng phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Nghệ An chia sẻ: Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra nợ xấu của từng khách hàng, khi xử lý thu hồi nợ cũng có những khó khăn nhất định: Nhiều khách hàng (thông thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ) không chịu được áp lực của thị trường trong giai đoạn hiện nay, kinh doanh thua lỗ, sản xuất bị ngừng trệ, không tìm được nguồn khác bù đắp. Đối với các khách hàng này thì ngân hàng chỉ trông chờ vào xử lý tài sản thế chấp mới thu hồi được. Có doanh nghiệp thì hàng hoá sản xuất ra không tiêu thụ được (xi măng, vật liệu xây dựng do thị trường bất động sản đóng băng): ngân hàng phải giãn nợ, hạ lãi suất, hy vọng thị trường phục hồi để có tiền thu nợ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp do nguyên nhân từ lục đục nội bộ của ban lãnh đạo, thiếu trách nhiệm hợp tác với ngân hàng. Đối với trường hợp này, ngân hàng rất mất thời gian, khoản nợ bị kéo dài không xử lý được trong khi lãi vay cứ gia tăng.
Có trường hợp đã dùng nhiều biện pháp nhưng kết quả không cao thì ngân hàng buộc phải khởi kiện ra toà. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã khó khăn, nợ nần từ nhiều phía buộc phải ngừng sản xuất thì họ cũng không quan tâm lắm đến việc bị kiện cáo, thậm chí họ còn sẵn sàng giao toàn bộ tài sản cho ngân hàng tự xử lý thu tiền về. Việc phát mại tài sản thế chấp, tài sản của doanh nghiệp không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay. Mặt khác, ngân hàng thường không nỡ bán tài sản duy nhất của người vay vốn thế chấp để thu nợ. Điều này góp phần làm cho khoản nợ bị kéo dài.
Quỳnh Lan