'Ngành điện cứ tăng giá và đổ cho thời tiết để đỡ phải giải thích'
Nhiều ĐBQH bày tỏ bức xúc về việc tăng giá điện, đồng thời đề nghị kiểm toán nhà nước đối với kinh doanh ngành điện.
Tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng 30/5 về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc về việc tăng giá điện, đồng thời lên tiếng đề nghị phải công khai, minh bạch, công bằng, và cho rằng Kiểm toán Nhà nước phải vào cuộc đối với kinh doanh ngành điện.
Dù Bộ Công Thương đã có báo cáo giải trình về điều chỉnh giá điện, nhưng đại biểu Quốc hội cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc để làm rõ. (Ảnh minh họa) |
Cần công khai kết luận của Thanh tra Chính phủ
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu rõ: Chính phủ đã xem xét điều chỉnh giá điện theo đúng quy định. Nhưng vấn đề ở đây không phải là đúng quy định hay không bởi Chính phủ làm thì luôn đúng. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về tác động của việc tăng giá điện đối với đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá điện tăng sẽ dẫn tới tăng chi phí đầu vào của đơn vị sản xuất kinh doanh, tăng giá thành sản phẩm khiến sức mua của người dân giảm và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, ông Nguyễn Quốc Hận đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận |
Đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để làm rõ hoạt động kinh doanh của ngành điện.
Tránh tình trạng tăng giá "té nước theo mưa"
Cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc giá điện tăng, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho biết, vấn đề này đang được nhiều cử tri quan tâm.
Bà Phúc nhấn mạnh: "Theo cử tri, việc tăng giá điện thời điểm này là không phù hợp. Mặc dù việc điều chỉnh tăng giá điện lần này đã được tính toán nằm trong lộ trình nhưng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra về tăng giá điện vừa qua như thế nào, có đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý như thế nào để cử tri và nhà nước biết".
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc |
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa, tránh tình trạng tăng giá "té nước theo mưa", cần theo dõi sát biến động thị trường kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, bà Phúc kiến nghị.
Khẳng định giá điện cứ "tăng rồi, tăng nữa, tăng mãi", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) thẳng thắn chỉ rõ: Người dân muốn công khai minh bạch về giá điện, và họ có lý do để nghi ngờ mức tăng 8,36% là không chuẩn xác khi số tiền điện mà họ phải trả cho "nhà đèn" trong tháng đầu tiên tăng lên nhiều, thậm chí gấp 2-3 lần so với tháng trước đó.
Ông Cương cho rằng, cần phải lấy giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ làm gốc dù có phân 6 bậc hay bao nhiêu bậc đi nữa.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương |
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu ý kiến của cử tri cho rằng, lẽ ra khi kinh tế đất nước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao thì mức tiêu thụ điện cũng phải tăng. Song thực tế, mức tiêu thụ điện của người dân hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, chỉ phù hợp với gia đình nghèo ở vùng khó khăn.
"Ngành điện thì cứ tăng giá và đổ cho thời tiết để đỡ phải giải thích nhiều", ông Cương nói. Đại biểu này cũng đề nghị công bố công khai kết luận của Thanh tra Chính phủ về hoạt động của EVN.
Cần xây dựng lại bậc thang bảng giá điện
Trước đó, thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cũng nhấn mạnh cử tri rất quan tâm vấn đề điều chỉnh giá điện dù Bộ Công Thương đã có giải trình về cơ chế tính nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu |
“Cử tri không biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh với giá cả khác thì việc tăng giá mặt hàng này không hợp với cử tri” - ông Nguyễn Hữu Cầu nói và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.
Nếu kiểm toán và trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm, ông Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.
Đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thanh Hóa cho biết, báo cáo vừa qua khẳng định việc điều hành giá điện là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên một điều hành mà có bức xúc trong cử tri, nhân dân thì nên xem xét lại. Và hiện nay Chính phủ đang giao thanh tra quá trình điều hành giá điện.
Theo ông Diến, ngoài việc thanh tra kịp thời, báo cáo công khai dư luận vấn đề đúng hay chưa đúng việc điều hành giá điện, đề nghị Quốc hội giao UBTVQH có giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán điện, điều chỉnh giá điện, bởi đây là vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.
"Quan điểm của ngành điện trong việc sử dụng giá điện từ bậc 3-4-5 để điều tiết hỗ trợ cho bậc 1-2 tức là ngành điện đã thò túi của người này để bỏ vào túi của người kia mà không được họ đồng tình. Vì vậy đã gây bức xúc cho người dân và cử tri trong điều hành giá điện vừa qua", đại biểu Mai Sỹ Diến nêu quan điểm và kiến nghị ngành điện phải xây dựng lại bậc thang bảng giá điện./.