Ngang nhiên chặt phá cây trên phần đất rừng đang tranh chấp

Tiến Đông 03/02/2023 15:17

(Baonghean.vn) - Mặc dù đang trong quá trình tranh chấp, ông Phan Công Tiến, xóm Hưng Mỹ (xã Thịnh Thành, Yên Thành) vẫn ngang nhiên chặt phá cây trên phần đất được cho là đã bán cho ông Nguyễn Bá Ngọc (xã Liên Thành, Yên Thành), dù bị UBND xã Thịnh Thành lập biên bản và đình chỉ nhiều lần.

Nhập nhằng chuyện mua bán

Theo đơn trình bày của đại diện gia đình ông Nguyễn Bá Ngọc (ông Ngọc đã mất năm 2016), vào ngày 14/12/2002, ông Ngọc có nhận chuyển nhượng 20ha đất lâm nghiệp của ông Phan Công Tiến, gồm các thửa 375, 318, 378, tờ bản đồ số TK888, tại vùng Khùa, xóm Đông Thịnh (xã Thịnh Thành). Hiện nay, khu vực này theo bản đồ 163 là thửa đất số 219, tờ bản đồ số 02 mang tên ông Ngọc. Sau khi hoàn tất việc mua bán, cùng ngày ông Ngọc đã tiến hành làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, xác định mốc giới, ranh giới đất lâm nghiệp tại UBND xã Thịnh Thành.

Khu vực rừng Khùa tại xóm Đông Thịnh đang tranh chấp giữa gia đình ông Ngọc và ông Tiến. Ảnh: Tiến Đông

Đến năm 2006, ông Ngọc tiếp tục nhận chuyển nhượng từ gia đình ông Tiến lô đất phía Nam khe Ứ Hự với tổng diện tích 25,9ha, thuộc các lô 30, 43, 45 khoảnh 8, tờ bản đồ số TK888. Sau khi nhận chuyển nhượng những diện tích đất nói trên, gia đình ông Ngọc đã sử dụng ổn định, trồng keo và thu hoạch liên tục trên diện tích đất đã mua và nộp thuế đầy đủ. Ngoài ra, ông Ngọc còn xây dựng nhà trại tại khu vực đất rừng đã mua. Đến năm 2015 sau khi gia đình ông Ngọc khai thác, thu hoạch cây trên phần đất khoảng 13ha (còn 7ha chưa khai thác), thì ông Tiến đã lợi dụng gia đình ông Ngọc neo người, lại công tác ở Hà Nội, không ai cai quản nên đã tự ý đốt dọn, trồng keo trên diện tích ước tính 13ha của gia đình ông Ngọc. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, ông Ngọc đã làm đơn gửi lên UBND xã Thịnh Thành và được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức hòa giải vào ngày 9/10/2015. Việc hòa giải không thành, UBND xã Thịnh Thành yêu cầu cả hai bên phải giữ nguyên hiện trạng, nếu ai vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong biên bản hòa giải vào ngày 9/10/2015, UBND xã Thịnh Thành cũng đã xác nhận việc mua bán giữa ông Tiến và ông Ngọc là có thật, thậm chí diện tích đất nói trên theo bản đồ 163 là thửa 219, tờ bản đồ số 02 mang tên ông Nguyễn Bá Ngọc và đã thanh toán nghĩa vụ thuế cho Nhà nước từ năm 2007 đến nay.

Phần đất rừng đang tranh chấp đã bị chặt phá cây cối. Ảnh: Tiến Đông

Vậy nhưng, vào năm 2016, khi ông Ngọc đột ngột qua đời, lúc này việc tranh chấp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, con trai ông Ngọc là anh Nguyễn Bá Công tiếp tục đại diện cho gia đình khiếu nại lên các cấp. Trong khoảng thời gian này, gia đình ông Tiến đã nhiều lần đưa người, phương tiện vào khai thác rừng tại khu vực tranh chấp. Sự việc sau đó được gia đình ông Ngọc phát hiện, trình báo với chính quyền địa phương. Bản thân chính quyền địa phương xã Thịnh Thành cũng đã nhiều lần lập biên bản đình chỉ việc khai thác cây cối trái phép của gia đình ông Tiến, tuy nhiên, gia đình ông Tiến vẫn ngang nhiên thực hiện, bất chấp quy định của pháp luật.

Tranh chấp kéo dài

Anh Nguyễn Bá Công (con trai ông Ngọc) cho rằng: Việc gia đình ông Tiến thuê người, máy móc vào chặt phá cây cối trên phần đất mà bố anh đã mua và trồng cây là vi phạm pháp luật. Toàn bộ số cây mà gia đình ông Tiến đã chặt vào thời điểm tháng 1/2019 là cây do gia đình anh trồng, tổng số cây bị mất có giá trị khoảng 80 triệu đồng.

Nhiều cây keo, tràm có kích thước lớn đã bị chặt phá. Ảnh: Tiến Đông

Anh Công cũng cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh đã liên lạc với Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành và đề nghị chính quyền có biện pháp ngăn chặn hành vi này. Gia đình anh Công đã cung cấp một số clip quay quá trình các đối tượng chặt cây. Bản thân chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần lập biên bản, đình chỉ khi gia đình ông Tiến vào chặt cây cối, tuy nhiên, lại không có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành thừa nhận, chính quyền địa phương đã yêu cầu hai bên phải giữ nguyên hiện trạng, tuy nhiên, gia đình ông Phan Công Tiến đã nhiều lần cho người và phương tiện vào chặt cây mà không có đơn xin phép gửi chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm. Vì thế, chính quyền đã nhiều lần phải lập biên bản, đình chỉ việc chặt cây của gia đình ông Tiến.

Chúng tôi đặt câu hỏi tại sao phía gia đình ông Tiến ngang nhiên vi phạm, chặt phá cây cối khi chưa xin phép và cũng đã từng bị lập biên bản, đình chỉ nhiều lần nhưng vẫn tái phạm mà chính quyền không có biện pháp xử phạt hay xử lý dứt điểm? Ông Phong cũng thừa nhận việc chưa biết xử phạt và và xử lý theo quy định nào. Hiện tại, vụ việc tranh chấp đã được TAND huyện Yên Thành thụ lý, vì thế ông Phong cũng kiến nghị TAND sớm giải quyết, tránh gây bất ổn tại địa phương.

Khó khăn nhất khi người hiểu rõ sự việc bên phía nguyên đơn là ông Ngọc thì đã mất. Chưa kể thời điểm giữa ông Ngọc và ông Tiến phát sinh mua bán đất rừng đã không cắm mốc ranh giới rõ ràng, hơn nữa sau này UBND huyện đã cho thi công một con đường chở nguyên liệu đi qua đây nên hiện trạng đã thay đổi.

Ông Nguyễn Đình Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành

Phía gia đình ông Phan Công Tiến, trong nhiều cuộc họp cũng như đối thoại cho rằng, phía gia đình ông Ngọc chưa thanh toán hết tiền nên mới xảy ra việc tranh chấp.

Một gốc keo đã bị chặt trên phần đất đang tranh chấp. Ảnh: Tiến Đông

Mới đây nhất vào ngày 13/1/2023, UBND xã Thịnh Thành tiếp tục có Thông báo về việc dừng thu hoạch, sản xuất canh tác trên thửa đất đang tranh chấp tại vùng Khùa (xóm Đông Thịnh), gửi cho ông Phan Công Tiến. UBND xã Thịnh Thành cũng nêu rõ, hiện tại thửa đất số 219, tờ bản đồ số 02 tại vùng rừng Khùa, xóm Đông Thịnh đang có tranh chấp và được TAND huyện Yên Thành thụ lý. Trong thời gian chờ TAND giải quyết, yêu cầu ông Phan Công Tiến không được khai thác, thay đổi hiện trạng tại khu vực nói trên. UBND xã Thịnh Thành cũng giao trách nhiệm cho ông Phan Công Tiến dừng ngay việc khai thác tràm, trồng tràm trên diện tích đang tranh chấp cho đến khi có kết quả giải quyết của TAND huyện Yên Thành, nếu không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Căn cứ giấy mua bán, đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng đã được chính quyền địa phương xác nhận về ranh giới, mốc giới, dù chưa được cấp lâm bạ nhưng điều này là cơ sở ban đầu để khẳng định giữa hai bên đã có giao dịch về chuyển nhượng đất rừng. Thế nhưng, trong khi đang xảy ra những tranh chấp mà gia đình ông Phan Công Tiến cố tình vào khu vực này khai thác, đốt dọn để trồng cây khi chưa có sự đồng ý của gia đình ông Nguyễn Bá Ngọc, thậm chí là cố tình khai thác khi chính quyền địa phương đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng là hành vi vi phạm pháp luật. Để xảy ra vụ việc kéo dài, thiết nghĩ chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quan tâm để tháo gỡ cũng như xử lý dứt điểm.

Mới nhất
x
Ngang nhiên chặt phá cây trên phần đất rừng đang tranh chấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO