Ngành kỹ thuật cao Việt Nam hứa hẹn nhiều triển vọng

08/07/2013 18:49

Xu hướng đầu tư của giới kinh doanh Hàn Quốc tại Việt Nam hiện chuyển sang ngành kỹ thuật cao và công nghiệp tự động, thay vì dệt may, da giày như trước đây, theo ông Paik In Ki, Trưởng ban tư vấn kinh doanh của Kocham.

Ông Paik In Ki, Trưởng ban tư vấn kinh doanh của Kocham (Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc) chia sẻ về tiềm năng đầu tư tại thị trường Việt Nam và triển vọng rót thêm vốn trong thời gian tới.



Ảnh minh họa

- Ông đánh giá như thế nào về cơ hội đầu tư tại Việt Nam?

- Việt Nam có nhiều ưu thế trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nơi đây có lực lượng lao động trẻ rất dồi dào, với những tố chất đáng quý như: siêng năng, chịu khó, ham học hỏi. Điều đó lý giải vì sao thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Việt Nam để tính chuyện làm ăn, chứ không phải nước nào khác trong khu vực Đông Nam Á.

- Ông nhận định xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

- Trước đây, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sang Việt Nam chủ yếu là ngành may mặc, giày da do giá nhân công rẻ, nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hàn có xu hướng chuyển sang các ngành công nghệ, kỹ thuật cao và công nghiệp tự động. Nguyên nhân do lĩnh vực may mặc không còn nhận được những cơ chế ưu đãi như trước. Trong khi đó, đầu tư vào công nghệ cao được nhiều ưu đãi như: giảm giá tiền thuê đất, miễn thuế một thời gian.

Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam cần đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ. Ngành may, giày da, plastic, hay điện tử đều cần đến công nghiệp hỗ trợ.

- Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện gặp khó khăn gì khi kinh doanh tại Việt Nam?

- Nhiều chính sách liên tục thay đổi. Tôi hiểu, để phù hợp với tình hình hiện tại, cơ quan quản lý phải có những điều chỉnh, bổ sung. Nhưng nếu các thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn cứ thay đổi thường xuyên sẽ khiến doanh nghiệp Hàn Quốc rất khó khăn khi cập nhật, nắm bắt và áp dụng vào thực tế.

Ngoài ra, thủ tục mỗi khu vực khác nhau gây nhiều khó khăn cho giới kinh doanh như: giao hàng chậm tiến độ cho đối tác và mất thời gian xử lý khâu giấy tờ. Tôi lấy ví dụ: thủ tục hải quan ở Bình Dương và TP HCM chẳng giống nhau nên doanh nghiệp Hàn Quốc khi lập tờ khai cũng phải thay đổi cho phù hợp.

- Vậy theo ông nên có những điều chỉnh gì để dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc chảy mạnh sang Việt Nam?

- Một doanh nghiệp Hàn Quốc có thể sử dụng một nghìn đến vài chục nghìn công nhân. Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào nhưng phân bổ chưa đều. Do đó, nguồn nhân lực ở các trình độ cần phải được phân bổ hợp lý hơn vì mỗi địa phương hiện đều có các khu công nghiệp.

Tôi lấy ví dụ: ở TP HCM có nhiều kỹ thuật viên, chuyên viên trình độ cao nhưng Đồng Nai hay Long An thì rất khó tìm những ứng viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ.

Tôi đã từng đi tìm các kỹ sư ở các trường trung cấp, đại học ở Bình Dương, nhưng rất khó khăn để tìm được một kỹ sư ưng ý hay thợ lành nghề. Do đó, tôi nghĩ cần có chính sách hỗ trợ cho sinh viên kỹ thuật như cấp học bổng để họ học lên cao hoặc chuyên sâu hơn.


Theo VNE - P.H

Mới nhất
x
Ngành kỹ thuật cao Việt Nam hứa hẹn nhiều triển vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO