Chuyển đổi số

Ngành bán dẫn Trung Quốc chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ như thế nào?

Phan Văn Hòa 14/11/2024 14:00

Để chuẩn bị đối phó các lệnh trừng phạt mới của Mỹ trong thời gian tới, các công ty bán dẫn Trung Quốc đang tăng cường mua thiết bị sản xuất chip nước ngoài và tìm cách hình thành liên minh mới khi ông Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn đầy thử thách kéo dài thêm 4 năm dưới sự lãnh đạo của Donald Trump. Để đối phó với các thách thức do các chính sách cứng rắn từ Mỹ, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mua sắm thiết bị sản xuất chip từ các quốc gia khác, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc cũng tích cực tìm kiếm cơ hội tuyển dụng nhân tài quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn, để củng cố lực lượng lao động của mình.

Ngoài ra, ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cũng đang tích cực xây dựng các liên minh chiến lược mới, hợp tác với các quốc gia và công ty có công nghệ phù hợp, nhằm tăng cường sức mạnh và giảm thiểu tác động từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Ảnh minh họa0
Ảnh minh họa.

Theo tổng hợp và đánh giá từ hơn 30 bài báo, báo cáo và nghiên cứu được các công ty, hiệp hội ngành công nghiệp và các nhà phân tích chip tại Trung Quốc công bố sau khi Donald Trump thắng cử cho thấy các chuyên gia và doanh nghiệp Trung Quốc đang xem xét một số chiến lược nhằm đối phó với những tác động từ chính sách thương mại của chính quyền Mỹ sắp tới.

Một trong các chiến lược quan trọng là thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng hơn với các quốc gia và công ty không bị ràng buộc hoặc chịu ảnh hưởng từ các chính sách thương mại và hạn chế công nghệ mà chính quyền Mỹ có thể áp dụng. Đồng thời, các nghiên cứu cũng nhấn mạnh vào việc nâng cao khả năng tự cung tự cấp về công nghệ bán dẫn và phát triển chuỗi cung ứng trong nước để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài.

Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, cựu Tổng thống Donald Trump đã tập trung vào các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei Technologies và ZTE, cùng với nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC). Ông Trump đã đưa những công ty này vào "danh sách đen" thương mại, một động thái hạn chế nghiêm ngặt khả năng tiếp cận của họ đối với các công nghệ tiên tiến từ Mỹ.

Chính sách này không chỉ ngăn Huawei, ZTE và SMIC mua sắm phần cứng và phần mềm cốt lõi từ các công ty Mỹ mà còn cản trở họ tiếp cận các linh kiện và dịch vụ quan trọng cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất công nghệ cao. Những biện pháp này nhằm mục tiêu làm suy yếu vị thế của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, đồng thời giảm thiểu các rủi ro về an ninh quốc gia mà chính quyền Trump cho rằng, có thể phát sinh từ sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Biden đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ và toàn diện, nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận những công nghệ chip tiên tiến nhất. Thông qua việc mở rộng các quy định xuất khẩu, Mỹ đã ngăn chặn không chỉ việc bán mà cả việc chuyển giao công nghệ chip cao cấp từ các công ty công nghệ Mỹ sang Trung Quốc. Chính sách này nhằm làm suy yếu khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ then chốt, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính, mà Mỹ coi là yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu.

Ông Zhu Jing - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Bắc Kinh đã kêu gọi các công ty chip Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh quốc tế và mở rộng sang thêm nhiều quốc gia. Ông cho rằng, có thể sẽ có cơ hội tiếp tục nhập khẩu một số loại chip nếu sự hợp tác quốc tế giữa Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu trong việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc trở nên lỏng lẻo hơn dưới thời chính quyền Trump.

Trong một bài viết đăng trên ứng dụng WeChat, ông Zhu Jing khuyến khích các công ty cũng nên tăng cường thu hút nhân tài ở nước ngoài nếu chính quyền Trump lặp lại lập trường của nhiệm kỳ đầu tiên và thực hiện các chính sách gây khó khăn cho sinh viên và chuyên gia Trung Quốc làm việc tại Mỹ.

“Sau khi Trump nhậm chức, có thể sẽ có một số lợi ích cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc về mặt nhân tài chuyên nghiệp, các công ty đa quốc gia và hợp tác nước ngoài. Tôi khuyến nghị chúng ta nên thích ứng với tình hình mới và những thay đổi kịp thời”, ông Zhu Jing nói.

Nhiều bài viết cũng dự đoán ngành công nghiệp này sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng kiểm soát xuất khẩu và khả năng bị áp thuế dưới thời Trump, và việc tăng cường tự cung tự cấp chính là con đường phía trước.

Jinan Lujing Semiconductor Company, nhà sản xuất chip bảo mật và thiết bị điện, cho biết trên tài khoản WeChat của mình rằng: "Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã khiến chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của chất bán dẫn và sự cần thiết của nội địa hóa, mở đường cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trở nên tự chủ".

Để chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Trung Quốc đã tăng cường mua thiết bị bán dẫn từ nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc đã tăng 1/3 lên 24,12 tỷ USD, theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc.

Trong đó, 7,9 tỷ USD được chi cho máy in thạch bản, loại máy cần thiết để sản xuất ra những con chip tiên tiến nhất, tăng 35,44% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các máy quang khắc này đều đến từ Hà Lan, với trị giá 7 tỷ USD.

Nhà sản xuất máy in thạch bản hàng đầu thế giới, ASML Holding (Hà Lan) đã ngừng xuất khẩu các máy quang khắc cực tím sâu (DUV) tiên tiến nhất sang Trung Quốc trong năm nay. Theo các quy định mà chính quyền Biden ban hành từ năm ngoái, ASML cũng phải hạn chế việc cung cấp một số mẫu DUV cũ hơn cho các nhà máy nhất định tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, từ năm 2019, ASML đã không thể xuất khẩu các máy quang khắc cực tím (EUV) – loại công nghệ tiên tiến hơn vào thị trường Trung Quốc, do các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt từ phía Mỹ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nori Chiou - Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý đầu tư White Oak Capital Partners có trụ sở tại Singapore cho biết: "Các công ty công nghệ Trung Quốc, vốn đã chịu tác động nặng nề từ các mức thuế quan cao trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, giờ đây đã dần dần mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất để giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Sau những khó khăn trong giai đoạn trước, các công ty này giờ đây đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với những thử thách từ cuộc chiến thương mại năm 2018 cũng như cuộc bầu cử năm 2020".

Theo SCMP
Copy Link

Mới nhất

x
Ngành bán dẫn Trung Quốc chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO