Ngành Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng
(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh khó khăn, ngành Công Thương nói chung và Sở Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng đã phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Chiều 13/5, tại tỉnh Quảng Bình đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2024. Tham dự có đồng chí Đỗ Thị Minh Trâm – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương; cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Sở Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung bộ: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Công nghiệp, thương mại phục hồi và tăng trưởng
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, hoạt động của ngành Công Thương diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo.
Trước tình hình đó, ngành Công Thương nói chung và Sở Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng đã phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Các sở công thương đã bám sát các nội dung được đề ra tại Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND, Chương trình, Kế hoạch hành động của UBND các tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và xúc tiến hỗ trợ đầu tư; cùng với sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.
Năm 2023, chỉ số IIP các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đều có mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa lần lượt là 1,2% - 1,56% - 6,6% - 4,67% - 8,07% - 20,01% (IIP của cả nước 3 tháng đầu năm tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước).
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu của vùng gồm: Sản xuất điện; lọc hóa dầu; đá xây dựng các loại; xi măng; bê tông trộn sẵn; ván ép từ gỗ; gỗ cưa hoặc xẻ; quặng titan; sữa chế biến; bia các loại; may mặc; thủy, hải sản chế biến; sản phẩm in; dầu thực vật, thuốc lá; tinh bột; nước khoáng...
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đều giữ mức tăng khá so với năm trước; cụ thể lần lượt là: 14,6% - 15,1% - 10% - 13,03% - 23,31% - 14,1%; đến 3 tháng đầu năm 2024 là: 1% - 9,59% - 10,05% - 21,47% - 40% - 11,27% (cả nước 3 tháng đầu năm 2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng năm 2023 đạt 11.530,04 triệu USD, chiếm hơn 3% giá trị xuất khẩu cả nước (354.500 triệu USD).
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá trong quý I/2024 trên cả nước nói chung và 6 tỉnh trong khu vực nói riêng đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là: chè, dăm gỗ, thép, phôi thép, linh kiện điện tử, hoa quả chế biến và nước hoa quả, xơ và sợi dệt các loại...
Tăng cường trao đổi kinh nghiệm liên kết vùng
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp-thương mại của các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Các chỉ tiêu phát triển của ngành Công Thương mặc dù có mức tăng trưởng, tuy nhiên vẫn chưa cao và có chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đã đề ra. Chưa nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa cải thiện đáng kể về chất lượng, mẫu mã để có thể xâm nhập vào các thị trường mới, do vậy, chưa mở rộng được thị trường xuất khẩu mới.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển công nghiệp - thương mại trong 9 tháng cuối năm 2024 vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Minh Trâm – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương đề nghị sở công thương các tỉnh cần quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2024.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, sở công thương các tỉnh cần đề ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt, sát với tình hình thực tế mỗi tỉnh, tăng cường trao đổi kinh nghiệm liên kết vùng trong sản xuất công nghiệp và kết nối cung - cầu trong kinh doanh thương mại. Bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Quyết định số 155/QĐ-BCT ngày 23/01/2024 về ban hành chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 và chỉ đạo của UBND các tỉnh về thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2024.
Đồng thời, tăng cường hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng những cam kết ưu đãi và kết quả hoạt động đối ngoại của tỉnh để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế; phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất lao động của toàn ngành; Triển khai các kế hoạch phát triển ngành mới ban hành.
Lãnh đạo Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.
Hội nghị cũng đã đánh giá kết quả thực hiện Giao ước thi đua năm 2023 được ký kết giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Trao quyền đăng cai Hội nghị ngành Công Thương và công tác thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2025 cho tỉnh Quảng Trị.