Kinh tế

Ngành Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An nỗ lực hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2025

Hoàng Quốc Việt – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường 02/05/2025 09:45

Năm 2025 là năm cuối thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX... Với ý quan trọng đó, nên mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ban, ngành; cùng sự nỗ lực lao động của bà con nông dân, các hợp tác xã và cộng đồng doanh nghiệp…, ngành Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bộ máy Sở Nông nghiệp và Môi trường

Thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 25/02/2025 của HĐND tỉnh Nghệ An về việc việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Nghệ An; từ ngày 01/3/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Ngay khi được thành lập, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiện toàn lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, chỉ đạo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước đây, không để khoảng trống về pháp lý; không để gián đoạn, chậm trễ trong việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sau sát nhập, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiện toàn bộ máy tổ chức, bổ nhiệm lãnh đạo các phòng nên hoạt động rất hiệu quả. Ảnh: VPS
Sau sáp nhập, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiện toàn bộ máy tổ chức, bổ nhiệm lãnh đạo các phòng nên hoạt động rất hiệu quả. Ảnh: VPS

Đồng thời, tổ chức xây dựng Đề án sáp nhập các đơn vị sự nghiệp và đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án. Tập trung giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định tại Nghị định số 178/2025/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của chính phủ (đến nay đã có 07 công chức, lao động hợp đồng có Quyết định nghỉ hưu, nghỉ thôi việc).

Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I đạt 5,02% (KH cả năm từ 4,5-5%).

Mùa vàng trên cánh đồng lúa ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Quang Dũng
Mùa vàng trên cánh đồng lúa ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Quang Dũng

Đầu năm 2025, thời tiết tương đối thuận lợi, các địa phương trong tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ trồng và thu hoạch đảm bảo trong khung thời vụ, tập trung vào những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn tỉnh ước đạt 189 ngàn ha (trong đó diện tích gieo cấy lúa ước đạt 90,73 ngàn ha, cây ngô ước đạt gần 31,17 ngàn ha, khoai lang ước gần đạt 2,23 ngàn ha, rau các loại ước đạt 23 ngàn ha và diện tích đậu đỗ các loại ước đạt 672,06 ha).

Vụ Đông vừa qua, toàn tỉnh có tổng diện tích gieo trồng trên 39 ngàn ha và vụ Xuân 2025, diện tích gieo trồng ước đạt 150.017,07 ha, tăng 0,39% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, diện tích một số cây trồng chính như: cây lúa đạt 90.729,87 ha, cây ngô ước đạt 16.445,1 ha, cây lạc ước đạt 7.084 ha và cây rau, đậu, hoa các loại ước đạt 10.505,68 ha).

Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển nhanh sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng các loại sản phẩm có giá trị cao. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2045 tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 10/4/2025.

san-pham-occop-cua-nguoi-dan-quy-hop.-anh-hoang-vinh-1-.jpg
Sản phẩm OCCOP của người dân Quỳ Hợp. Ảnh Hoàng Vĩnh

Lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp cũng đã chuyển biến rất tích cực, 3 tháng đầu năm 2025, diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 5.933 ha, tăng 0,4% và thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế và chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA).

Ngành thuỷ sản đạt được kết quả khá, đến nay tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 60.843,76 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 40.270,1 tấn, tăng 4,17% so với năm trước. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 7.395 tấn, tăng 4,69% so cùng kỳ năm trước.Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 18.695 ha và sản xuất giống thủy sản ước đạt 720 triệu con.

Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi về cơ cấu và xu hướng phát triển, nên bà con nông dân đã chuyển sang nuôi các loài vật nuôi khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn, như lợn, bò và gia cầm. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, tăng trưởng bền vững, đóng góp tích cực vào nền kinh tế địa phương. Đến hết quý 1 năm 2025, tổng đàn trâu ước đạt 248.168 con, tổng đàn bàn ước đạt 551.978 con, tăng 3,46% so với cùng kỳ, tổng đàn lợn ước đạt 1,02 triệu con, tăng 3,72 so với cùng kỳ, tổng đàn gia cầm ước đạt 38.551 nghìn con, tăng 7,55% so với cùng kỳ.

Thời gian qua, công tác thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đê điều - Phòng chống thiên tai và TKCN, quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản và vệ sinh ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

fotojet(2).jpg
Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Đô Lương đã nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Việc phát triển HTX nông nghiệp và trang trại được mở rộng, liên kết, gắn với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM (toàn tỉnh có 275/362 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 75,97%; 102/275 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 37,09%; 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó có 4 xã đã được các sở, ngành thẩm tra thông qua; huyện Nam Đàn đã hoàn thiện hồ sơ, chờ Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn NTM năm 2024...)

Đến nay, trên địa bàn có 722 HTX nông nghiệp, đứng thứ 5 cả nước và có 728 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên (bao gồm 681 sản phẩm đạt 3 sao, 45 sản phẩm đạt 4 sao, 02 sản phẩm đạt 5 sao), có 1 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt sản phẩm OCOP 5 sao đang trình Trung ương đánh giá, phân hạng.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai

Thực hiện Luật Đất đai 2024, đến nay Sở Nông nghiệp và Môi trường đã hoàn thành việc tham mưu ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh (Nghệ An là một trong những tỉnh, thành phố trong cả nước được đánh giá hoàn thành sớm nhất nội dung ban hành Văn bản quy phạm pháp luật khi thực hiện Luật Đất đai 2024).

Cùng với đó, Sở đã tham gia góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm tiền thuê đất năm 2025 đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, hỗ trợ doanh nghiệp; góp ý sửa đổi Nghị định số 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để xử lý các nội dung vướng mắc, bất cập trong trong quá trình thực hiện tại các địa phương.

bo-phan-mot-cua-tai-ubnd-huyen-anh-son-giai-quyet-ve-linh-vuc-dat-dai.-anh-hoang-vinh-3-.jpg
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả về lĩnh vực đất đai tại UBND huyện Anh Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ (2021 – 2030) cho các huyện, thành phố, thị xã để phục vụ việc thu hút đầu tư. Trong quý I/2025, đã tổ chức thẩm định, hoàn thành và trình UBND tỉnh phê duyệt KHSD đất năm 2025 trên địa bàn tỉnh để kịp thời phục vụ việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất... góp phần đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu ngân sách cho Nhà nước và phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã kịp thời tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng để tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời, đúng quy định và tham mưu UBND tỉnh xử lý vướng mắc cho địa phương khi thực hiện dự án trọng điểm của tỉnh, của Trung ương.

Cùng với đó, tổ chức hiện tốt công tác kiểm kê đất đai các cấp, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận QSD đất; chỉ đạo các đơn vị tư vấn tập trung đo đạc bản đồ địa chính, tổ chức nghiệm thu để thanh quyết toán; rà soát tham mưu các phụ lục hợp đồng chốt thời gian hoàn thành trong các hợp đồng (trước khi sáp nhập, thu hồi con dấu); kiểm tra, nghiệm thu công trình đo đạc, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành. Tổ chức thẩm định kỹ thuật các thiết kế kỹ thuật dự toán, phương án nhiệm vụ và kiểm tra phê duyệt bản đồ trích lục, trích đo phục vụ bồi thường GPMB, thu hồi đất các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

nho-thuc-hien-tot-cong-tac-ban-giao-dat-gpmb-o-quy-hop-da-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-cac-du-an-phat-trien-nong-thon.-anh-hoang-vinh.jpg
Nhờ thực hiện tốt công tác bàn giao đất, GPMB ở Quỳ Hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án thực hiện đúng tiến độ. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã hoàn thành dự thảo và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu công trình, sản phẩm trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra xác nhận bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của cấp huyện.

Triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 9 huyện thuộc nội dung của Đề án 06; hoàn thành nhiệm vụ liên quan đến đo đạc làm cơ sở cấp GCN cho đồng bào dân tộc Đan Lai thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Mặt khác, một trong những nội dung xử lý kịp thời, hiệu quả của ngành trong thời gian qua là công tác xác định giá đất, đấu giá QSD đất.

