Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn
Việc Mỹ quyết định áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với Việt Nam sẽ có tác động mạnh đến ngành dệt may trong nước. Đây là mức thuế rất cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư và nguồn lực phát triển của các doanh nghiệp dệt may trong nước.
Tại hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều 7/4, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) – nhấn mạnh mức thuế này sẽ khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam mất lợi thế so với nhiều quốc gia khác.
Trong khi Việt Nam chịu thuế 46%, các đối thủ như Trung Quốc chỉ chịu 34%, Ấn Độ 26%, Bangladesh 37%, Indonesia 32%, Mexico 25%, Pakistan 29%, Thổ Nhĩ Kỳ và Honduras chỉ 10%.

Trong bối cảnh khó khăn, ông Cẩm cho rằng các doanh nghiệp cần bình tĩnh, chủ động cập nhật thông tin, hợp tác với đối tác và người mua để chia sẻ rủi ro và tìm kiếm giải pháp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu sang những khu vực giàu tiềm năng như các nước Hồi giáo (Halal), Nam Mỹ và các quốc gia đã ký FTA với Việt Nam.
Việc chuyển đổi số, ứng dụng đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực nội tại được xem là chiến lược quan trọng để doanh nghiệp ứng phó với biến động thị trường.
Ông Cẩm cũng đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu và khả năng hợp tác từ các nước sở tại.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đại diện Vitas kiến nghị Chính phủ cần xúc tiến nhanh đàm phán FTA giữa ASEAN – Canada hoặc mở ra hướng đi song phương với FTA Việt Nam – Canada.
Mục tiêu là điều chỉnh quy tắc xuất xứ chỉ còn 2 công đoạn, phù hợp hơn với năng lực hợp tác của hai bên thay vì quy định 3 công đoạn theo CPTPP.
Ngoài ra, Chính phủ cũng được đề xuất xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời như giảm thuế, phí, lãi suất vay, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm các khoản đóng góp bắt buộc.
Theo số liệu của Vitas, năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 43,6 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm 16,6 tỷ USD – tương đương 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành và bằng 15% tổng lượng nhập khẩu dệt may của Mỹ.
Trong cùng năm, Việt Nam nhập khẩu hàng dệt may từ Mỹ trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm 4,8% tổng kim ngạch nhập khẩu ngành.