Ngành ngân hàng chú trọng xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng
(Baonghean.vn) - Khó khăn từ nợ xấu và tăng trưởng tín dụng đang phần nào được hạ nhiệt bởi mặt bằng lãi suất không ngừng đi xuống. Năm 2024, nợ xấu tiếp tục được ngành ngân hàng Nghệ An quan tâm và chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó.
Nợ xấu được kiểm soát
Năm 2023, hoạt động kinh doanh của Agribank chi nhánh tỉnh Nghệ An đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, có những khó khăn nằm ngoài dự báo và khác biệt so với những năm trước: bước qua đại dịch Covid-19, nền kinh tế mở cửa, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng, nên công tác huy động vốn gặp nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại, tác động xấu của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, nên người dân và doanh nghiệp giảm quy mô đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng, dẫn đến cầu tín dụng giảm sút mạnh, việc tăng trưởng tín dụng gặp rất nhiều khó khăn…
Số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho thấy, đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 232.344 tỷ đồng, tăng 16,3% so với đầu năm. Trong khi đó, cho vay thấp hơn, tổng dư nợ cho vay 286.222 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.
Tình hình kinh tế khó khăn, nợ xấu toàn ngành ngân hàng nhìn chung tăng cao. Cùng với xu hướng tăng mạnh nợ xấu của cả nước, nợ xấu trên địa bàn Nghệ An chiếm 1,9% trong tổng dư nợ, tăng 2,8 lần so với năm 2022 (năm 2022 nợ xấu chiếm 0,55% tổng dư nợ). Tuy vậy, với nhiều giải pháp được đưa ra, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với nợ xấu toàn ngành ngân hàng cả nước 4,95%.
Nợ xấu tập trung chủ yếu ở các khoản cho vay bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (73%); hoạt động dịch vụ khác (11,5%); nghệ thuật vui chơi, giải trí (4,5%); hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (4,3%)...
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chung đó, chính sách giãn - hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ đầu năm 2020 đến nay. Các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn việc ghi nhận và trích lập dự phòng, cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn.
Trên địa bàn Nghệ An, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng triển khai các gói cho vay hỗ trợ lãi suất, nhiều ngân hàng kiểm soát nợ xấu tốt. Đơn cử tại Agribank Nam Nghệ An, đến cuối năm 2023, tổng nợ xấu là 30,6 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 10,7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu 0,24%/kế hoạch giao dưới 0,8%/ tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ nhóm 5 chiếm tỷ lệ 92,2%/tổng dư nợ xấu. Kết quả là dư nợ toàn hệ thống tăng 7,4% nhưng Agribank chi nhánh Nam Nghệ An tăng 11,2%...
Giám đốc Agribank Nam Nghệ An, ông Trương Quốc Bảo cho hay: Để kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu trong phạm vi cho phép, thu hồi nợ sau xử lý vượt kế hoạch trụ sở chính giao, chúng tôi triển khai đồng bộ các giải pháp: Kiểm soát nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro đối với các đơn vị/bộ phận thông qua việc giao kế hoạch chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ nhóm 2 và tỷ lệ nợ nhóm 5. Chủ động rà soát, kiểm kê các khoản nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro, xây dựng phương án thu nợ cụ thể đến từng khoản vay, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và cán bộ liên quan trong công tác xử lý và thu hồi nợ xấu. Tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp có hiệu quả để thu hồi nợ xử lý rủi ro như thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, miễn giảm lãi, khởi kiện... nên đã hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Triển khai nghiêm túc quy định quản lý các khoản cấp tín dụng có vấn đề; xây dựng phương án, lộ trình và áp dụng linh hoạt các biện pháp để xử lý ngay từ khi chuyển nợ nhóm 2…
Nâng cao chất lượng tín dụng
Theo nhận định, việc tín dụng tăng tốc vào tháng cuối năm 2023 giúp nợ xấu được pha loãng, đưa tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng về mức thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt…
Tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Để đảm bảo mục tiêu đề mà Chính phủ, Quốc hội đề ra cho ngành Ngân hàng trong năm 2024, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, trong đó, một trong những vấn đề cần tập trung là chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh thông qua các giải pháp sẽ được áp dụng và triển khai trên địa bàn trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo, trong năm 2024 này ngành sẽ tăng cường công tác giám sát an toàn vi mô; giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cấp tín dụng trong cùng một hệ sinh thái của ngân hàng, cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng ngoài địa bàn, hoạt động cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động đại lý bảo hiểm... nhằm phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật; chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng khi phát hiện có biến động bất thường. Chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trên địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị, cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; chấn chỉnh và xử lý, đề xuất xử lý kịp thời các tồn tại và sai phạm; đồng thời, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra kết quả thực hiện của các tổ chức tín dụng...
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, tăng cường kỷ cương trong công tác xử lý, thu hồi nợ. Thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ nhằm bảo đảm thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, hạn chế tối đa tổn thất cho các tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cổ đông. Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH 1 thành viên chuyên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt (VAMC) trong việc mua, bán và xử lý nợ xấu.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan như Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Chi Cục Thi hành án dân sự tỉnh để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Đồng thời, chỉ đạo các quỹ tín dụng nhân dân tham mưu UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu và tổ giúp việc xử lý nợ xấu trên địa bàn các huyện, xã để phối hợp cùng với quỹ tín dụng nhân dân xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An chia sẻ.