Ngăn ngừa học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật
(Baonghean)- Tình trạng thanh thiếu niên, trong đó có HSSV vi phạm pháp luật đang diễn ra ngày càng nhiều, gây bức xúc cho gia đình, nhà trường và xã hội...
Thực trạng báo động...
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trong năm 2015, công an thành phố Vinh đã khởi tố 15 vụ, 31 đối tượng là giáo viên, học sinh sinh viên tham gia các tội cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc; xử lý 956 trường hợp HSSV vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đối tượng Nguyễn Đức Anh bị bắt khi dùng đèn pin phóng điện khống chế cướp tài sản ở cửa hàng Tôn Nữ, đường Nguyễn Văn Cừ. Ảnh tư liệu - Văn Bình |
ĐIển hình ngày 10/6/2015, công an thành phố Vinh bắt giữ Vi Văn Luật và Già Bá Thái ( sinh viên trường Cao đẳng nghề số 04 Bộ Quốc Phòng) vì hành vi buôn bán 700 viên ma túy đá. Ngày 16/11/2015, 2 nữ sinh viên Nguyễn Thị Thương và Ngũ Thị Mận ( trường Trung cấp Kinh tế Công Nghiệp- Thủ công nghiệp Nghệ An) bị bắt giữ vì hành vi cướp giật điện thoại di động của người đi đường.
Hay mới đây nhất, ngày 8/12/2015,Nguyễn Đức Anh, SN 1997, trú tại khối Yên Phúc A, phường Hưng Bình (TP Vinh) hiện là sinh viên 1 trường Đại học ở Hà Nội đã bị tóm gọn khi giả vờ mua hàng dùng khăn len bịt miệng và đèn pin phóng điện dí vào cổ chủ cửa hàng Tôn nữ, số 235, đường Nguyễn Văn Cừ để khống chế cướp tài sản...
Ngoài những hành vi vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực học đường, HSSV tham gia các tệ nạn xã hội, nhất là nạn đánh bạc, lô đề, cá độ bóng đá từ đó nảy sinh nợ nần, phải cắm tài sản, giấy tờ, vay mượn của các đối tượng hoạt động “ tín dụng đen” núp bóng hoạt động cầm đồ cũng đangngày càng gia tăng. Nhiều sinh viên phải bỏ học vì không có khả năng trả nợ gây hệ lụy không nhỏ đối với gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, vấn đề mất an toàn an ninh trường học hiện nay cũng đang là nỗi lo lắng của không ít của các bậc phụ huynh và HSSV.
Theo khảo sát của trường Đại học Vinh, trong năm 2015 có 97 trường hợp sinh viên bị mất trộm tài sản, 4 trường hợp bị cướp, 6 trường hợp bị gây thương tích... |
Điều đáng lưu tâm là lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều đối tượng xấu đã lập các trang web hoặc thông qua facebook lôi kéo HSSV tuyên truyền, kích động, HSSV tham gia các hoạt động biểu tình, gây rối an ninh trật tự,ký tên ủng hộ các đối tượng có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong HS, SV đang có nguy cơ gia tăng hiện nay như: Môi trường sống dẫn đến tác động của nhận thức ở lứa tuổi vị thành niên, quan hệ xã hội, sự lơ là trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục của gia đình… Đặc biệt, với sự bùng nổ của mạng facebook,phim ảnh, trò chơi game đầy bạo lực cũng ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của các em học sinh. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế hội nhập, HS, SV hiện nay đang thiếu những sân chơi bổ ích, thân thiện và lành mạnh...
Nỗ lực ngăn chặn
Trước thực tế trên, những năm qua, các ngành chức năng, các trường đại học và tổ chức đoàn- hội đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên, trong đó có đối tượng HSSV.
Tại trường đại học Vinh hiện có 25.718 HSSV, HV đang học tập trung trong đó HSSV ngoại trú, trong đó số ở ngoại trú và tạm trú trên các địa bàn phường, xã thành phố Vinh và các vùng phụ cận chiếm 94,5%. Sống xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình, nếu thiếu bản lĩnh và sự tu dưỡng, rèn luyện, các em rất dễ bị sa ngã.
Công an Nghi Lộc xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông. |
Nhận thức được điều này, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với công an, chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý HSSV. Đặc biệt mô hình sinh viên tự quản trong đào tạo hệ thống tín chỉ tại trường Đại học Vinh ( được chia thành các lớp tự quản, tổ tự quản ,nhóm tự quản, cá nhân sinh viên tự quản) đã được công an tỉnh Nghệ An chọn xây dựng thành mô hình điểm về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Thạc sỹ Nguyễn Công Lý- Trưởng phòng công tác chính trị HSSV ( Đại học Vinh) cho biết: sự ra đời của mô hình sinh viên tự quản đã tăng cường được tính tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, tự phát hiện tố giác tội phạm trong sinh viên, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trường học, tạo môi trường lành mạnh để sinh viên học tập, nghiên cứu. |
Về phía tỉnh đoàn Nghệ An, đơn vị chủ lực trong thực hiện đề án giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, trong đó có HSSV, ngoài việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, Tỉnh đoàn- Hội LHTN tỉnh đã phối hợp tích cực với các nhà trường chỉ đạo các tổ chức đoàn- hội tăng cường thành lập các CLB đội, nhóm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút sinh viên tham gia như CLB thắp sáng niềm tin, nhóm bạn giúp bạn, đội truyền thông lưu động...
Học sinh thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật ở Quỳ Hợp. Ảnh Phan Giang |
Điển hình như Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thi tuyên truyền chính sách pháp luật với hình thức “ Rung chuông vàng”; Trường Đại học Vinh thành lập câu lạc bộThực hành pháp luật với tổng số 400 thành viên, sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng theo chủ điểm, nội dung sinh hoạt liên quan đến nội quy, quy định Nhà trường; quán triệt việc thực hiện nghiêm túc Luật Giáo dục, Luật Thanh niên, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Giao thông đường bộ…với nhiều hình thức đa dạng, phong phú coi đây là một kênh tuyên truyền pháp luật cho HSSV.
Ở khu vực biên giới, triển khai thực hiện đề án của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới. Trong đó có đối tượng học sinh. Các đồn biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thanh niên mở 97 lớp tuyên truyền chính sách pháp luật thu hút 3.160 học sinh lớp 9 tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào luật hình sự, luật cư trú, quy chế khu vực biên giới, luật biên giới quốc gia, các quy định xử phạt hành chính vi phạm quy chế biên giới; thành lập các đội TNXK giữ yên biên giới....
Theo đại tá Phan Tuấn Phượng- Trưởng phòng PA 83 ( Công an tỉnh): Ngoài việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đơn vị liên quan trong quản lý HSSV, duy trì cụm giáp ranh đảm bảo an ninh trật tự trường học giữa công an phường, xã và các cụm khối xóm dân cư liền kề. Bên cạnh đó tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên cần nghiên cứu tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp, lành mạnh thu hút học sinh, sinh viên tham gia để tránh xa các hoạt động lôi kéo, kích động của các phần tử xấu. |
Để công tác quản lý HSSV được tốt hơn, các trường học cần tích cực phối hợp với phường xã, khối xóm thực hiện nghiêm túc việc nhận xét HSSV cuối mỗi học kỳ, năm học để có căn cứ đánh giá, xếp loại kết quả rèn luyện của HSSV.Đồng thời phân công cán bộ quản lý các địa bàn có HSSV của trường tạm trú. Từ đó nắm bắt, chấn chỉnh kịp thời tình hình HSSV vi phạm luật giao thông, vi phạm quy chế tạm trú như thức khuya, gây ồn ào, đánh bài ăn tiền... đồng thời nắm bắt được các vụ việc xảy ra đối với học sinh, sinh viên để có phương án xử lý kịp thời.
Khánh Ly
TIN LIÊN QUAN