Ngân sách dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024
(Baonghean.vn) - Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Dự kiến thu chi ngân sách Nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Chiều 23/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khoá XV tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên làm việc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 – 2026.
Theo đó, ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng năm 2023 bằng 75,5% dự toán, tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 15,7% GDP. Về chi ngân sách Nhà nước năm 2023, ước thực hiện 9 tháng bằng 59,7% dự toán.
Căn cứ đánh giá thu và chi ngân sách Nhà nước, ước bội chi ngân sách Nhà nước năm nay khoảng 4% GDP. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng khoảng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt 15,3%GDP.
Về bội chi ngân sách Nhà nước, bám sát mục tiêu Kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024 bằng khoảng 3,6% GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Cụ thể là với dự kiến thu chi ngân sách Nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.
Báo cáo về Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Kế hoạch được xây dựng với dự kiến tình hình kinh tế - xã hội từng bước cải thiện, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn được đảm bảo.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhấn mạnh: Mặc dù nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, việc điều hành ngân sách nhà nước đạt nhiều kết quả khả quan.
Đồng thời, người đứng đầu Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý một số vấn đề như: Tình hình thu ngân sách Nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn.
Thu ngân sách Nhà nước chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách miễn giảm thuế phí nhưng báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá định lượng, hiệu quả của các chính sách này.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho rằng vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương bị ảnh hưởng. Thu ngân sách địa phương có sự không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán, các địa phương cần phấn đấu hoàn thành dự toán.
Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng phương án dự toán thu tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023 là khá tích cực trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6% - 6,5%, lạm phát khoảng 4% - 4,5%. Tuy nhiên, thu ngân sách Nhà nước vẫn chứa yếu tố rủi ro, thiếu bền vững khi thu từ đất có mức tăng lớn.
Về dự toán chi, Ủy ban Tài chính, Ngân sách lưu ý cần đánh giá tổng thể về thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực 2024-2026, dự báo đến 2030 để bảo đảm tính khả thi, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW.
Đồng thời cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động trong bố trí nguồn lực; cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, có chính sách động viên bổ sung nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo; đồng bộ điều chỉnh mức lương cơ sở với đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm;…
Cũng trong chương trình làm việc chiều 23/10, các thành viên Chính phủ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội gồm: Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung trên.
Trong đó, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho thấy, sau 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch Covid -19 cộng với bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhiều rủi ro, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi, đạt được kết quả tích cực. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch (6 - 6,5%); 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, cả năm dự báo khoảng 5 - 5,5%; tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5% - 7% giai đoạn 2021 – 2025 và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.