Sở đã tham mưu xử lý xác định giá đất phục vụ công tác giao đất, cho thuê đất; xử lý thủ tục liên quan để triển khai công tác đấu giá QSD đất đối với các dự án đủ điều kiện kịp thời, đảm bảo quy định,..

Đến nay, công tác cấp Giấy chứng nhận QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đã triển khai đồng bộ, tiếp nhận và hoàn thành cấp lần đầu GCNQSD đất, đăng ký biến động và giao dịch bảo đảm hơn 600 hồ sơ cho các tổ chức và 81.513 hồ sơ cho hộ gia đình, cá nhân.

Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước

Thực hiện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với bộ, ngành Trung ương Hội thảo triển khai Luật Địa chất và khoáng sản 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, tập huấn triển khai Nghị định số 10/2025/NĐ-CP ngày 11/01/2025 về sửa đổi bổ sung các Nghị định về khoáng sản; Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 15/01/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản về khai thác khoáng sản nhóm IV, tham mưu ban hành và công bố TTHC và chu trình nội bộ 06 TTHC khoáng sản nhóm 4 tại Quyết định số 319/QĐ-UBND ngày 14/2/2025 và Quyết định 380/QĐ-UBND ngày 24/02/2025; đôn đốc khắc phục sau thanh kiểm tra; xây dựng kế hoạch triển khai Luật Địa chất và Khoáng sản, xử lý các khu vực khai thác khoáng sản phức tạp về tình hình an ninh trật tự tại: Tân Kỳ, Thanh Chương, Diễn Lợi,...

Chấn chỉnh công tác lắp trạm cân, CAM, quản lý và cắm lại mốc giới bị mất; giải quyết nguyên liệu san lấp cho các dự án trọng điểm VSIP1, VSIP2, VSIP3, WHA, giải quyết nguyên liệu cho các dự án công trình giao thông, hạ tầng; Giải quyết vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu khoáng sản đá xây dựng; tiếp tục thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; đôn đốc việc chuẩn bị quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thi hành pháp luật về khoáng sản, tập trung chỉ đạo xử lý hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn.

che-bien-t-inh-bot-da-tai-quy-hop.-anh-hoang-vinh.jpg
Chế biến tinh bột đá phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Đôn đốc chấp hành pháp luật Tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định tham mưu cấp giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, thẩm định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đăng ký khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

Triển khai kịp thời và hiệu quả Kế hoạch số 414/KH-UBND ngày 03/6/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các nội dung Luật Tài nguyên nước năm 2023. Chỉ đạo Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường định kỳ 03 tháng/lần, tổ chức quan trắc giám sát chất lượng nguồn nước thô đầu vào cung cấp cho một số nhà máy nước trên địa bàn tỉnh; tham mưu văn bản cảnh báo chất lượng nguồn nước thô gửi UBND huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân vận hành khai thác nguồn nước thô cấp cho sinh hoạt để theo dõi, giám sát và thực hiện. Đôn đốc các tổ chức, cá nhân có công trình khai thác tài nguyên nước phục vụ cấp nước sinh hoạt đã được UBND tỉnh phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt tổ chức thực hiện cắm mốc bảo vệ theo đúng quy định.

Đã tiếp nhận ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của 61 tổ chức/71 mỏ khai thác khoáng sản. Hoàn trả tiền ký quỹ cho 1 tổ chức/1 điểm mỏ. Đã chỉ đạo UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; tập trung việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và phối hợp Công an tỉnh Nghệ An trong các vụ việc xử lý vi phạm (giám định tư pháp trong lĩnh vực khoáng sản; định giá khoáng sản; xác định ranh giới khu vực được phép khai thác)…

Với kết quả nổi bật trong quý I, là động lực quan trọng để ngành Nông nghiệp và Môi trường nỗ lực, quyết tâm đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Trong thời gian tới, ngành mong muốn các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ và các sở, ngành liên quan, các địa phương quan tâm phối hợp để ngành Nông nghiệp và Môi trường hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2025, phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra theo kịch bản tăng trưởng năm 2025.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Ngành Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An nỗ lực hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO